(ĐSPL) - Hiện nay số người già trên 65 tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 7\% dân số. Nếu cứ đà này đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số siêu già.
95\% người cao tuổi Việt Nam có bệnh
Tại hội thảo hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” diễn ra hôm qua 23/11, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho báo Tiền Phong biết, Việt Nam đang ở giai đoạn “già hóa dân số” khi số người dưới 14 tuổi và nhóm “dân số vàng” 15-64 tuổi đang giảm dần trong lúc số dân trên 65 tuổi tiếp tục tăng.
Trong khi đó, báo Một thế giới cũng đưa tin, nhiều người vẫn nghĩ, Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng” nhưng lại đang đối diện với tình trạng già hóa dân số, thậm chí siêu già. Hiện số người từ 15 tuổi đến 64 tuổi ở Việt Nam chiếm 69,7\%. Đây được xem là dân số vàng, nhưng tình trạng già hóa đang gia tăng một cách chóng mặt.
Nửa thế kỷ qua, trong khi tuổi thọ của thế giới chỉ tăng 21 tuổi thì Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Hiện tuổi thọ của người Việt Nam lên đến 73 tuổi. Dự kiến đến năm 2050 tuổi thọ của người Việt Nam sẽ lên đến trên 80,4 tuổi.
Người cao tuổi Việt Nam đang đứng trước những khó khăn chồng chất. (Ảnh minh họa) |
Ông Mai Xuân Phương, cũng cho biết, nếu như ở các nước phát triển từ “già hóa dân số” chuyển sang “dân số già” phải mất hàng thập kỷ, thế kỷ, Việt Nam chỉ mất khoảng hơn chục năm. Hiện nay số người già trên 65 tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 7\% dân số. Nếu cứ đà này đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số siêu già.
Do đó, ông Phương cho rằng, người cao tuổi Việt Nam đang đứng trước những khó khăn chồng chất, bởi thực tế tình hình chung ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn là nông dân, làm nông nghiệp. Trong khi đó, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch bệnh đe dọa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung và người cao tuổi nói riêng còn thấp. Đời sống vất chất còn nhiều khó khăn, có đến 70\% người cao tuổi không có tích lũy được vật chất, 18\% nghèo khổ; 62,3\% người cao tuổi sống trong khó khăn, thiếu thốn.
Cũng theo ông Phương, ở Việt Nam, trừ 2 TP lớn (Hà Nội và TP.HCM) là có bệnh viện hoặc các chuyên khoa lão khoa để khám chữa bệnh cho người cao tuổi, còn lại hơn 60 tỉnh, thành chưa có bệnh viện hay chuyên khoa lão khoa dành cho người cao tuổi, việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi gặp vô vàn khó khăn.
Thống kê của Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, 95\% người cao tuổi mắc bệnh chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây. Trong đó, có 27\% người cao tuổi khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, cần sự trợ giúp; 67,2\% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu.
Hiện nay có khoảng 35\% người cao tuổi cảm thấy buồn chán, thất vọng; 22\% người cao tuổi cảm thấy cô đơn và 33\% người cao tuổi không chia sẻ cùng ai vui, buồn. Đây là điều khiến cuộc sống của người cao tuổi đang đi vào bế tắc, nếu Việt Nam không có những chính sách để cải thiện tình trạng trên.
Xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc
Để giải quyết những vấn đề già hóa dân số hiện nay, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, cần phải xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc; xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, tuổi nghỉ hưu; tiếp cận vay vốn.
Giải pháp lâu dài là mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí. |
Song xu hướng già hoá dân số tăng nhanh cũng tạo ra thách thức về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa ở các cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng. Một số mô hình chăm sóc người cao tuổi hiện nay bước đầu đã giúp người cao tuổi không nơi nương tựa có được cuộc sống thanh thản và nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo. Do đó, Nhà nước nên ban hành những quy định chung và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho những mô hình này hoạt động.
Liên quan tới vấn đề này, báo Hà Nội mới thông tin thêm, giải pháp lâu dài là mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, cải thiện các dịch vụ giáo dục, đào tạo, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại cho người cao tuổi để họ nâng cao khả năng hội nhập, thích ứng với xã hội hiện đại.
“Các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được xây dựng, sửa đổi theo hướng bảo đảm rằng người già không bị lãng quên”- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Văn Liệu nói.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dân số già có nghĩa là tuổi thọ dân cư tăng lên và đó là hệ quả tích cực của phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội. |
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] UVM8grpSEN[/mecloud]