Tiêu Hoàng hậu, hay còn gọi là Dạng Mẫn hoàng hậu (566 - 648), xuất thân là một công chúa của Lương Minh Đế, Hoàng đế nước Tây Lương. Kể từ khi sinh ra, với nhan sắc hiếm có, bà đã bị gán cho một phần số đặc biệt, một phần số mà khi các thầy tử vi coi cho bà từ khi còn bé đã phải thốt lên 8 chữ rằng: "Mẫu nghi thiên hạ, mệnh đới đào hoa".
Tiêu Hoàng hậu sinh vào tháng 2, mà người vùng Giang Nam cho rằng, con gái sinh vào tháng 2 sẽ mang theo điềm dữ, nên Lương Minh Đế đã trao bà cho em họ là Đông Bình vương Tiêu Ngập nuôi dưỡng ở bên ngoài cung.
Không lâu sau đó, Tiêu thị lại được chuyển tới sống nhờ nhà người cậu ruột là Trương Hà Phủ. Tại đây, Tiêu thị phải làm việc để kiếm sống như tất cả những cô gái thường dân khác.
Năm 580, để tri ân sự giúp sức của Lương Minh Đế trong cuộc nội chiến nhà Tùy, Tùy Văn Đế Dương Kiên hỏi cưới một công chúa Tây Lương cho con trai của mình là Tấn vương Dương Quảng.
Lương Minh Đế khi đó đã cho thầy bói xem mệnh các công chúa của mình nhưng không ai hợp tuổi hợp mệnh với Dương Quảng. Bất đắc dĩ, Lương Minh Đế mới cho người đưa Tiêu thị hồi cung và chuẩn bị gả sang nhà Tùy.
Tiêu thị trở thành chính thất của Dương Quảng, được phong làm Tấn vương phi. Năm đó, Dương Quảng đã 20 tuổi, còn Tiêu thị mới lên 9.
Khi trở thành con dâu của Tùy Văn Đế, Tiêu thị được Độc Cô Hoàng hậu yêu mến như con ruột, mời rất nhiều thầy giỏi đến dạy cầm kỳ thi họa. Nhờ vậy mà chỉ vài năm sau, Tiêu thị đã trở thành một nữ nhân tuyệt sắc đa tài đa nghệ.
Tiêu thị từ nhỏ đã được dự đoán sẽ trở thành "mẫu nghi thiên hạ", nên Dương Quảng vô cùng cao hứng, tin rằng mình cũng có mệnh làm Thiên tử. Vì vậy, Tấn vương luôn coi Tiêu thị là của trời cho, hết mực sủng ái người vợ 9 tuổi.
Quả nhiên sau này, Dương Quảng bày mưu giết anh, hại cha ruột, ung dung bước lên ngai vàng đẫm máu. Tiêu thị vì thế cũng được sắc phong làm Hoàng hậu, trở thành "mẫu nghi" của nhà Tùy.
Sau khi lên ngôi, Dương Quảng sa vào tửu sắc, khiến cho thiên hạ đại loạn. Lý Uyên, Lý Mật, Đậu Kiến Đức đều khởi binh cát cứ các phương, Tùy triều đành phải rời đô về Nam Kinh, bỏ lại phương Bắc.
Khi ấy, có gian thần Vũ Văn Hóa Cập từ lâu đã dòm ngó ngôi Thiên tử và Hoàng hậu họ Tiêu, liền nhân cơ hội này dấy binh làm phản.
Vũ Văn Hóa Cập đã giết chết Dương Quảng, chiếm lấy ngôi vua và ép Tiêu Hoàng hậu phải làm thiếp cho mình bằng cách đe dọa tính mạng thế tử. Tiêu Hoàng hậu đành ngậm đắng nuốt cay, nhận danh phận Thục phi của chính kẻ đã giết chồng.
Lúc này, quân đội lớn mạnh Đậu Kiến Đức ở vùng Trung Nguyên tới đánh chiếm Giang Đô. Vũ Văn Hóa Cập đấu không lại, bại trận trước Đậu Kiến Đức. Tiêu Hoàng hậu lần hai trở thành góa phụ, thế nhưng nhan sắc của bà không hề lụi tàn. Ngay lần gặp đầu tiên, Đậu Kiến Đức đã bị sắc đẹp của bà làm cho mê hoặc, ông ngay lập tức lập bà làm Hoàng phi.
Mải mê với tửu sắc, Đậu Kiến Đức đã quên cả mục đích chính là chinh phục Trung Nguyên. Đó cũng là lúc thế lực của người Đột Quyết ở phương Bắc trở nên hùng mạnh.
Em gái của Tùy Dạng Đế lại chính là vợ của Hòa Thân Khả Hãn, một trong những người đứng đầu tộc Đột Quyết. Khi biết tin chị dâu còn sống, Nghĩa Thành công chúa đã phái sứ giả tới đón chị dâu. Biết không thể chống lại, Đậu Kiến Đức đành trao Tiêu Hoàng hậu lại cho sứ giả.
Bao năm phiêu bạt nhưng một lần nữa, dung nhan và khí chất hơn người của Tiêu thị lại một lần nữa làm điên đảo hai đời thủ lĩnh của người Đột Quyết. Bà lại trở thành sủng phi của Xử La Khả Hãn và sau đó là Hiệt Lợi Khả Hãn.
Thế nhưng, số phận vẫn chưa ngừng trêu đùa Tiêu thị, 10 năm sau đó, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đánh bại người Đột Quyết và đưa bà vào hậu cung nhà Đường, phong làm Chiêu dung. Lúc đó dù đã ở tuổi ngũ tuần nhưng dung mạo của Tiêu thị vẫn lay động lòng người.
Sau nhiều năm sống yên bình ở chốn hậu cung, bà qua đời vào năm 648 tại Trường An và được hợp táng với Tùy Dạng Đế. Năm 2013, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khu lăng mộ của Tùy Dạng Đế, trong đó có một hài cốt phụ nữ cao khoảng 1m5, được cho là của Tiêu Hoàng hậu.
Mộc Miên (T/h)