Ngày 4/4, tờ Nikkei Asia dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẽ dừng phát triển một loại tên lửa hành trình hạt nhân mới.
Trước đó, loại tên lửa này được chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch phát triển nhằm tăng cường năng lực hạt nhân của Mỹ. Tên lửa hành trình này được cho là có độ chính xác cao hơn tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho rằng Mỹ vẫn có thể duy trì đủ năng lực răn đe đối với Nga và Trung, đồng thời thúc đẩy phong trào giải giới hạt nhân, khi hủy dự án tên lửa hành trình mới.
Cùng với đó, một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao cho biết thêm, Lầu Năm Góc sẽ phát hành tài liệu "Đánh giá vị thế hạt nhân" - với các hướng dẫn về chính sách vũ khí hạt nhân, sớm nhất là vào cuối tháng 4.
Trọng tâm của đánh giá đề cập đến cách Mỹ phát triển tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ biển và đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp hơn, mà chính quyền tiền nhiệm theo đuổi.
Các loại vũ khí này theo kế hoạch dự định được lắp đặt chủ yếu trên tàu ngầm, sử dụng trong các cuộc tấn công hạn chế vào căn cứ quân sự quan trọng của đối phương, thay vì các cuộc tấn công lớn vào trung tâm đô thị.
Cũng theo tài liệu, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các đầu đạn hạt nhân có công suất thấp để răn đe Trung Quốc và Nga. Hải quân Mỹ đã trang bị vũ khí hạt nhân chiến thật trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) vào đầu năm 2020.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, bộ 3 hạt nhân của nước này gồm khoảng 400 tên lửa Minuteman III (LGM-30G), các tên lửa đạn đạo từ 14 tàu ngầm lớp Ohio và các máy bay ném bom gồm 46 chiếc B-52H Stratofortress và 20 chiếc B-2A Spirit.
Nikkei nhận định, trong quá trình đóng băng phát triển loại vũ khí mới, chính quyền Biden dường như đang thể hiện khát vọng quay trở lại với lý tưởng của cựu tổng thống Barack Obama - người đã kêu gọi một "thế giới không có vũ khí hạt nhân". Năm 2010, ông Obama tuyên bố sẽ loại bỏ tên lửa hành trình hạt nhân để dẫn đầu trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Mộc Miên (T/h)