Các động thái nới lỏng trừng phạt với Venezuela được Mỹ đưa ra để thúc đẩy các cuộc thảo luận về chính trị giữa Tổng thống Nicolas Maduro với phe đối lập.
Cụ thể, các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết các bước nới lỏng đầu tiên, được công bố ngày 17/5 (giờ địa phương), sẽ cho phép Chevron - công ty dầu mỏ lớn cuối cùng của Mỹ còn hoạt động tại Venezuela - đàm phán với công ty dầu khí quốc doanh PDVSA để tiếp tục hoạt động tại nước này.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã đàm phán với chính phủ Venezuela và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó về việc tiến tới một thỏa thuận chính trị sau chiến thắng trong cuộc bầu của ông Maduro vào năm 2019. Theo đó, quan chức chính quyền cấp cao cho biết quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt năng lượng của Mỹ đối với Venezuela được đưa ra theo yêu cầu của phe đối lập.
Quan chức này cho biết thêm, Mỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách trừng phạt của mình đối với Venezuela "trên cơ sở các kết quả cụ thể và không thể đảo ngược để trao quyền cho người dân Venezuela xác định tương lai ở đất nước của họ thông qua các cuộc bầu cử dân chủ".
Trong khi Mỹ hiện đang để Chevron đàm phán giấy phép của mình với công ty dầu khí nhà nước PDVSA, họ vẫn chưa cho phép ký kết bất kỳ thỏa thuận nào. Quan chức giải thích: "Về cơ bản, những gì họ được phép làm chỉ là thảo luận".
Trao đổi với CNN, quan chức cho biết thêm rằng Mỹ cũng đang tìm cách cho phép Venezuela bắt đầu sản xuất nhiều dầu hơn và bán ra thị trường quốc tế, nhằm làm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong bất kỳ lĩnh vực nào sẽ chỉ xảy ra khi ông Maduro tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận quan trọng với phe đối lập.
CNN cho biết thông báo này là sự thay đổi lớn thứ hai trong chính sách của Mỹ đối với các nước khu vực Mỹ Latinh. Trước đó, ngày 16/5, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo họ đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với Cuba.
Minh Hạnh (Theo CNN)