+Aa-
    Zalo

    Ai "chống lưng" cho các công ty "ma"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bên cạnh những công ty bất động sản (BĐS) làm ăn chân chính, luôn chú trọng tới quyền lợi của học viên thì vẫn còn những công ty sử dụng mọi chiêu trò nhằm chiếm dụng tiền trái phép, mở đường dây chuyên môi giới, lôi kéo người học đến các trung tâm đào tạo để hưởng tiền hoa hồng.

    (ĐSPL) - Bên cạnh những công ty bất động sản (BĐS) làm ăn chân chính, luôn chú trọng tới quyền lợi của học viên thì vẫn còn những công ty sử dụng mọi chiêu trò nhằm chiếm dụng tiền trái phép, mở đường dây chuyên môi giới, lôi kéo người học đến các trung tâm đào tạo để hưởng tiền hoa hồng. 
    Công ty "ma" đẻ ra chứng chỉ môi giới bất động sản "ma"
    Những khoản tiền "khủng" rơi vào đâu?
    Chỉ tính giá của mỗi khóa học dù học gộp (học cả môi giới, định giá và quản lý sàn BĐS) hay học rời từng khóa thì chi phí học viên bỏ ra không hề nhỏ. Như đã đề cập ở kỳ 1 của loạt bài, học viên muốn nhận được chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải bỏ ra ít nhất 3 - 4,5 triệu đồng.
    Anh Nguyễn Thế Tuấn (quê Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết: "Lớp học của tôi trước đây thường có khoảng 70 - 80 người/lớp. Nếu trừ cả thời gian đào tạo, chi phí thuê người dạy và thuê cơ sở thì những công ty này thu lợi rất lớn. Không những thế, họ liên tục tổ chức tuyển sinh hàng tháng. Cụ thể, công ty V.B mà tôi theo học tuyển sinh một tháng 2 lần. Thời điểm đỉnh cao, lớp nào cũng kín học viên và không khí rất nhộn nhịp, tấp nập. Chỉ cần một phép tính nhẩm, ai cũng biết được lợi nhuận mà các công ty này thu về từ việc mở các trung tâm đào tạo BĐS".
    Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Vân (một học viên của công ty V.B) chia sẻ: "Việc các công ty thu tiền để đào tạo, cấp chứng chỉ cho học viên là điều hiển nhiên. Giá cao hay thấp đều được tư vấn rõ ràng khi chúng tôi đến đăng ký học nên cũng không có gì đáng bàn. Thế nhưng, nhiều người bỏ tiền, bỏ công đi học mà không được cấp chứng chỉ, bị quỵt chứng chỉ thì rõ ràng đây là một hành động lừa đảo. Báo chí cũng đã lên tiếng, chúng tôi trực tiếp đến công ty thắc mắc nhưng tình hình vẫn đâu đóng đấy.
    Những công ty lừa đảo cứ ngang nhiên hoạt động, ngang nhiên cấp chứng chỉ mà không hề có sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Thế rồi, sau mỗi khóa học, học viên nào bị chậm chứng chỉ đều nhận được lời mời đóng thêm 1 - 2 triệu đồng để chính những cán bộ, nhân viên của các công ty chuyên đào tạo môi giới BĐS đi làm thủ tục để sở xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề cho kịp thời.
    Vậy thực chất đây là những quy định bắt buộc hay chỉ là những chiêu trò kiếm tiền bất hợp pháp mà những công ty này cố tình bày ra để chặt chém học viên. Những số tiền mà họ thu được như vậy chẳng lẽ lại chỉ rơi vào túi các công ty?".
     
