Trong triều đại phong kiến, Vua được xem là bậc chí tôn, mọi đồ dùng mà vua sử dụng đều là những đồ quý giá, độc đáo, được thiết kế riêng từ chất liệu, màu sắc đến họa tiết và bất cứ ai cũng không được phép dùng những màu sắc, chất liệu họa tiết đó. Biểu hiện rõ nhất của sự khác biệt này phải kể đến trang phục của hoàng đế Trung Quốc hay còn được gọi là Long bào.
Long có nghĩa là rồng, Bào là y phục, quần áo. Trong xã hội phong kiến thì rồng biểu tượng cho chân mệnh thiên tử, nên dùng để chỉ nhà vua hay còn gọi là Thiên tử (con trời). Thời phong kiến những đồ vật có hình rồng chỉ có vua mới được dùng.
Trong một số tài liệu có mô tả như thế này: Chín con rồng trên long bào có bốn con chính long thêu ở trước, lưng và hai vai. Vạt trước và sau long bào thì mỗi vạt có hai con hành long, như vậy nhìn từ trước hay sau đều thấy năm con rồng, hàm ý sự tôn quý (cửu ngũ).
Ngoài chín con rồng ở trên thì văn rồng còn thể hiện trong những hình rồng nhỏ ở cổ áo, eo và cổ tay áo. Còn vô số đường uốn lượn dưới long bào gọi là “chân nước”.
Trên chân nước thêu rất nhiều gợn sóng cuồn cuộn, còn báu vật đá dựng đứng gọi là “hải thủy giang nhai”, không chỉ tượng trưng cho may mắn bất tận mà còn hàm nghĩa “thống nhất giang sơn”, “mãi mãi thái bình”.
Người xưa thường gọi các bậc đế vương cổ đại là "chân long thiên tử, cửu ngũ chí tôn". Gọi hoàng đế là "cửu ngũ" là do bởi ở số học thời cổ phân làm số âm và số dương, chẵn là âm, lẻ là dương. Trong số dương thì số 9 là lớn nhất, số 5 ở giữa. Chữ "cửu" (số 9) hài âm với chữ "cửu" (lâu dài), mang ý nghĩa trường trường cửu cửu, vạn thế vạn đại. Nhân đó mà đã dùng từ "cửu ngũ" để chỉ sự chí cao vô thượng của hoàng đế, thiên tử chính chống, vạn thọ vô cương.
Khổng Dĩnh Đạt ghi rằng: "Lời cửu ngũ, dương khí mạnh ngút trời, vì rồng ở trên trời. Hiện tượng này ví như thánh nhân có đức rồng, bay cao ở ngôi vị trên trời".
Số 9 cũng liên quan đến Trời bởi vì theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng Thượng Đế sinh vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Các bậc vua chúa hay hoàng đế ngày xưa đều xem mình là Thiên Tử hay Thiên Hoàng (ở Nhật Bản), nên số 9 là con số của con Trời. Xuất phát từ điều này, "cửu ngũ" về sau được dùng để chỉ ngôi vua. Theo đó, long bào thêu 9 con rồng, tượng trưng cho hoàng đế Trung Hoa.
Trước thời nhà Đường, nhiều người có thể mặc áo có dạng tương tự long bào nhưng không được thêu hình rồng. Nhưng sau thời nhà Đường, người bình thường không chỉ không được phép thêu hình rồng lên quần áo mà ngay cả áo kiểu dáng long bào cũng không được mặc.
Hoàng đế Đường Cao Tổ còn quy định, màu vàng là màu của đế vương, chỉ được dùng bởi vương thất. Từ đó về sau, màu vàng đã trở thành màu sắc đặc trưng dùng riêng cho hoàng tộc. Hầu như long bào của các thế hệ sau đó đều lấy màu vàng sáng làm chủ đạo.
Thời nhà Thanh, có hơn 2000 người chịu trách nhiệm làm long bào cho Hoàng đế, họ phải làm cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, trong khuôn viên triều đình còn có một nhà may chuyên dụng để may y phục cho nhà vua nói riêng và gia đình hoàng tộc nói chung.
Một điều đặc biệt nữa là gần như tất cả long bào thời cổ đại đều không được giặt giũ. Một phần là vì người xưa ít chú ý đến vấn đề vệ sinh. Mặt khác, vì trên long bào có những họa tiết thêu rồng dễ bị biến dạng sau khi giặt. Hơn nữa, ngay cả khi trang phục bị bẩn hoặc có mùi lạ thì hầu hết người thời đấy sẽ sử dụng hương huân (xông hương) để khử. Dùng nước để giặt quần áo chỉ là hành động mà người nghèo mới làm.
Mộc Miên (T/h)