+Aa-
    Zalo

    “Neo mình” giữ cột mốc biên cương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "12 năm làm trưởng thôn, 19 năm góp sức giữ đường biên, cột mốc" - đó là thông tin về vị "thủ lĩnh" bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

    "12 năm làm trưởng thôn, 19 năm góp sức giữ đường biên, cột mốc" - Nghe qua vài thông tin về vị "thủ lĩnh" bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh một bô lão đáng kính.

    Ấy vậy mà khi gặp mặt, tôi mới "ngã ngửa" vì anh còn khá trẻ, hay cười và ứng đáp rất nhanh. "Hoạt cột mốc" là cái tên dân bản trìu mến dành cho vị trưởng bản tâm huyết này.

    “Neo mình” giữ cột mốc biên cương
    Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng Lìa tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: C.S

    Đêm ngủ, mơ cột mốc

    Tối qua, trong giấc ngủ chập chờn, anh Hồ Văn Hoạt mơ thấy lũ chim rừng bay xao xác ở khu vực đặt cột mốc 613. Chộn rộn trong lòng, sáng ra, anh xách rựa, đeo xắc cơm nắm và bình toong nước lặn lội lên điểm đặt cột mốc. Mất cả buổi vạch rừng, anh Hoạt mới đến nơi, khẽ thở phào khi thấy tấm bia chủ quyền vẫn sừng sững đứng giữa đất trời. Rất nhiều lần, anh Hoạt có những giấc mơ "không đầu, không cuối" như vậy. Anh lý giải: "Chắc là do ban ngày mình trò chuyện, vận động bà con tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc nhiều quá đấy thôi".

    Đến giờ, chị Hồ Thị Thúy, vợ anh Hoạt, không thể nhớ hết số lần mình từng nắm cơm chuẩn bị cho chồng vào rừng tuần tra đường biên, cột mốc. Đã trở thành thói quen, sáng nào thấy chồng lục đục chuẩn bị cái rựa, chiếc áo mưa, đôi bốt... là chị lại tức tốc vào bếp, chuẩn bị cơm nước. "Tháng nào chồng mình cũng lên thăm cột mốc vài dạo. Không chỉ tham gia tuần tra với BĐBP, mà hễ cảm thấy lo lo là anh ấy lại lên đường. Chồng mình làm việc này từ thời thanh niên, trai tráng, giờ thì đã có vợ và hai con. Nhiều khi chân bị đau, anh ấy phải ở nhà, mặt cứ buồn rười rượi" - Chị Hồ Thị Thúy, vợ anh Hoạt chia sẻ.

    Gắn bó với mảnh đất Ba Tầng, ký ức tuổi thơ của anh Hồ Văn Hoạt là những lần theo cha vào rừng kiếm kế sinh nhai. Chuyến đi vất vả dường như ngắn lại cùng những câu chuyện cha anh thường kể về thời chưa hoạch định biên giới, tình cảm người dân hai nước Việt - Lào, công việc vất vả của BĐBP... Không những thế, anh Hoạt còn được thân sinh hướng dẫn cách phân biệt đâu là đất ta, đất bạn. Khi bước chân quen thuộc từng tấc đất biên giới, anh Hoạt bắt đầu tham gia những chuyến tuần tra, kiểm soát cùng BĐBP. Cột mốc 613, 614, 615 nằm sâu hun hút giữa đại ngàn. Mỗi lần đi, anh Hoạt mệt đến mức thở chẳng ra hơi. Thế nhưng, anh không ngại. Anh Hoạt bảo: "Chân mình thành sắt, thành đồng rồi. Giờ vắt không bám nổi, gai chẳng đâm xuyên nữa đâu. Mình đi tuần tra đường biên, cột mốc với cả tấm lòng của đồng bào miền ngược với Đảng, Bác Hồ".

    Cũng xuất phát từ tình yêu đường biên, cột mốc, anh Hồ Văn Hoạt bắt đầu vận động dân bản cùng tham gia. Buổi đầu, bà con lắc đầu nguầy nguậy. Họ bảo: "Mình phải lên nương từ mờ sáng đến tối mịt, lấy đâu ra thời gian. Vả lại, đường đến cột mốc xa lắm, hiểm trở lắm". Cũng từ chuyện này, một số người cho rằng, anh Hoạt "khù khờ", "việc giữa đàng mang vào cổ"...

    Thế nhưng, người thanh niên trẻ không lấy làm phiền lòng, anh hỏi ngược lại: "Đây là đất ông cha mình khai khẩn, bảo vệ suốt bao mùa rẫy trước họa xâm lăng. Nếu mình không quý trọng, gìn giữ thì ai sẽ làm hộ?". Nghe thế, một số người ngượng ngùng và dần thay đổi quan niệm. Nhiều hôm, từ tinh mơ, 3, 4 thanh niên trong bản đã đến nhà anh Hoạt, xin cùng đi lên cột mốc.

    Chẳng mấy chốc, bảo vệ đường biên, cột mốc trở thành phong trào, lan rộng trong thôn Loa. Ngay cả những vị già làng cũng chống gậy tham gia. "Mình đi chậm hơn trai tráng một chút, nhưng túc tắc rồi cũng sẽ tới được cột mốc thôi" - Ông Vỗ Hồn, một người già ở bản chia sẻ. Thấy sự gương mẫu của anh Hoạt trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc và nhiều hoạt động xã hội khác, năm 2002, bà con bầu anh làm Trưởng bản.

