Ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: “Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Belarus. Hệ thống này có thể sử dụng cả tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân”.
Cũng theo ông Shoigu, việc huấn luyện binh sỹ Belarus sử dụng hệ thống tên lửa Iskander bắt đầu được tiến hành vào ngày 3/4 tại một trong những cơ sở huấn luyện của quân đội Nga.
Ông Shoigu đồng thời đề cập việc NATO đã tăng cường sẵn sàng chiến đấu và tăng cường các hoạt động gần biên giới Nga và Belarus, đồng thời cảnh báo rằng việc Phần Lan gia nhập NATO có khả năng làm leo thang cuộc xung đột Nga-Ukraine
Trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Lukashenko cho hay cùng với vũ khí hạt nhân chiến thuật, Belarus sẵn sàng cân nhắc tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga nếu tình hình an ninh yêu cầu. Ông Lukashenko cũng xác nhận việc tiếp nhận Iskander và tái trang bị chiến đầu cơ.
“Tổng thống Nga đã tuyên bố kế hoạch chung của chúng tôi nhằm tạo cơ sở hạ tầng cần thiết trên lãnh thổ Belarus. Tôi chỉ muốn làm rõ rằng tất cả cơ sở hạ tầng đã được thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng”, ông Lukashenko nói.
Iskander-M là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh. Tên lửa có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn, đầu đạn nặng 380 kg, có tầm bắn tối đa 450-500 km. Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Với độ chính xác cao và sức công phá lớn, Iskander-M được đánh giá là có thể giúp Nga tạo nên sức mạnh răn đe rất lớn trước bất kỳ hệ thống vũ khí nào của đối phương.
Ngoài ra, Iskander-M mang theo một tổ hợp các thiết bị gây nhiễu điện tử, cả thụ động và chủ động để chế áp radar của đối phương. Không chỉ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đoán trước được đường bay, tên lửa Iskander còn được áp dụng công nghệ tàng hình plasma cho phép nó xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại.
Iskander được các chuyên gia nhận định là một trong những vũ khí phi hạt nhân đáng gờm nhất của Nga, có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
Mộc Miên (Theo AA)