+Aa-
    Zalo

    Ngang nhiên “độ” còi xe sai quy định: Loạn âm thanh “độc, lạ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Việc còi xe công suất lớn, còi xe ưu tiên được các xế độ gắn vô tội vạ đã trở thành vấn nạn, ám ảnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

    (ĐSPL) - Trong khi các ngành chức năng đang tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt các chủ phương tiện tham gia có gắn còi xe không đúng tiêu chuẩn, thì tại các chợ bán phụ tùng xe, các điểm độ xe... vẫn ngang nhiên bán, lắp đặt các loại còi “độc”, còi hơi công suất lớn.

    Việc còi xe công suất lớn, còi xe ưu tiên được các xế độ gắn vô tội vạ đã trở thành vấn nạn, ám ảnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

    Ám ảnh còi xe

    Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, tại chợ bán phụ tùng xe máy Tân Thành (quận 5), chợ tự phát tại huyện Bình Chánh hay các tuyến phố bán phụ tùng, sửa chữa xe gắn máy trên đường Ký Con, Trần Quang Khải (quận 1), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), đường An Dương Vương, Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5), TP. HCM, đều bán các loại còi xe, từ xe gắn máy đến còi của các loại xe ô tô, xe tải, container. Theo những người bán hàng, còi xe được “thu gom” từ nhiều nguồn khác nhau, có hàng nhập và cả hàng “theo xe”.

    Còi xe đa chủng loại được bày bán công khai tại chợ phụ tùng xe máy Tân Thành (quận 5, TP. HCM).

    Các loại còi hơi, còi hú, còi hụ, ngân, còi 1 tiếng, 3 tiếng, còi thú (bắt chước tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí...) đến các loại còi phát ra tiếng em bé khóc, ông địa cười... (tạm gọi là “còi độc”). Thậm chí là cả còi bắt chước tiếng xe cứu hỏa, xe công an cũng được nhiều chủ phương tiện lắp đặt khiến người đi đường hết sức bức xúc. Đã có những vụ tai nạn chết người hoặc bị thương nặng xảy ra khi người dân giật mình té ngã khi bất ngờ nghe tiếng còi xe phát ra âm quá lớn.

    Việc lạm dụng còi gây ra tiếng động lớn không chỉ rơi vào các xe ô tô mà ngay cả người điều khiển xe gắn máy cũng đua nhau gắn còi giả tiếng còi xe tải, xe cứu thương, xe cảnh sát, thậm chí cả xe chữa cháy. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng, dân chơi xế độ dễ dàng trang bị “còi độc” với công suất cực lớn, đủ thứ tiếng kêu quái dị vang lên. Tại một sạp trong chợ Tân Thành (quận 5) bày bán la liệt các loại “còi độc”, giá dao động từ 120 – 180 ngàn đồng/chiếc. Giá bán lẻ còi ông địa cười, còi heo được chào bán với giá 180 ngàn đồng; Còi em bé khóc, ngựa hí,... có giá 120 ngàn đồng. Khi chúng tôi hỏi nếu mua nhiều về thay cho khách thì giá bao nhiêu, người bán cho biết sẽ giảm giá từ 20 – 50 ngàn đồng/còi tùy loại.

    Chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, người sử dụng phương tiện có thể dễ dàng mua và lắp đặt những loại “còi độc”, còi hơi, còi giả xe cứu thương, cảnh sát, cứu hỏa công suất lớn lên xe của mình. Sử dụng còi vượt âm lượng cho phép, bấm còi inh ỏi trong khu vực đông dân cư hay lắp đặt còi không phù hợp với xe đều nằm trong những hành vi bị cấm và bị xử phạt. Tuy nhiên, các phố bán còi hơi, còi “độ” vẫn tấp nập.

    Một chiếc còi hơi công suất lớn được gắn trên đầu xe tải.