    Ai
    Công ty V.B được sự cấp phép của bộ Xây dựng nhưng đã "mất hút" trên thị trường (Trong ảnh: biển hiệu của công ty V.B đã bị dỡ bỏ và trụ sở đã được cho thuê lại).
    Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng .Quản lý nhà và kinh doanh BĐS, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Chúng tôi không thể hạn chế số người xin cấp phép để có chứng chỉ hành nghề BĐS. Bởi lẽ, theo quy định cũ thì khi các trung tâm đào tạo BĐS (được Bộ Xây dựng cấp phép hoạt động) gửi hồ sơ lên là chúng tôi phải xem xét, phê duyệt. Nếu không làm thế thì chính chúng tôi lại làm sai quy định.
    Bởi vậy, dù biết chứng chỉ này chỉ có tính chất giống như những giấy thông hành và không có giá trị thực trong công việc nhưng các trung tâm đã gửi hồ sơ lên là chúng tôi phải làm. Bản thân chúng tôi cũng chẳng có lợi lộc gì từ việc này trong khi hồ sơ xin cấp chứng chỉ thì lại quá nhiều".
    Theo lời khẳng định của ông Nguyễn Trọng Hiền thì khoản lợi nhuận "khủng" mà các công ty BĐS thu về hoàn toàn nằm trong túi những lãnh đạo công ty đó. Sở xây dựng không những không được hưởng lợi mà còn bị gây phiên toái vì suốt ngày đi giải quyết đống hồ sơ xin cấp chứng chỉ BĐS. Vì thế mấy năm gần đây, số lượng trung tâm đào tạo BĐS (kể cả có phép lẫn không phép) mọc lên như nấm.
    Mọi vấn đề phát sinh sẽ do bộ Xây dựng quản lý, giải quyết?
    Ông Nguyễn Trọng Hiền cũng cho biết thêm rằng, các công ty chuyên đào tạo môi giới BĐS chỉ có chức năng đào tạo và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho mỗi học viên, còn chứng chỉ hành nghề phải do Sở Xây dựng cấp.
    Hiện tại, lượng cấp không phát sinh mới, Sở cũng đang xử lý những bất cập, tồn tại cũ. Theo luật cũ thì những quy định để mỗi học viên được cấp chứng chỉ BĐS là quá đơn giản. Học viên chỉ cần có giấy chứng nhận đã qua đào tạo BĐS cộng với một đơn có xác nhận của UBND phường, xã nơi người đó sinh sống, đồng thời nộp 2 ảnh 3x4 gửi về sở xây dựng là xong. Sở sẽ tiếp nhận và cấp phép cho những hồ sơ đủ tiêu chuẩn.
    Cũng theo ông Hiền, Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi, bổ sung) và hiện đang trình Quốc hội thông qua sẽ có những điều chỉnh, siết chặt lại đối với hoạt động của lĩnh vực này. Trong đó có những mục, điểm đang xây dựng và thống nhất đưa về bộ Xây dựng. Bộ sẽ trực tiếp xử lý những vấn đề phát sinh, nhất là những vấn đề liên quan tới quy định cũ.
    Không những vậy, những học viên học ở các trung tâm do Bộ Xây dựng cấp phép thì sẽ do bộ xử lý cụ thể. Sở xây dựng chỉ quản lý trên phương diện địa bàn.
    Ông Hiền cũng cho biết thêm, các công ty, trung tâm được phép đào tạo về môi giới BĐS đều do Bộ Xây dựng cấp phép và quản lý. Trả lời cho câu hỏi về quyền lợi của người học khi không được cấp giấy chứng nhận, cấp chứng chỉ hành nghề hay công ty lúc này hoạt động, lúc khác đóng cửa, ông Hiền nói: "Hiện Dự thảo luật Kinh doanh BĐS đang bàn luận, lấy ý kiến của người dân. Riêng vấn đề này cũng được đề cập và sắp tới, luật sẽ quy định rõ hướng giải quyết".
    Đề cập tới công tác quản lý, giám sát các công ty chuyên đào tạo, môi giới BĐS, đại diện cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã chấp thuận cho phép 89 cơ sở đào tạo được phép đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá và quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS theo Quyết định 29/QĐ-BXD.
    Hàng năm, Bộ cũng có văn bản yêu cầu và phối hợp với các địa phương thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo trên để kịp thời uốn nắn các cơ sở đào tạo chưa tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng đào tạo.
    Đối với các cá nhân đã tham gia và hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá và quản lý sàn giao dịch BĐS do các cơ sở đào tạo (được Bộ Xây dựng công nhận đủ điều kiện đào tạo), họ sẽ được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa học và được xem xét để cấp chứng chỉ hành nghề.
    Những trường hợp không đủ điều kiện thì sẽ không được cấp chứng chỉ và những tổ chức đào tạo đó sẽ không phải trả lại tiền học của học viên. Liên quan tới việc một số công ty, trung tâm đào tạo môi giới BĐS bỗng dưng biến mất trên thị trường, vị đại diện này cũng khẳng định: "Trong thời kỳ thị trường BĐS phát triển nóng, nhiều người tham gia vào thị trường hấp dẫn này nên lượng học viên tham dự các khóa học rất đông. Trong những năm gần đây (từ năm 2010 đến nay), thị trường BĐS gặp khó khăn, do đó  nhu cầu về tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá và quản lý sàn BĐS giảm nhiều. Tuy nhiên, những học viên nào đã học tại những cơ sở đào tạo được cấp phép của bộ Xây dựng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì chứng chỉ đó vẫn có hiệu lực".
    Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có vi phạm nghiêm trọng
    Luật sư Trần Minh Sinh, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc tham gia hoạt động đào tạo môi giới BĐS hay đóng cửa hoạt động đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
    Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn đóng cửa phải thực hiện tuyên bố phá sản theo quy định của luật Doanh nghiệp. Có như vậy, mới giải quyết được hết những mâu thuẫn phát sinh, các tranh chấp dân sự… Ngoài ra, tùy theo mức độ, hành vi vi phạm thì có thể điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-chong-lung-cho-cac-cong-ty-ma-a27339.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vạch trần thủ đoạn lập công ty “ma” lừa đảo (Kỳ 1)

    Vạch trần thủ đoạn lập công ty “ma” lừa đảo (Kỳ 1)

    (ĐSPL) - Qua quá trình điều tra các mánh lừa đảo của các “công ty ma”, phóng viên thấy rất bất ngờ với những thủ đoạn: lập hẳn một công ty "ma" lừa đảo, sau khi lừa xong một "con mồi" ngay lập tức “công ty” này biến mất... Nhưng thay vì “chết hẳn”, chính chủ nhân của “công ty ma” đó lại thành lập một “doanh nghiệp” mới, và lại tiếp tục cuộc “săn mồi”...

    Nữ quái lập hàng loạt công ty

    Nữ quái lập hàng loạt công ty "ma" để lừa đảo

    Đội CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Thanh Hóa cho biết, ngày 12/9, đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Ngô Thị Vinh (SN 1972), ở phố Mật Sơn 3, phường Đông Vệ (Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.