(ĐSPL) - Tuy bị tạp chí The National Interest xếp sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng lực lượng hải quân Nga, Anh và Nhật Bản đều có thế mạnh riêng vượt trội.
Hải quân Nga
Xếp thứ 3 trong danh sách các nước có hải quân hàng đầu thế giới là Liên bang Nga. Mặc dù là một cường quốc lục địa,Liên bang Nga được thừa hưởng phần lớn Hải quân Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh.
|
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov của Hải quân Nga. |
Hải quân Nga có 79 tàu khu trục - trong đó có 1 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm. Ngoại trừ một số ít tàu tấn công tên lửa hành trình và tàu ngầm, hầu hết tàu chiến Nga có từ thời Chiến tranh Lạnh. Các tàu lớn của Hải quân Nga bao gồm tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov và tàu lớp Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương.
Hải quân Nga cũng sở hữu số lượng lớn tàu đổ bộ, trong đó có gần hai chục tàu đổ bộ Alligator và Ropucha, được đóng từ những năm 1960. Việc mua 2 tàu trực thăng lớp Mistral của Pháp trị giá 1,6 tỷ USD nhằm khắc phục nhược điểm nói trên.
|
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen II của Hải quân Nga. |
Cũng giống như Liên Xô trước đây, sức mạnh của Hải quân của Nga là lực lượng tàu ngầm. Hải quân Nga có 15 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 tàu ngầm tên lửa hành trình và 9 tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Chín tàu ngầm tên lửa đạn đạo đại diện cho khả năng hạt nhân thứ hai của Nga và có lẽ “sẵn sàng chiến đấu cao nhất”.
Hải quân Nga có kế hoạch đóng thêm ít nhất 1 tàu sân bay, 1 tàu khu trục tên lửa dẫn đường, nhiều tàu ngầm tên lửa đạn đạo Borey II, tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen II, tàu ngầm tấn công Kilo cải tiến và tàu ngầm tấn công thông thường lớp Lada.
Hải quân Hoàng gia Anh
Hải quân Hoàng gia Anh có qui mô nhỏ nhất trong danh sách 5 lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, chỉ có 33.400 quân nhân thường trực và 2.600 quân dự bị. Hải quân Hoàng gia Anh hiện có 3 tàu đổ bộ tấn công, 19 tàu khu trục và khinh hạm, 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Lực lượng không quân của Hải quân Hoàng gia Anh có 149 máy bay, chủ yếu là máy bay trực thăng.
|
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth |
Cốt lõi của Hải quân Hoàng gia Anh là 6 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 45. Mỗi tàu khu trục lớp Daring được trang bị một radar phòng không tiên tiến SAMPSON, tương tự như radar SPY-1D của hệ thống radar Aegis của Hải quân Mỹ. Kết hợp với tên lửa đất-đối-không 48 Aster, các tàu khu trục này có thể đối phó các mối đe dọa trên không, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh hiện có chưa đầy một chục tàu ngầm, trong đó có 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân đang được nâng cấp. Tàu ngầm lớp HMS Astute mang theo tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và là một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới. Bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Vanguard tạo ra sức mạnh răn đe hạt nhân của Anh. Mỗi chiếc Vanguard có lượng giãn nước lên đến 15.900 tấn khi lặn và được trang bị 16 tên lửa đạn đạo tầm xa Trident II D.
|
Tàu ngầm lớp HMS Astute mang theo tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và là một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới. |
Hải quân Hoàng gia Anh sẽ có sự nhảy vọt về chất với việc đóng hai tàu sân bay mới, HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales. Hai tàu sân bay, có trọng lượng lên đến 70.000 tấn mỗi chiếc này có khả năng chứa 36 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và một số máy bay trực thăng.
Hải quân Nhật Bản
Hải quân Nhật Bản có tổng cộng 114 tàu và 45.800 quân nhân. Cốt lõi của lực lượng Hải quân Nhật Bản (Lực lượng phòng vệ biển - MSDF) là hạm đội lớn các tàu khu trục. Hạm đội này có 46 tàu khu trục-nhiều hơn số tàu khu trục của hải quân Anh và Pháp cộng lại. Kể từ giữa những năm 2000, lực lượng tàu khu trục Aegis của Nhật Bản có nhiệm vụ tạo ra một chiếc ô bảo vệ chống lại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
|
Nhật Bản đã đóng 3 "tàu khu trục trực thăng", lớn gấp đôi tàu khu trục trung bình và có sức chiến đấu không kém một tàu sân bay hạng trung. |
Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã đóng 3 "tàu khu trục trực thăng", lớn gấp đôi tàu khu trục trung bình và có sức chiến đấu không kém một tàu sân bay hạng trung. Trên thực tế, các tàu khu trục trực thăng chính là tàu sân bay, được thiết kế để chứa chiến đấu cơ tàng hình F-35B trong tương lai.
Hải quân Nhật Bản có lực lượng đổ bộ khá khiêm, với 3 tàu đổ bộ 9.000 tấn, có thể mang theo 300 binh lính, hàng chục máy bay trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí. Các tàu khu trục máy bay trực thăng có thể mang theo cả tiểu đoàn thủy quân lục chiến, trực thăng chở quân và trực thăng tấn công Apache để yểm trợ trên không.
|
Hải quân Nhật Bản có 16 tàu ngầm lớp Soryu đời mới. |
Lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản là một trong những lực lượng mạnh nhất trên thế giới. Hải quân Nhật Bản có 16 tàu ngầm lớp Soryu đời mới. Với hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập tiên tiến, các tàu ngầm Soryu có thể lặn “dài hơi” hơn so với các tàu ngầm thông thường khác. Hạm đội tàu ngầm Nhật Bản khá trẻ. Nhật Bản gần đây đã thông báo rằng hạm đội này sẽ được tăng lên 22 tàu ngầm để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc.
(tiếp theo và hết)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-luc-luong-hai-quan-hang-dau-the-gioi--ky-2-a47868.html