Ngoài 2 hình thức tuyển dụng công chức là thi tuyển và xét tuyển thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn được tiếp nhận người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm công chức không qua thi tuyển.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CC) và Luật Viên chức (VC) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, có nhiều quy định mới liên quan đến tuyển dụng, xếp loại, tác động mạnh mẽ liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay, việc tuyển dụng công chức được quy định cụ thể tại Luật Cán bộ, công chức, được hướng dẫn tại Nghị định 161/2018 và Thông tư 03/2019.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CC) và Luật Viên chức (VC) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Ảnh minh họa |
Hình thức thi tuyển: Với những người đủ 18 tuổi trở lên, có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam , lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ… thì được tham dự thi tuyển công chức.
Hình thức xét tuyển: Theo quy định của Luật Cán bộ công chức hiện đang có hiệu lực thì chỉ có 01 trường hợp được xét tuyển vào công chức là người có đủ điều kiện thi tuyển nhưng cam kết tình nguyện làm việc 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo… thì được xét tuyển vào công chức.
Tuy nhiên, tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.
Bên cạnh đó, khoản 3, điều 37 cũng bổ sung thêm trường hợp người đứng đầu cơ quan quản lý CC được tiếp nhận không qua thi tuyển gồm: VC công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, CC cấp xã; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân…
Trong đó, trường hợp VC được tuyển dụng vào CC được hướng dẫn tại khoản 3, điều 1 Thông tư 03/2019 sửa đổi điều 7 Thông tư 13/2010/TT-BNV: VC đã có thời gian làm VC từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng (không kể thời gian tập sự), làm việc ở vị trí yêu cầu trình độ đại học trở lên thì được đặc cách tuyển dụng CC.
Như vậy, theo quy định trên, VC trong các đơn vị sự nghiệp công lập có thể chuyển sang CC nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm CC, không trong thời hạn xử lý kỷ luật và phải có đủ 5 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận.
Theo khoản 2, điều 22 Luật VC đang có hiệu lực, có 2 trường hợp không được đăng ký dự tuyển VC gồm: Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; Đang bị áp dụng các biên pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Như vậy, việc đang là VC không phải là một trong những trường hợp bị cấm dự tuyển VC nêu trên. Do đó, nếu đã là VC thì hoàn toàn có quyền đăng ký thi VC ở tỉnh khác. Tuy nhiên, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại điều 22 Luật VC: Có quốc tịch Việt Nam và cư trú ở Việt Nam; Có lý lịch rõ ràng; Từ đủ 18 tuổi trở lên; Có đơn đăng ký dự tuyển; Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm; Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ…
Nguyễn Phượng(T/h)