Truyền thông Mỹ đưa tin ngày 12/6, Hải quân nước nãy đã tổ chức lễ khởi công đóng tàu USS District of Columbia (SSBN 826). Đây là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới dự kiến được đưa vào hoạt động năm 2027.
"Con tàu lớp Columbia này sẽ là tàu ngầm lớn nhất, mạnh nhất và tân tiến nhất do quốc gia chúng ta sản xuất", hạ nghị sĩ Mỹ Eleanor Holmes Norton phát biểu trong buổi lễ.
“Lớp Columbia sẽ mang theo 70% số vũ khí hạt nhân đã được triển khai của Mỹ”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro nói. Ông đồng thời nhận định con tàu này là “khoản đầu tư thông minh nhất” để đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.
Trong nhiều năm qua, việc đóng 12 tàu ngầm lớp Columbia là ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ. Quá trình xây dựng thiết kế sơ bộ cho chiếc tàu ngầm lớn nhất lịch sử quân đội nước này đã bắt đầu vào năm 2007.
Hạm đội 12 tàu ngầm này sẽ thay thế các SSBN lớp Ohio với tư cách là lực lượng răn đe chiến lược số một của Hải quân Mỹ, bắt đầu với chuyến tuần tra đầu tiên của tàu District of Columbia vào năm 2031.
Tàu ngầm lớp Columbia có thể mang theo 16 ống phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hạt nhân, so với 24 ống của lớp Ohio. Tuy nhiên, lớp tàu mới sẽ dài hơn và nặng hơn, khi dài 158 m và có choán nước 18.000 tấn. Ngoài ra, lớp Columbia cũng sử dụng hệ thống động lực truyền động phức tạp và công nghệ đi kèm.
Cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đều đã có động thái phát triển tàu ngầm hạt nhân. Vào tháng 5, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đóng tàu ngầm hạt nhân mới với nhiều cải tiến so với các biến thể tàu ngầm Type 093 hiện có.
Hiện Hải quân Mỹ đang vận hành 14 chiếc SSBN lớp Ohio cũ kỹ được chế tạo từ năm 1976 đến 1997. Bên cạnh đó, 4 chiếc tàu ngầm cũ nhất của lớp này đã được chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN), theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (New START) với Nga.
Mộc Miên (Theo nationalinterest.org)