Kết luận hội nghị đẩy mạnh tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 20/2, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh yêu cầu các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay bình quân trên website.
"Các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay để khách hàng biết và lựa chọn. Cái này không có chế tài phạt, nhưng người dân và doanh nghiệp sẽ biết, giám sát", Phó thống đốc nói. Tuy nhiên, trước chủ trương này, nhiều ngân hàng cho biết việc công khai lãi suất cho vay gặp khó khăn.
Theo báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết công khai mức lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân thì không có vấn đề gì nhưng đối với khách hàng tổ chức thì khó khăn, bởi việc xác định lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp là dựa trên cơ sở tổng thể lợi ích mà ngân hàng thu được từ doanh nghiệp bao gồm từ huy động vốn, dịch vụ...
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank đề xuất việc công bố lãi suất cho vay ngắn hạn không vấn đề gì vì đã giảm đáng kể khi dựa trên lãi suất đầu vào với biên độ hợp lý.
Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay trung - dài hạn, nhất là đối với khoản vay vừa hết thời gian ưu đãi, dù lãi suất cho vay 10,5%/năm nhưng khách hàng vẫn phản ứng.
"Ngân hàng đã giảm lãi suất từ 1 - 2%/năm, thậm chí có khách hàng được giảm 3%/năm. Nhưng lãi suất trung dài hạn 10,5 - 11%/năm mà khách hàng vẫn phản ứng cho rằng mặt bằng lãi suất huy động đầu vào có 6 - 7%/năm, có kỳ hạn chỉ 3%/năm", ông Tiến cho hay.
Yêu cầu báo cáo trước ngày 23/2
Theo báo Lao động, trao đổi bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết: "Kỷ cương điều hành của NHNN là đã chỉ đạo thì phải thực hiện".
"Tôi nói là chưa có chế tài bởi vì chưa có quy định văn bản nào về việc công khai lãi suất. Nhưng đã chỉ đạo là các ngân hàng thương mại phải thực hiện, không thực hiện thì một là NHNN đánh giá, hai là nền kinh tế, doanh nghiệp, báo chí truyền thông cũng đánh giá.
... Chúng ta đang phấn đấu để có sự công bằng, khách quan trong cạnh tranh và các ngân hàng đều phải phấn đấu. Việc công bố không có gì phạm luật và cũng không có gì khó khăn.
Ví dụ năm nay quý I/2024 không giảm so với 3 quý trước của năm liên kề thì vẫn công bố. Đáng nói, đây chỉ là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay của từng đối tượng, từng doanh nghiệp, từng loại hình. Vừa qua năm 2022, 2023 cũng có những ngân hàng lãi suất cho vay quá cao, hỏi ra lại viện đủ lý do. Tôi đề nghị các ngân hàng thương mại phải thực hiện tốt", Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Theo báo Người lao động, Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết NHNN đã có thông báo đề nghị các ngân hàng niêm yết lãi suất cho vay bình quân, công bố trên website của ngân hàng. Đề nghị các ngân hàng báo cáo lại việc thực hiện trước ngày 23/2, và nêu rõ các khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý xem xét và tháo gỡ cho phù hợp.
Tại cuộc họp ngày 18/12/2023, Thủ tướng đã kết luận, yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Ông Quang cho biết thời gian tới, khi NHNN tổng hợp các ý kiến từ các tổ chức tín dụng, NHNN dự kiến sẽ lập một website, tại đó các tổ chức tín dụng gửi đường link việc công bố lãi suất bình quân liên kết với website của NHNN, từ đó bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch của các tổ chức tín dụng.
NHNN không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố chi tiết các nhóm khách hàng, các phân đoạn khách hàng, các chương trình tín dụng. Thẩm quyền và trách nhiệm công bố lãi suất cho vay bình quân hoàn toàn là của các NHNN.
Vân Anh (T/h)