Dường như mọi hình thức xử phạt răn đe đã trở nên vô dụng. Vì thể, để "bảo vệ" những người nghiện smartphone, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng những phương pháp vô cùng đặc biệt.
1. Trung Quốc: Vỉa hè chia làn cho người nhắn tin, lướt web
Trung Quốc là đất nước có dân số đông nhất thế giới nên việc có nhiều người sử dụng smartphone cũng chẳng có gì khó hiểu. Thế nhưng mọi thứ đang trở nên đáng báo động khi ngày càng có nhiều người cứ dán mắt vào điện thoại mà chẳng còn lo nghĩ đến những chuyện xung quanh.
Năm 2014, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc đã cho ra đời một làn đường dành riêng cho những con nghiện nhắn tin trên vỉa hè. Đây cũng được xem là phương pháp tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại nhằm bảo vệ cho nhóm người này. Theo đó, khi đi trong làn đường đặc biệt nói trên, những con nghiện sẽ có thể thoải mái nhắn tin, lướt web… mà không sợ bị tai nạn.
Chính quyền thành phố cũng khuyến kháo những người đi bộ bình thường không nên đi vào làn đường đặc biệt ấy vì “sự an toàn cho chính bản thân mình”.
2. Hàn Quốc: Biển cảnh báo người nghiện smartphone
Với sự giúp đỡ của Cục an ninh quốc gia, thành phố Seoul, cơ quan quản lý đô thị Hàn Quốc đang tiến hành các biện phán cảnh báo công dân để họ có ý thức quan sát xung quanh hơn khi sử dụng điện thoại thông minh trên phố.
Chính quyền Seoul thí điểm phát hành 2 biển báo giao thông mới, một trong số đó là “Cảnh báo: sử dụng smartphone khi đi bộ” nhằm cảnh báo nguy cơ bị đụng xe khi sử dụng smartphone băng qua đường. Biển còn lại là “đi bộ an toàn”, khuyến khích người dùng không sử dụng smartphone khi đi trên vỉa hè.
Trên thực tế, việc người dùng dán mắt vào smartphone trên đường không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn mà còn tạo cơ hội cho những kẻ trộm cắp.
Biện pháp của chính quyền Seoul đáng ghi nhận nhưng mức độ khả thi của nó vẫn còn là dấu hỏi lớn. Đặt giả thiết rằng, người dùng dán mắt vào smartphone và không quan sát mọi thứ xung quanh. Như vậy, sự xuất hiện của các biển báo nói trên liệu có tác dụng hay không khi người dùng không quan tâm đến nó.
3. Australia, Đức: Đưa đèn đỏ xuống đất vì người dùng dán mắt vào smartphone
Đối với người đi bộ tại Australia, thật khó để họ đưa mắt lên quan sát tín hiệu giao thông khi đang dán mắt vào Facebook, Instagram khi băng qua đường cao tốc 4 làn xe.
Đó là lý do chính quyền bang New South Wales muốn thử nghiệm hạ thấp hệ thống đèn báo giao thông tại các điểm sang đường chính tại Sydney, Australia.
“Người đi bộ gần như không được bảo vệ trong các vụ tai nạn đường bộ. Do đó, khả năng bị tổn thương của họ cao hơn. Chúng ta cần tạo ra hệ thống đường bộ đảm bảo an toàn cho họ”, Giám đốc trung tâm điều hành an toàn giao thông Bernard Carlon chia sẻ với Mashable.
Hồi tháng 4, một hệ thống đèn giao thông tương tự được lắp đặt tại Augsburg (Đức). Mục đích của nó là cảnh báo những “zombie” sử dụng smartphone ngừng đi bộ trên đường ray xe lửa.
4. Mỹ: Cầu thang đặc biệt phân làn nhắn tin
Trong khi trên thế giới có rất nhiều kiểu người thì tại Đại học Utah Valler, Mỹ, với tổng số 30.000 sinh viên lại được chia thành 3 kiểu người: Người đi bộ, người chạy nhanh và người nghiện nhắn tin. Tại đây, tất cả các cầu thang đều được kẻ vạch chia thành đúng 3 làn đường rõ rệt: Đi – chạy – nhắn tin. Mặc dù cùng một bậc cầu thang nhưng với cách phân chia như trên cũng đủ cho thấy mức độ nguy hiểm của mỗi làn là như thế nào rồi.
5. Anh: Cột đèn êm ái
Năm 2008, thành phố London, Anh đã quyết định thử nghiệm dự án lắp đệm xung quanh cột đèn để tránh người “cuồng” tin nhắn đâm phải. Có thể gọi đây là chiếc gối chống va chạm. Chúng được đặt tại những cây cột điện thường xuyên xảy ra tai nạn do người dân vừa đi vừa nhắn tin, nhất là ở khu vực phía đông London.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)