Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của MSB đạt gần 2.157 tỷ đồng, tăng 10%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 20%, xuống còn hơn 269 tỷ đồng do giảm thu từ dịch vụ khác và tăng chi về dịch vụ thanh toán. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về cho MSB hơn 137 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó mảng mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 45 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động khác báo lãi hơn 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 244 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản MSB đạt gần 235.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022. Hạng mục tài sản có khác ghi nhận 17.576 tỷ đồng, tăng 4,3%. Trong đó, khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) tăng 17% lên mức 3.296 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ lãi, phí phải thu trên tổng tài sản ở mức 1,3%.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của MSB đến cuối quý 1/2023 ở mức 2.766 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 10,6%, lên mức 1.116 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 78,3%, lên mức hơn 789 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 39,5%, lên mức hơn 860 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, MSB đang có 11.840 tỷ đồng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản, phần nào tiềm ẩn rủi ro khi thị trường bất động sản đang gặp khó về thanh khoản.
Tại Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2023, MSB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Cũng tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng giám đốc MSB cho biết ngân hàng đã sử dụng hết “room” tín dụng của cả năm 2023 chỉ trong quý đầu tiên của năm. Theo đó, từ giờ tới cuối năm, ngân hàng sẽ phải thực hiện tái cơ cấu các khoản vay, tăng nguồn thu từ phí, đồng thời, tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng room tín dụng cho ngân hàng.
Đồng thời, tờ trình sáp nhập một ngân hàng của MSB không được ĐHĐCĐ thông qua khi chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Như vậy, những đồn đoán xoay quanh việc MSB sẽ nhận sáp nhập Ngân hàng PGBank đã không thành sự thật.
Dù vậy, ở một diễn biến có liên quan, vào ngày 5/5, HĐQT PGBank cho biết đã bầu ông Oliver Schwatzhaupt, Thành viên HĐQT, Phó Trưởng ban Ủy ban Quản lý rủi ro của PG Bank làm Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 4/5/2023. Nên biết, vị này là “người cũ” của MSB và từng đảm nhận chức vụ Giám Đốc Khối Quản lý rủi ro (từ năm 2010 - 2012) và Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro (từ năm 2019 – 2022) tại nhà băng này.
Hiện Chủ tịch HĐQT MSB là doanh nhân Trần Anh Tuấn. Vợ ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT TNG Holdings. Mối quan hệ giữa TNG Holdings – Ngân hàng MSB cũng đã được khẳng định qua việc website của TNG Holdings giới thiệu Ngân hàng MSB như một công ty liên kết.
Ở chiều ngược lại, theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của CTCP Thương mại dịch vụ TNS Holdings – một công ty thành viên của TNG Holdings, doanh nghiệp này đang có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là cổ phiếu ngân hàng MSB, với giá gốc là hơn 628 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này là hơn 809 tỷ đồng (tính theo giá kết phiên ngày 31/12/2022 là 12.500 đồng/cổ phiếu).
TNS cũng đầu tư 34,5 tỷ đồng để sở hữu 15% vốn của CTCP Dịch vụ và Nền tảng tài chính kỹ thuật số TNEX - pháp nhận có liên quan đến nền tảng ngân hàng số TNEX do MSB phát triển và bảo trợ.
PV