(ĐSPL)- Jessica Blunden, nhà khoa học về biến đổi khí hậu tại Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), khẳng định, 6 tháng đầu năm 2015 là nửa năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.
VietQ đưa tin, theo dữ liệu từ ghi chép nhiệt độ toàn cầu của các nhà khoa học biến đổi khí hậu tại Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), sáu tháng đầu năm nay là khoảng thời gian nóng nhất trên Trái Đất. Thậm chí năm 2015 sẽ là một năm nóng nhất trong lịch sử.
Tháng 6 là tháng thứ 4 của năm 2015 thiết lập kỷ lục mới. NOAA tính toán, nhiệt độ trung bình của thế giới đạt 16,33 độ C trong tháng 6/2015, cao hơn 0,22 độ so với năm 2014. Nhiệt độ nửa đầu năm 2015 cũng cao hơn 0,17 độ so với năm 2010, đạt 14,35 độ C.
Kỷ lục cũ về nhiệt độ 6 tháng đầu năm được xác lập năm 2010 khi xảy ra hiện tượng El Nino – sự ấm lên của trung tâm Thái Bình Dương làm thay đổi thời tiết thế giới. Nhiệt độ cao trong tháng 6/2015 gây ra hiện tượng nóng bức ở nhiều quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Áo, một phần của châu Á, Australia và Nam Mỹ.
Ghi nhận từ Vietnam+, bản báo cáo mới nhất do NOAA cho thấy, tháng Ba, tháng Năm và tháng Sáu vừa qua là những tháng nóng nhất so với cùng kỳ năm 1880, trong khi tháng Một và tháng Hai là những tháng nóng thứ hai. Trái Đất đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây, từ những trận mưa xối xả ở Thổ Nhĩ Kỳ và thung lũng Ohio, tới nhiệt độ tăng cao bất thường ở Alaska và Tây Ban Nha.
Tháng Sáu vừa qua, nhiệt độ tại Anh và Mỹ lên cao đã gây ra hàng loạt vụ cháy rừng.
Vương quốc Anh đã trải qua ngày đầu tháng 7 nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại sân bay Heathrow ở thủ đô London, nhiệt độ đo được lúc 3 giờ chiều (giờ địa phương) lên tới 36,7 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất trong tháng 7 tại Anh kể từ khi bắt đầu có dữ liệu về nhiệt độ vào giữa những năm 70 của thế kỷ 19.
Nắng nóng cũng gây tình trạng chảy nhựa tại một số tuyến đường cao tốc ở Anh. Đặc biệt, cuộc đình công của công nhân tại cảng Calais đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn kéo dài trên tuyến đường M20 với hàng nghìn xe tải nối đuôi nhau nằm chờ trong nắng nóng. Nhà chức trách Hạt Kent, nơi có tuyến đường chạy qua, đã phối hợp với Lực lượng bảo vệ bờ biển Dover phân phát nước uống cho các lái xe tải để giúp họ tránh bị suy kiệt vì mất nước.
Tại thủ đô Paris (Pháp) nhiệt độ đo được trong ngày lên tới 40 độ C. Cơ quan Khí tượng Pháp cho biết, lần đầu tiên ghi nhận đợt nắng nóng như vậy trong hơn 60 năm qua. Để giảm bớt nắng nóng, người dân phải trú mình dưới khu vực bóng râm và tìm tới các vòi phun nước để giải nhiệt. Giới chức Pháp cũng đã đặt báo động cam với cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới.
Không chỉ cao bất thường, nhiệt độ còn tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Riêng tại miền nam Pakistan, nhiệt độ cao đã làm 1.200 người thiệt mạng. Trước đó, đợt nhiệt độ cao trong tháng 5 ở Ấn Độ đã làm 2.000 người chết, khiến nó trở thành đợt nóng giết người nhiều thứ 5 trong lịch sử.
Kể từ năm 2000 tới nay, những kỷ lục về nhiệt độ cao của trái đất bị phá 25 lần. Tuy nhiên, kỷ lục lạnh nhất vẫn tồn tại từ năm 1916. Jonathan Overpeck, đồng giám đốc của Viện Môi trường, đại học Arizona, cho biết: “Đây là hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ trái đất sẽ chỉ nóng hơn và nóng hơn”.
Liên hợp quốc cảnh báo nền nhiệt độ đang ngày một tăng cao hơn và thời tiết ngày một trở nên khắc nghiệt hơn do tình trạng biến đổi khí hậu. Trước thực trạng đó, tổ chức này kêu gọi các quốc gia ban bố các hệ thống cảnh báo, nhằm giúp người dân nắm được thông tin để có biện pháp phòng tránh nắng nóng phù hợp. |
Đức An (tổng hợp)