(ĐSPL) - “Dự án mở rộng đường Trường Chinh đoạn qua cầu Sông Lừ nếu thực hiện theo quyết định 19/2008-QĐ-UBND sẽ trở thành con đường kỳ quái, mà Hà Nội xây dựng rất vô trách nhiệm”, người dân thuộc dự án trên bức xúc phản ánh.
Dự án đường vành đai II – đoạn phố Vương Thừa Vũ đến Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh) được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (UBND) coi là trọng điểm phát triển đô thị Thủ đô với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013 (Giải phóng mặt bằng khoảng 2.000 tỉ đồng).
Tuy nhiên, dự án hàng nghìn tỉ đồng trên hiện đang bị đình hoãn do người dân không giao mặt bằng vì nghi ngờ tuyến đường đã bị “nắn” như hình con rắn?
Trong đơn kiến nghị gửi báo Đời Sống và Pháp Luật, nhiều hộ dân thuộc tổ dân phố 40 (phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tại công văn 762/BQP-TM ngày 12/02/2007 của Bộ Quốc Phòng gửi UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Về chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh (đoạn qua khu vực Quân chủng PK\_KQ), Bộ Quốc Phòng thống nhất với ý kiến của Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân tại công văn số 193/CV-PKKQ ngày 13/4/2000 – tỷ lệ 1/500, đường Trường Chinh được mở rộng chủ yếu về phía Nam. Cụ thể, phía Bắc đường Trường Chinh lấy từ mép phía Bắc đường hiện trạng sâu vào khoảng 6m, phía Nam đường Trường Chinh sẽ phát triển cho đủ mặt cắt ngang đường là 53,5 m”.
Clip trả lời của Đại tá Phan Văn Toản.
Đại tá Phan Văn Toản cũng cho biết thêm: “Nếu theo đúng công văn 762/BQP-TM thì sau khi hoàn thành tim đường sẽ đâm vào chính giữa hai chân cầu vượt Ngã Tư Vọng.
Thế nhưng không hiểu vì lí do gì mà tại Quyết định số 19/2008 QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND Thành phố Hà Nội đường đang đi thẳng thì ngoặt về phía Bắc đến số nhà 150 lại ngoặt sâu vào 15m - 20m đi qua cầu Sông Lừ… chỉ giới đường đỏ được vuốt nối, chuyển tiếp từ hướng mở rộng đường chủ yếu về phía bắc sang phía nam và ngược lại để đảm bảo khớp nối chung cho cả tuyến đường.
Theo như quyết định trên thì tim đường đâm vào trụ giữa phía Bắc cầu vượt ngã Tư Vọng… Tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật cấp đường, loại đường Trường Chính không cho phép bẻ tim như vậy”.
|
Từ điểm C đến H là tim đường theo quyết định số 19/2008 QĐ-UBND (ảnh người dân cung cấp). |
Hai công văn trên mặc dù của hai cơ quan chức năng về dự án vành đai II – đường Trường Chinh nhưng lại như đang nói về hai vấn đề khác nhau?
Trong khi công văn của Bộ Quốc Phòng đã thống nhất với công văn của Bộ Tư lệnh Phòng Không – Không quân về việc mở đường về phía bắc là 6m, còn lại sẽ phát triển sang phía nam cho đủ 53,5m. Thì công văn của UBND Thành phố Hà Nội lại ngoặt về phía bắc có chỗ tới 15m - 20m. Chính sự “mập mờ”, khó hiểu và giải thích thiếu thống nhất của UBND Thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã gây bức xúc cho các hộ dân khiến họ không thể “khoanh tay đứng nhìn” nên đã gửi hàng chục đơn thư kiến nghị và sau đó là đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
|
Tim đường "một mình một kiểu" của UBND thành phố Hà Nội (ảnh người dân cung cấp). |
Trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật, Đại tá Nguyễn Tâm Trinh – nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ và cho biết: Theo Quyết định số 108 QĐ-TTg; Quyết định số 1259 QĐ-TTD của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 32/2000/QĐ-UBND thành phố phê duyệt theo bản vẽ do Viện quy hoạch xác lập thì đoạn đường Trường Chinh mở theo con đường rất thẳng không có điểm cong và tim đường rơi vào giữa hai chân cầu vượt Ngã Tư Vọng. Nhưng hiện nay nhìn bằng mắt thường cũng thấy được đoạn đường bị bẻ cong như thế nào?
Đại tá Phan Văn Toản cho biết: Việc tuyến đường đổi hướng không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước (tiền tháo dỡ hạ tầng, tăng kinh phí giải phóng mặt bằng hàng trăm tỷ), tiền thuế của nhân dân mà còn làm giảm tốc độ lưu thông trên toàn tuyến đường, không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn chứa đựng nguy cơ hiểm họa về an toàn giao thông.
Nhiều người dân do quá bức xúc với sự thiếu minh bạch, không rõ ràng đã phản ánh: “Dự án mở rộng đường Trường Chinh đoạn qua cầu Sông Lừ nếu thực hiện theo quyết định 19/2008QĐ-UBND sẽ trở thành con đường kỳ quái, mà Hà Nội xây dựng rất vô trách nhiệm”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nan-nhu-hinh-con-ran-tren-du-an-mo-rong-duong-truong-chinh-a27421.html