Ngành International Business (Kinh doanh quốc tế) đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ đam mê lĩnh vực kinh tế và mong muốn làm việc trong môi trường toàn cầu. Nhưng ngành International Business là gì, học gì và có cơ hội nghề nghiệp ra sao?
Ngành International Business là gì?
Ngành Kinh doanh quốc tế (International business) là ngành học bao hàm các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới giữa các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân. Nó bao gồm nhiều khía cạnh như xuất nhập khẩu hàng hóa/ dịch vụ, đầu tư quốc tế, thương mại điện tử, quản trị chuỗi cung ứng, marketing quốc tế, luật kinh doanh quốc tế,...
Hay nói cách khác, đây là một công việc giao dịch giữa quốc gia này với quốc gia khác, là một lĩnh vực mang tính toàn cầu thuộc nhóm ngành kinh doanh, cung cấp kiến thức tổng quan về quản trị kinh doanh, chiến thuật, chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia.
Ngành kinh doanh quốc tế có điểm đầu vào khá cao, đồng thời đòi hỏi khả năng ngoại ngữ tốt. Sinh viên định hướng theo ngành này cần có khả năng học tập tốt, tư duy logic để theo kịp chương trình học tại trường.
Học International Business ra trường làm gì?
Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, sinh viên có thể làm việc tại nhiều vị trí đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau. Bao gồm:
Các vị trí trong lĩnh vực kinh doanh
Chuyên viên xuất nhập khẩu: Đây là vị trí phổ biến nhất dành cho sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế. Chuyên viên xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm cho các hoạt động liên quan đến việc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, bao gồm tìm kiếm thị trường, đàm phán hợp đồng, chuẩn bị hồ sơ thủ tục, theo dõi vận chuyển hàng hóa,...
Nhân viên kinh doanh quốc tế: Tìm kiếm khách hàng tiềm năng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ, đàm phán hợp đồng và phát triển thị trường cho doanh nghiệp ở nước ngoài.
Chuyên viên marketing quốc tế: Xây dựng chiến lược marketing và thực hiện các hoạt động quảng bá sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp đến thị trường quốc tế.
Quản trị chuỗi cung ứng quốc tế:Tìm kiếm nhà cung cấp, đàm phán giá cả, quản lý kho bãi,...
Lĩnh vực tài chính
Nhân viên ngân hàng ngoại thương: Chịu trách nhiệm cho các hoạt động liên quan đến ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng xuất nhập khẩu,...
Chuyên viên tư vấn tài chính quốc tế: Huy động vốn, đầu tư, quản lý rủi ro,...
Lĩnh vực dịch vụ
Chuyên viên dịch vụ khách hàng quốc tế: Hỗ trợ khách hàng quốc tế trong việc sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp.
Hướng dẫn viên du lịch: Giới thiệu văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của Việt Nam cho du khách quốc tế.
Nghiên cứu và giảng dạy
Nhân viên nghiên cứu: Thực hiện các nghiên cứu về kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế,...
Giảng viên: Giảng dạy các môn học về kinh doanh quốc tế tại các trường Đại học, cao đẳng.
Ngoài những vị trí trên, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế cũng có thể tự thành lập doanh nghiệp hoặc làm việc trong các tổ chức phi chính phủ.
Học ngành quản trị kinh doanh quốc tế ở đâu?
Hiện, nhiều trường đào tạo ngành International Business dành cho bạn lựa chọn: trường Đại học Thương mại, trường Đại học Ngoại thương, trường Đại học Kinh tế quốc dân, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trong thời đại toàn cầu hóa, Kinh doanh quốc tế đang là ngành học đầy triển vọng. Với sự phát triển không ngừng của thương mại, logistics, và công nghệ, lĩnh vực này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển vượt trội cho các bạn trẻ.