    Chi phí thấp, lắp đặt dễ dàng

    Các loại “còi độc” không nằm trong danh sách cho phép lắp đặt của các nhà sản xuất xe và của các cơ quan chức năng liên quan. Tuy nhiên, trên đường phố người đi đường vẫn được nghe những âm thanh khó chịu từ nhiều phương tiện gắn “còi độc”. Nhiều loại còi ô tô được gắn vào xe máy khiến những người đi đường rất khó chịu, thậm chí là gây nguy hiểm, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.

    Theo những người bán hàng thì hầu hết các loại “còi độc” đều được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Các loại còi chất lượng hơn, âm thanh hoành tráng hơn được nhập từ Đức, Italia, úc... Còn lại là còi do các tay độ xe tự chế theo ý muốn hoặc còi “theo xe”. Một chủ hàng chuyên bán còi xe tại chợ Tân Thành (quận 5) cho biết, còi “theo xe” là các loại còi cũ được tháo ra từ các loại xe không còn sử dụng. Nhiều xe sau khi bị tai nạn, xe bị CSGT giữ lâu ngày không ai đến nhận, được mua với giá rẻ rồi “rã” xe để bán lẻ phụ tùng. Giá bán và công lắp đặt các loại còi này chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng nên nhiều người tìm mua, lắp vô tội vạ cho xe của mình, bất chấp sự nguy hiểm cho người khác.

    Chủ tiệm sửa xe Hồng Thanh trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1) cho biết: “Những người thích làm mới xe cộ ngoài việc sơn mới xe, gắn thêm các loại ốc, phụ tùng inox, còn gây chú ý với tiếng còi độc. Việc lắp đặt còi xe không mấy tốn kém bởi có rất nhiều loại còi âm thanh độc đáo bán tràn lan trên thị trường. Đa phần những người thích gắn “còi độc” là những thanh niên trẻ hoặc nhóm bạn chơi chung với nhau, cùng sử dụng một dòng xe giống nhau. Các xế độ cũng không sợ chập điện gây cháy hay điện không đủ để tiếng còi phát ra âm thanh như ý muốn, vì thợ sửa xe khi lắp đặt thường gắn kèm bộ kích âm thanh hay thậm chí là các bo mạch tự chế để tiếng còi phát ra chuẩn nhất. Tuy nhiên, để tránh bị phạt khi CSGT kiểm tra, xe thường có hai hệ thống còi, được chuyển đổi dễ dàng bằng một công tắc mà dân độ xe lắp đặt khá tinh vi”.

    Nói về vấn đề này, một lãnh đạo phòng Cảnh sát Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM cho biết: “Chủ trương của lực lượng CSGT là xử phạt nghiêm khắc các trường hợp phương tiện lắp đặt còi xe không đúng quy định, còi âm thanh quá lớn. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ lập biên bản, yêu cầu chủ phương tiện tháo còi xe và lắp đặt lại theo quy định. Việc xử phạt là hết sức cần thiết để nhằm hạn chế các chủ phương tiện sử dụng còi hơi, “còi độc” và các loại còi không phù hợp với phương tiện. Tại TP. HCM, lực lượng CSGT xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến còi xe mỗi năm. Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh quá trình kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành, tiến tới xóa bỏ triệt để việc lạm dụng còi xe gây ồn ào, mất trật tự, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông”.

    Gắn còi hơi công suất lớn, “còi độc” sai quy định đều vi phạm luật

    Luật sư Doãn Thị Miên, đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định của cục Đăng kiểm, bộ Giao thông Vận tải, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Nhưng thực tế, có nhiều ô tô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 300 decibel, gấp 2,5 lần so với bình thường. Điều này vi phạm các quy định bị nghiêm cấm của Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông. Ngoài ra, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: “...Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định...”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngang-nhien-do-coi-xe-sai-quy-dinh-loan-am-thanh-doc-la-a78003.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hàng loạt tai nạn vì …còi xe

    Hàng loạt tai nạn vì …còi xe

    Thời gian gần đây, nhiều lái xe tự ý lắp thêm còi hơi công suất lớn lại đang trở thành nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm.