(ĐSPL) - Tết Nguyên đán đã cận kề. Số đông người lao động đang rất trông chờ vào đồng lương tháng 13. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế khó khăn, cứ đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, thay vì tri ân, nhiều doanh nghiệp lại bắt đầu giở các chiêu bài quen thuộc để khỏi chi tiền thưởng.
Mặc cho những cống hiến trong suốt một năm, không ít người lao động bị đẩy ra đường chỉ vì doanh nghiệp "né" tiền thưởng Tết.
Nhiều công nhân bị đuổi ra đường vì doanh nghiệp không muốn thưởng Tết (ảnh minh họa). |
Bỗng dưng... mất việc
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ở "vùng trũng", việc trả đủ lương cho người lao động đã trở thành gánh nặng đối với nhiều doanh nghiệp chứ nói gì đến chuyện thưởng Tết. Trong lúc nhiều ông chủ loay hoay tìm đủ mọi cách lo cho lao động lương tháng thứ 13 thì không ít công ty đã phũ phàng "phủi tay" đối với công nhân của mình.
Mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Minh (Tam Nông, Phú Thọ), công nhân của công ty TNHH T.T. (doanh nghiệp 100\% vốn Đài Loan, khu Công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thất thểu như mất hồn vì bỗng dưng mất việc.
Nói chuyện với PV, chị Minh bức xúc: "Mặc dù biết rằng đây là công ty có "truyền thống" sa thải nhân viên vào dịp giáp Tết nhưng do thiếu kinh nghiệm cũng như trình độ nên tôi không có lựa chọn nào khác phải vào đây làm việc. Năm ngoái, cũng khoảng thời gian này, ông chủ doanh nghiệp người Đài Loan bắt đầu "giở trò" với chính lao động của mình. Cả năm không vi phạm quy chế, hoàn thành công việc, nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của đợt sa thải lần này với những lý do lãng xẹt".
Chị Minh cho biết, nguyên nhân chị bị sa thải là do chỉ một lần ngủ gật trong khi làm việc. "Quy định của công ty, công nhân sẽ bị phạt khi phát hiện ngủ gật, nghe điện thoại khi làm việc. Mỗi lần ngủ gật chỉ bị trừ 9 điểm. Mỗi công nhân bị phát hiện 3 lỗi thì bị trừ đến 27 điểm và chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, tôi vi phạm chỉ có một lần mà công ty đã ra quyết định đuổi việc rồi". Được biết, ngoài chị Minh cũng có 5 người khác cũng "bỗng dưng" bị đuổi ra đường vì những vi phạm rất nhỏ. Tất cả đã làm đơn khiếu nại lên công đoàn công ty nhưng chẳng thay đổi được gì cả.
"Chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có nhiều người khác cùng chung cảnh ngộ với chúng tôi", chị Minh ngậm ngùi nói.
Cũng theo chia sẻ của chị Minh, đến dịp Tết, chủ doanh nghiệp yêu cầu người quản lý các bộ phận thường xuyên đi kiểm tra công nhân. Thời điểm đầu năm, giữa năm, có khi cả ngày chẳng thấy bóng dáng của quản lý đâu nhưng từ tháng 11 (âm lịch) trở đi, việc kiểm soát nhân viên thường xuyên hơn. Họ căn ke từng phút đi làm, từng đường may mũi chỉ và chỉ chăm chăm "săm soi" tìm cớ để sa thải người lao động.
Một thông tin mà chị Minh cung cấp khiến chúng tôi giật mình. Tết âm lịch Giáp Ngọ vừa rồi, trước đợt xét thưởng Tết 1 tháng, hơn 30 công nhân của công ty T.T. cũng bị buộc thôi việc. Tuy nhiên, ngay những ngày đầu năm mới, công ty đã đăng tuyển đúng số người bị đuổi năm cũ. Theo chị Minh, không chỉ riêng công ty chị mà nhiều lao động ở các doanh nghiệp khác cũng kêu trời vì việc đối đãi bạc bẽo của chủ lao động.
