Trong cuộc gặp Trưởng Công tố Ukraine Andriy Kostin tại Washington ngày 3/2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết, ông đã cho phép cơ quan chức năng Mỹ sử dụng tiền và tài sản tịch thu của Nga để viện trợ cho Ukraine.
Cụ thể, ông Garland nói rằng số tiền này đến từ việc tịch thu tài sản của tỷ phú người Nga Konstantin Malofeyev và sẽ được chuyển cho Bộ Ngoại giao Mỹ để “hỗ trợ người dân Ukraine”.
Về phần mình, Trưởng Công tố Ukraine Andriy Kostin cho biết, số tài sản trị giá 4,5 triệu USD tịch thu nói trên sẽ được sử dụng để "tái thiết Ukraine".
Hôm 19/1, Nga lên án kế hoạch của Chính phủ Mỹ về việc sẽ trao cho Ukraine tài sản mà Washington tịch thu từ các công dân Nga. Moscow cảnh báo động thái này sẽ làm "suy yếu niềm tin" vào hệ thống tài chính toàn cầu và bảo vệ tài sản cá nhân.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cáo buộc Washington “rõ ràng coi thường các quy tắc pháp lý được chấp nhận rộng rãi”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên đề xuất kế hoạch chuyển giao tài sản vào tháng 4 năm ngoái, cho rằng số tài sản thu từ Nga nên được sử dụng để hỗ trợ Ukraine. Washington và các đồng minh đã đóng băng tài sản thuộc ngân hàng trung ương Nga, với tổng trị giá khoảng 300 tỷ USD, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy lý do pháp lý nào để tịch thu tài sản đó ngay lập tức.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nhằm lấy các khoản tiền thuộc sở hữu của Nga và chuyển đến Ukraine đều "vi phạm quyền sở hữu" và Moscow sẽ "đáp trả bằng các biện pháp đối phó thích hợp".
Hơn 1.000 thực thể và 1.300 cá nhân của Nga hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, theo dữ liệu từ Hội đồng Đại Tây Dương - nhóm chuyên gia cố vấn tại Washington, DC có quan hệ chặt chẽ với NATO. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản của Nga do chính phủ Mỹ nằm giữ chưa được công khai.
Hoa Vũ (T/h)