Theo Sputnik, tuyên bố từ nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Mỹ đã chấp thuận bán hệ thống PAC-3 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot của Quân đội Mỹ. - Ảnh: Raytheon |
Động thái này nằm trong quá trình Mỹ cố gắng ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, do những lo ngại Moscow có thể sử dụng chúng để lấy các thông tin mật của F-35 - loại chiến đấu cơ Ankara mua của Washington.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tina Kaidanow cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng giúp người Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được những gì chúng tôi có thể làm đối giúp họ". Vị trợ lý này giải thích rằng mục tiêu của Mỹ là đảm bảo khả năng phòng thủ cho đồng minh nhưng vẫn giữ được tình đoàn kết trong khối".
Tờ Sabah dẫn nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sắp tới, bà Tina Kaidanov sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng trước động thái Mỹ bật đèn xanh bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Nejat Eslen, thuộc lực lượng phòng thủ của Ankara cho biết, thực trạng nước này đang rất thiếu các hệ thống phòng không tốt đã làm nảy sinh vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh của đất nước.
Ngoài ra, Tướng Eslen cũng nhấn nhấn mạnh rằng sự hiện diện một hệ thống phòng không đủ mạnh của riêng mình đang là yêu cầu cấp thiết đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng không với tiềm năng phát hiện mục tiêu ở tầm cao và tầm trung. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với việc đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là khi nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực, có những nước sở hữu tên lửa đạn đạo", tướng Eslen cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi đến cùng hợp đồng với S-400 dù có phải rời khỏi NATO. - AP |
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Mitchell cho biết vào ngày 26/6 rằng Ankara sẽ phải đối mặt với "hậu quả" nếu không từ bỏ thỏa thuận S-400 với Moscow. Ông cũng nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ có thể tạm dừng các chuyến hàng F-35 để đáp trả việc nước này mua hệ thống S-400.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận vào ngày 25/6 rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch từ bỏ thỏa thuận với Moscow về việc mua các hệ thống phòng không S-400.
Trong quan điểm của mình, Tiến sĩ Emre Ersen từ khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Marmara cho biết: "Chúng ta cần lưu ý rằng Ankara là một trong những nước tham gia đóng góp nhiều nhất cho dự án F-35. Đó là một dự án quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, tôi nghĩ, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu nếu Mỹ quyết định không gửi máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông cũng cho rằng, một động thái như vậy thậm chí có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến gần Nga hơn, nên đó không phải là điều mà Washington muốn xảy ra.
Chiến đấu cơ F-35. -Ảnh: Reuters |
Mặt khác, Ankara và Moscow đã thực sự đi một chặng đường dài, liên quan đến thỏa thuận S-400. Do đó, thỏa thuận không thể bị hủy bỏ rất dễ dàng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tìm kiếm sự cân bằng giữa Nga và Mỹ trong những tháng tiếp theo liên quan đến vấn đề này.
Tiến sĩ Emre Ersen cũng đánh giá, thỏa thuận S-400 giống như là biểu tượng của mối quan hệ được cải thiện giữa Ankara và Moscow. Cả hai đều muốn tận dụng lợi ích trong đó để ứng phó với phương Tây. Vì vậy, hai nước sẽ cố gắng giữ trong tay “quân bài” S-400 trong tay càng lâu càng tốt.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)