Cần quy định hạn chế sa thải vào dịp Tết
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Truyền thông VMH Việt Nam (trụ sở Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: "Tình trạng cứ đến thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp tuyên bố dừng hoạt động, bỗng nhiên biến mất đã xảy ra từ nhiều năm trước. Thậm chí, ngay cả trong thời điểm kinh tế đang thịnh, không ít ông chủ vẫn giở mánh ra để cướp đi "miếng cơm manh áo" của công nhân. Ngay tại Hà Nội, tôi cũng biết một số công ty có chiêu trò tuyển dụng - sa thải lao động liên tục trong năm, nhất là trong dịp Tết, việc sa thải sẽ khiến cho họ bớt được một khoản tiền thưởng Tết khá lớn".
Ông Vũ Mạnh Hùng cho hay, hầu hết những công ty nghĩ ra "mưu hèn kế bẩn" để "lách" thưởng Tết đều chỉ dám sa thải những lao động chân tay. Bởi đây là nguồn lực mà rất dễ để tuyển thêm vào đầu năm mới. Trao đổi với PV, ngay cả chị Minh cũng phải thừa nhận rằng, chỉ những lao động như chị mới bị công ty đối xử tệ bạc như vậy. Còn đối với những người làm tổ trưởng, cán bộ thì vi phạm quy chế nhiều lần cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, cùng lắm là phạt hành chính. "Chấm dứt hợp đồng với lao động vào những ngày giáp Tết chẳng khác nào đưa họ vào ngõ cụt. Bởi cơ hội xin việc thời điểm cuối năm gần như bằng không. Đây là việc làm vô trách nhiệm và thiếu tình người", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc công ty luật Nay & Mai, Hà Nội, Điều 103 của Bộ luật Lao động có quy định về tiền thưởng. Tuy nhiên, việc luật không quy định cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp vẫn có cơ hội để "giở trò" với người lao động. Bởi, trong luật có quy định, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Chính vì vậy, khoản tiền thưởng có hay không, nhiều hay ít đều phụ thuộc vào phía doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, có lẽ vì áp lực tài chính cộng với để giữ thể diện doanh nghiệp nên họ mới đẩy người lao động ra đường.
"Tất cả các công ty đều giải thích việc sa thải lao động là do hoạt động không hiệu quả, người lao động vi phạm quy chế. Mặc dù biết họ đưa ra lý do này chỉ để ngụy biện cho việc "chạy" tiền thưởng Tết nhưng các cơ quan rất khó có thể chứng minh được. Chính vì vậy, theo tôi, cần có một quy định và chế tài để hạn chế việc người lao động bị chấm dứt hợp đồng trước mỗi dịp Tết cổ truyền", luật sư Hiển kiến nghị.
Thêm một quyết định dừng hợp đồng thời điểm nhạy cảm Dư luận bất ngờ trước quyết định của Parkson Landmark (tòa nhà Keangnam, Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội) đột nhiên đóng cửa trong đêm cách đây mấy ngày. Lý do đơn vị này đưa ra là kể từ năm 2011, từ khi mở cửa đến nay, chưa một ngày nào họ đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, những chủ quầy hàng thuê của họ cũng chịu cảnh lỗ nặng. Tuy nhiên, việc họ đưa ra quyết định dừng hoạt động đột ngột vào thời điểm giáp Tết khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ. "Tuy nhiên, cách hành xử như thế này chỉ dành cho những công ty làm ăn theo kiểu chộp giật. Còn đối với những doanh nghiệp uy tín, làm ăn lớn, việc đào tạo ra lao động có tay nghề rất khó khăn, họ sẽ chẳng bao giờ dại dột đi sa thải những người đã quen việc rồi", ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Truyền thông VMH Việt Nam, nhấn mạnh. |