Theo những gì sử sách Trung Hoa ghi chép lại, Phùng Tiểu Liên là một tuyệt sắc giai nhân thời Bắc Tề. Không chỉ có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, bà còn có tài ca hát cùng khả năng chơi đàn tỳ bà điêu luyện. Cũng nhờ tài năng và nhan sắc hơn người, Phùng Tiểu Liên được Hoàng đế Cao Vĩ độc sủng. Tuy nhiên, cũng chính vị Hoàng đế này đã khiến Phùng Tiểu Liên phải chịu nỗi nhục thiên cổ.
Hoàng đế Cao Vỹ sinh năm 556, là con trai cả của vua Cao Trạm, triều Bắc Tề thuộc thời Nam Bắc Triều trong lịch sử Trung Quốc. Năm 568, ông lên ngôi hoàng đế khi triều đại Bắc Tề đã thối nát và lung lay. Tuy nhiên, Hoàng đế Cao Vỹ vẫn không chăm lo việc triều chính mà chỉ mải ăn chơi, hưởng lạc, thỏa mãn những thú vui bệnh hoạn của mình.
Công việc chính của vua Cao Vỹ cả ngày chỉ là nghĩ ra đủ trò để ăn chơi với các phi tần và cung nữ trong hậu cung. Còn chuyện thượng triều nghe tấu sớ thì mỗi tháng Cao Vỹ chỉ làm một lần, thậm chí có khi mải vui không lâm triều.
Thậm chí, ông còn phong cho tất cả các cung nữ phục vụ trong cung làm quận quan, cho mỗi người một chiếc bàn trang điểm đáng giá hàng vạn lượng vàng. Nhiệm vụ duy nhất của các mỹ nữ này là ngày ngày phục vụ những ý tưởng ăn chơi hưởng lạc của ông.
Do hoàng đế luôn sa vào những nữ nhân tươi trẻ nên Mục Hoàng Hậusớm bị lang quân ghẻ lạnh. Phùng Tiểu Liên lúc này là nô tỳ của hoàng hậu, đã nhân cơ hội khuyên chủ tử dâng mình cho hoàng đế để làm tai mắt, nếu được sủng ái thì hoàng hậu cũng có công đôi phần. Cảm thấy chí lý và đây dường như là cách tốt nhất hiện tại, hoàng hậu liền đồng ý.
Không ngờ rằng, Phùng Tiểu Liên được hoàng đế sủng ái ngoài tưởng tượng, Cao Vỹ suốt ngày quấn quýt ôm ấp bên Tiểu Liên, ông cho rằng trên thế gian này, quả thật không ai có thể có được một làn da ngọc ngà thanh khiết như nàng, mùa đông thì ấm áp như một chiếc chăn bông, mùa hè thì mát mẻ như dòng suối, lúc nào cũng thơm nức hương hoa mẫu đơn.
Ngay cả những lúc lâm triều, Cao Vỹ cũng không chịu rời xa Phùng Tiểu Liên nửa bước, ông vừa ngồi bàn chuyện quốc gia đại sự với các quan đại thần, lại vừa ôm ấp, đặt Phùng Tiểu Liên lên đùi mà ngắm nhìn, trò chuyện, bỡn cợt.
Vậy là không lâu sau, hoàng hậu mới nhận thấy mình đã sai lầm khi nghe theo lời cô tỳ nữ thân cận dạo nào, quả thật dù vẫn trên ngôi vị Mẫu nghi, nhưng Mục Hoàng Hậu đã hoàn toàn đánh mất chồng vào tay Phùng Tiểu Liên. Không lâu sau, Cao Vỹ sắc phong cho Phùng Tiểu Liên làm Thục phi, tước vị chỉ đứng sau Hoàng hậu. Tuy nhiên, gieo nhân nào gặt quả nấy, lại mang thân phận phụ nữ nên ít lâu sau, Phùng Tiểu Liên đã phải mang trong mình nỗi nhục nhã ê chề mà muôn đời khó rửa sạch bởi suy nghĩ bệnh hoạn của Hoàng đế Cao Vỹ.
Vua Cao Vỹ không giống như những người đàn ông khác, khi có được mỹ nhân sẽ giữ làm của riêng cho mình. Ông cho rằng nhan sắc của Phùng Tiểu Liên là thứ đẹp nhất trên thế gian này, nếu thiên hạ không được chiêm ngưỡng điều tuyệt vời đó thì quả là uổng phí. Chính vì vậy trong một buổi thiết triều, Cao Vỹ đã cho gọi Phùng Tiểu Liên lên triều đồng thời ra lệnh cho cô phải trút bỏ toàn bộ xiêm y sau đó nằm lên một chiếc bàn giữa triều và làm đủ mọi tư thế để bá quan văn võ chiêm ngưỡng.
Vua Cao Vỹ không cho mọi người xem miễn phí mà yêu cầu mỗi người phải trả 1000 lượng vàng cho một lần ngắm mỹ nhân, đây đúng là “thiên kim nhất thị”.
Một thời gian ngắn sau, thì triều Bắc Tề do Cao Vỹ làm hoàng đế bắt đầu suy vong bởi do bản tính ăn chơi vô độ lại đam mê tửu sắc mà không màng chính sự của ông vua này. Cuối cùng, năm 577, Bắc Chu Vũ Đế mang quân đánh Bắc Tề, vì quá hoảng sợ, Cao Vỹ nhường ngôi lại cho con trai 8 tuổi của mình rồi nhanh chân mang theo Phùng Tiểu Liên bỏ trốn. Không may, ông cùng Tiểu Liên bị bắt giam tại Trường An.
Mùa đông năm đó, Cao Vỹ bị ép uống thuốc độc qua đời, riêng Phùng Tiểu Liên vì có nhan sắc xinh đẹp, đã bị coi là chiến lợi phẩm được ban cho hết người này đến người khác.
Tuy nhiên, sau đó Phùng Tiểu Liên đã không thể chịu được nhục nhã mà bị ép phải tự tử. Có thể nói, câu "hồng nhan bạc phận" dành cho cô không sai một chút nào. Thế nhưng, Phùng Tiểu Liên cũng trở thành một trong những "hồng nhan họa thủy" trong lịch sử đã góp phần không nhỏ khiến Bắc Tề diệt vong.
Mộc Miên (T/h)