    Như thông lệ, mỗi lần đặt chân đến cột mốc, Trưởng bản Hồ Văn Hoạt và dân bản Loa lại cùng nhau lau chùi; kiểm tra cột mốc xem có bị hư hại, xê dịch gì không; phát dọn cây cỏ... Ai cũng bảo, có đi và làm công việc này mới thấy yêu mến, quý trọng miền quê biên giới hơn. Sau khi trở về, mọi người lại phân công nhau đến Đồn BP Ba Tầng báo cáo tình hình cho các cán bộ, chiến sĩ. Chẳng biết từ bao giờ, 3 chiếc cột mốc đã trở thành "cật ruột" của dân bản.

    Người lính không quân hàm

    Trong mỗi chuyến tuần tra, thấy cột mốc sạch sẽ, quang đãng cây cỏ, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ba Tầng đều chắc mẩm anh Hồ Văn Hoạt và dân bản mới lên thăm. Sở dĩ như vậy là vì ngay những hôm mưa to, gió lớn, anh vẫn lặn lội đi kiểm tra đường biên, cột mốc. Có hôm, anh Hoạt trở về nhà bị sốt li bì. Nghe vợ trách khéo, anh ôn tồn bảo: "Cột mốc nằm trên núi cao, gần lèn đá. Lỡ bị sạt lở, ai sẽ báo tin kịp thời cho BĐBP? Vả lại, một số đối tượng xấu có thể lợi dụng thời tiết không thuận lợi để làm việc phi pháp. Cảnh giác chẳng thừa đâu".

    Nhìn bước chân thoăn thoắt vượt rừng của anh Hoạt, nhiều người không khỏi trầm trồ. Mỗi chuyến đi, anh gần như vận dụng hết các giác quan. Có lần đang trên đường lên cột mốc, anh nghe tiếng trò chuyện đâu đó vọng lại. Chỉ vài phút sau, anh Hoạt phát hiện một số người đang làm rẫy ở vành đai biên giới. Anh liền phân tích, giảng giải cho bà con hiểu rõ vấn đề.

    Đến giờ, anh không thế nhớ hết số lần mình gặp tình huống ấy. Điều làm người Trưởng bản tâm huyết vui mừng là những hộ vi phạm đều tự giác nhận lỗi và không hề tái phạm. Anh Hoạt chia sẻ: "Thú thực, mình không thể hiểu hết mọi điều liên quan đến cột mốc, đường biên như cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Mình chỉ chắc chắn là chừng nào cột mốc bất dịch, đường biên nguyên vẹn thì bản làng vẫn bình yên. Mình cũng luôn nhắc nhở bà con như vậy". 

    “Neo mình” giữ cột mốc biên cương
    Anh Hồ Văn Hoạt (ngoài cùng, bên trái) trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ba Tầng về tình hình đường biên, cột mốc.

    Hiểu sự tận tâm, tận lực ấy, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn xem anh Hoạt là "biên chế đặc biệt của đồn", người đồng đội đáng tin cậy. Đó cũng chính là động lực thôi thúc bước chân của anh ngày càng bền bỉ, dẻo dai hơn. Hiểu việc bảo vệ đường biên, cột mốc là nhiệm vụ chung, anh Hoạt cùng cán bộ Đồn BP Ba Tầng tích cực vận động bà con tổ chức lễ kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên biên giới.

    Không biết bao lần, anh Hoạt, những người uy tín trong bản cùng BĐBP vượt sông Tà Rệp sang bản Rả (huyện Tù Muồi, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt, Lào) để tâm tình. Bên ánh lửa bập bùng, họ trò chuyện về lời dặn dò của lãnh tụ hai nước, sự "chia lửa" trong chiến tranh, tình nghĩa sắt son bao đời... Sau những "chuyến đi sứ" như thế, tình cảm người dân hai bản càng khăng khít hơn. Các bậc cao niên ở bản Tà Rệp cũng gác việc rẫy nương, lặn lội sang thăm người dân bản Loa. Họ uống với nhau ly rượu kết nghĩa, nắm tay và khẳng định quyết tâm giữ gìn bình yên biên giới.

    Từ đó, ngoài những chuyến đi "cho thỏa nỗi nhớ đường biên, cột mốc", anh Hoạt và bà con trong bản còn tham gia những chuyến tuần tra song phương. Anh Hoạt sẽ không bao giờ quên hình ảnh cán bộ, chiến sĩ hai nước Việt - Lào đứng đối diện chào cột mốc. Lúc ấy, gương mặt ai cũng sáng bừng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thương và sự đoàn kết.

    Đứng ở cột mốc biên cương, phóng tầm mắt ra xa, anh Hoạt và người dân bản Loa có thể thu vào tầm mắt hình ảnh đại ngàn hùng vĩ, những bản làng yên bình quần tụ như gà mẹ ấp đàn con. Anh Hoạt giãi bày: "Mình chưa bao giờ nghĩ việc bản thân làm là to tát, chỉ là đóng góp một phần công sức bảo vệ quê hương mà thôi. Có đi mới vững dạ, yên tâm hơn mỗi khi đặt lưng xuống sàn nhà chìm vào giấc ngủ hay lên rẫy gieo hạt lúa, hạt bắp".

    H.T(theo Báo Biên Phòng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/neo-minh-giu-cot-moc-bien-cuong-a26090.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan