+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng công bố kết quả lợi nhuận năm 2019: Những con số kỷ lục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Con số lợi nhuận tại 16 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh đều đạt mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của mỗi đơn vị.

    Con số lợi nhuận tại 16 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh đều đạt mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của mỗi đơn vị.

    Tính đến nay, đã có 16 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2019, trong đó, toàn bộ ngân hàng đều cho biết tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên hai chữ số so với 2018.

    Lãi hơn 1 tỉ USD, ngân hàng Việt lọt tốp 200 thế giới

    Lần đầu tiên, Vietcombank báo lãi tỉ USD.

    4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất hệ thống (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) đều đã công bố kết quả lợi nhuận năm 2019. 

    Báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết năm qua, ngân hàng này đã vượt tất cả các chỉ tiêu được giao.

    Cụ thể, tổng vốn huy động đạt hơn 1,039 triệu tỉ đồng, tăng 14,8% so với năm 2018. Dư nợ tín dụng đạt 735.446 tỉ đồng, tăng 15,9% và đạt 100% kế hoạch được giao.

    Lợi nhuận tăng trưởng 26,9% và về đích 1 năm so với kế hoạch, đạt 23.185 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD), lọt tốp 200 ngân hàng có lợi nhuận cao hàng đầu. Ngân hàng có tài sản 50 tỉ USD và giá trị vốn hoá cao nhất trên sàn chứng khoán và là ngân hàng nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam.

    Trong khi đó, không phải ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, nhưng Agribank là cái tên gây bất ngờ nhất trong mùa kết quả kinh doanh năm nay khi lãi tăng trưởng 73%. Xét về số tuyệt đối, đây cũng là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất năm với 5.355 tỷ tăng thêm.

    Với tổng tài sản đến cuối năm 2019 đạt 1,45 triệu tỷ; huy động vốn trên 1,34 triệu tỷ và dư nợ cho vay trên 1,12 triệu tỷ, ngân hàng này thu về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm vừa qua.

    Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 của ngân hàng đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2018 và vượt 26% kế hoạch năm.

    Tổng tài sản ngân hàng của VietinBank đạt 1,24 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước. Trong đó dư nợ tín dụng đạt 952.000 tỷ đồng, tăng 7,2%. Tổng huy động đạt 892.000 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó nguồn vốn không kì hạn đạt 143.000 tỷ đồng, góp phần đưa chỉ số CASA của VietinBank tăng mạnh so với cuối năm 2018.

    Với BIDV, đến 31/12/2019, tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03% và là ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường.

    Nhiều ngân hàng đạt lãi kỷ lục

    Ảnh minh họa 

    Mới đây, ngân hàng SEABank cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 1.390,69 tỷ đồng, tăng tới 768,26 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

    SeABank cũng trở thành 1 trong 18 ngân hàng đến nay được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đạt chuẩn mực quốc tế Basel II trước thời hạn.

    Ngoài ra, trong năm 2019, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 9.369 tỷ đồng, và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam nâng cấp thành công phần mềm quản trị lõi ngân hàng T24 Temenos lên phiên bản R18 (phiên bản hiện đại nhất thế giới hiện nay).

    Năm 2019, ngân hàng OCB cũng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2018. Đây cũng là mức tăng kỷ lục của ngân hàng này kể từ khi thành lập.

    Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm qua cũng đạt khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch.

    Với TPBank, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận “khủng” nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

    Lý do đạt lợi nhuận cao

    Ảnh minh họa

    Đánh giá về sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2019, TS. Bùi Quang Tín cho hay, con số “khủng” mà các ngân hàng vừa công bố là những tín hiệu tốt, là tiền đề giúp ngành ngân hàng phát triển mạnh trong năm 2020.

    Theo ông Tín, có 3 lý do khiến các ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong năm 2019. Thứ nhất, 2019 là năm đầu tiên sau nhiều năm, kể từ khi bán nợ xấu cho VAMC, hệ thống ngân hàng đã thu lại khoản nợ xấu để tự xử lý theo Thông tư 02 và 09. Khoản nợ xấu này sẽ được đưa vào khoản trích lập dự phòng, khoản trích lập dự phòng lại được đưa vào lợi nhuận ngân hàng.

    Lý do thứ 2 ông Tín đề cập là hạn mức tín dụng năm 2019 khoảng 13,7%, tuy hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bị giảm xuống so với các năm trước nhưng chất lượng tín dụng lại tăng lên. Các ngân hàng đã biết cách “gói ghém” trong hạn mức tín dụng của mình để các khoản cho vay đạt chất lượng cao, có khả năng thu hồi tốt. Với việc chọn lựa khoản vay như thế, nợ xấu đã giảm đi đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu trong năm 2019 dưới 2%, thấp hơn con số đưa ra 3 năm trước đó, khoảng 3%.

    “Thứ 3, các ngân hàng hiện nay chuyển dần từ hoạt động cấp tín dụng sang hoạt động kinh doanh các dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm kết hợp giữa ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giúp cho lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm qua đã tăng lên đáng kể. Có thể nói, lợi nhuận tạo ra trong năm 2019 là lợi nhuận thực chứ không phải lợi nhuận ảo hay lợi nhuận bị trừ hao do phần trích lập dự phòng”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-cong-bo-ket-qua-loi-nhuan-nam-2019-nhung-con-so-ky-luc-a308928.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan