Theo VnExpress, ngày 22/11, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Trong đó, Bộ điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ mức tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Một số ngành được áp dụng mức sàn thấp hơn, bao gồm Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều Dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Thí sinh cần có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên.
Các điều kiện này đều cao hơn so với hiện nay - thí sinh chỉ cần xếp loại học lực giỏi hoặc khá ở lớp 12.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT hiện chia thí sinh thi vào các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe thành hai nhóm. Điều kiện về học bạ chỉ áp dụng với nhóm không xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối với nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn hàng năm. Dự thảo mới công bố không còn phân chia mức sàn theo phương thức xét tuyển. Điểm sàn chung với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm được Bộ GD&ĐT thực hiện 6-7 năm qua, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của hai nhóm đặc thù này.
Hai năm qua, điểm sàn xét tuyển khối ngành Sư phạm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 18-19 cho tổ hợp ba môn. Riêng ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm. Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên.
Riêng 11 ngành thuộc nhóm sức khỏe phải lấy điểm sàn tối thiểu 19-22,5 điểm, cao nhất là Y khoa và Răng Hàm Mặt.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến bổ sung điều kiện xét tuyển bằng học bạ, theo VTC News. Cụ thể, việc xét học bạ phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm.
Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.
Theo TTXVN, trong dự thảo quy chế, Bộ GD&ĐT cũng quy định cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào.
Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp Trung học Phổ thông) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung.
Cơ sở đào tạo được quyền quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.