Không phải ai cũng đều có khả năng ngay lập tức trở thành những ông bố bà mẹ biết chăm sóc và giáo dục con cái tốt vì cần thời gian, công sức và nỗ lực không ngừng.
Cuộc sống thật tuyệt vời kể từ khi bạn được làm mẹ. Trên tất cả những lo lắng, muộn phiền, bạn yêu thương và nâng niu “cục cưng” của mình hơn bất cứ điều gì mà bạn có. Nhưng “yêu thương cũng là cả một nghệ thuật”! Và bạn cần phải yêu thương con đúng cách. Vậy thế nào là yêu thương đúng cách? Những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn giải đáp được phần nào câu hỏi đó.
Chiều chuộng con
Nghe đến đây, có người sẽ cho rằng, càng chiều thì con càng sinh hư, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Chúng ta chiều chuộng chứ không phải là nuông chiều con. Vậy thì lại có một câu hỏi được đặt ra, vậy thế nào là chiều chuộng và thế nào là nuông chiều?
Khi hai mẹ con đi siêu thị, bé nằng nặc đòi mở hộp bánh vừa mua được ra ăn và mẹ đáp ứng mong muốn đó trong khi bạn biết rằng, con có thể nhịn không ăn hộp bánh cho tới khi về nhà. Như vậy là nuông chiều.
Theo một số cuốn sách về việc nuôi dạy trẻ thì: Nuông chiều có nghĩa là bao bọc, bảo vệ quá mức con cái. Chu cấp vật chất cho con quá nhiều nhưng lại dựa trên suy nghĩ của bản thân rằng cái đó con thích, cái đó con cần mà không xuất phát từ suy nghĩ của con trẻ.
Khi trẻ muốn mua toàn bộ số đồ chơi mà chúng yêu thích, nếu mẹ đáp ứng theo thì đó chính là sự nuông chiều. Khi giây dày của con bị tuột, trẻ có thể tự buộc lại chúng nhưng cha mẹ lại tranh phần công việc đó, không để trẻ tự làm, như vậy gọi là nuông chiều. Sự nuông chiều này vô tình đã tước mất của trẻ cơ hội để tự lập.
Ảnh minh họa |
Khác với nuông chiều, chiều chuộng là việc cha mẹ tôn trọng những cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con trẻ. Khi những nhu cầu đó được tôn trọng, trẻ sẽ trở nên tự lập và biết tự đánh giá bản thân mình hơn.
Ví dụ như khi mẹ đang làm việc mà trẻ muốn chơi cùng mẹ hay muốn được mẹ ôm thì hãy bỏ chút thời gian để chơi cùng hay ôm con vào lòng. Hay khi mẹ đang đọc báo mà trẻ sà vào muốn đọc theo thì lúc đó là trẻ đang muốn được ôm ấp, chiều chuộng.
Bản thân hai việc chiều chuộng và nuông chiều là khác nhau. Nếu như bạn cho rằng, nhiều khi chỉ cần qua ranh giới của sự chiều chuộng là sẽ tới sự nuông chiều thì bạn nên hiểu rằng: Cha mẹ cần tôn trọng những đòi hỏi của trẻ.
Tuy nhiên, ranh giới của sự tôn trọng ấy đến đâu thì lại rất khó để vạch rõ. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải dựa vào điều kiện gia đình, tính cách của mỗi đứa trẻ và bản năng làm mẹ để ứng xử phù hợp.
Trò chuyện, âu yếm, ôm ấp và khen ngợi con
Đối với trẻ con mà nói thì không gì quan trọng bằng tình yêu thương của cha mẹ. Tình yêu thương đó được thông qua các hoạt động như trò chuyện, cử chỉ âu yếm, ôm ấp và khen ngợi con mà mẹ làm mỗi ngày.
Tất cả các nhà giáo dục đều khuyên rằng: Khi trẻ ngủ hãy nằm bên cạnh để ôm con ngủ, cùng trò chuyện với trẻ, đọc cho con nghe những cuốn chuyện hay và nói với con bạn yêu con thế nào. Tất cả những điều đó sẽ rất tốt đối với trẻ.
Nhiều người sợ rằng, như vậy trẻ sẽ quen hơi nhưng trên thực tế các chuyên gia lại cho rằng đừng quá lo lắng về điều đó vì những năm tháng đầu đời trẻ rất cần vòng tay của cha mẹ.
Đừng ngần ngại đưa ra những lời khen ngợi nếu con làm đúng, làm tốt một việc nào đó. Điều đó sẽ giúp cho con tự tin và hăng hái hơn rất nhiều trong các hoạt động tiếp theo.
Ảnh minh họa |
Dạy con biết tự lập
Ngày nay, các bà mẹ đều rất chú trọng trong việc dạy con tự lập. Một em bé nếu biết tự lập sớm sẽ trở nên chủ động và tự tin trong các công việc sau này. Chính vì vậy mà việc dạy con tự lập trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Đừng có việc gì cũng làm hộ cho con. Nếu bạn cảm thấy việc đó con có thể tự làm được thì hãy hướng dẫn con một cách nhẹ nhàng để con tự làm và bạn chỉ là người giám sát. Chấp nhận những sự vụng về, sai sót của con để bé có thể tích luỹ kinh nghiệm và hoàn thiện những khả năng của mình trong quá trình con học tự lập.
Ví dụ khi con ngã, hãy để con tự đứng dậy. Thực tế thì những đứa trẻ biết tự đứng lên khi ngã sẽ ít khóc hơn những đứa trẻ được bố mẹ hay những người xung quanh đỡ dậy hay xuýt xoa, rồi đổ lỗi tại cái này hay cái kia mà con ngã. Trừ trường hợp trẻ gặp tai nạn hoặc ngã rất đau không thể tự đứng lên được. Làm như vậy sẽ giúp trẻ tránh được cả thói quen đổ lỗi, bao biện khi gặp phải sự cố.
Lắng nghe con
Nhu cầu lắng nghe không chỉ là nhu cầu ở riêng con trẻ mà kể cả người lớn chúng ta thì nhu cầu này cũng rất quan trọng. Đến một lúc nào đó con sẽ trở thành một cá thể độc lập có suy nghĩ và chính kiến riêng của bản thân. Chính vì vậy, trước những mong muốn với sự thực của đời sống đang diễn ra, con rất cần được chia sẻ, lắng nghe để có thể giải toả.
Lắng nghe không những giúp chúng ta có thể hiểu con, làm bạn với con mà hơn thế nó giúp con cảm thấy mình là người quan trọng.
Ảnh minh họa |
Phê bình con đúng cách
Một đứa trẻ dù cho có ngoan đến mấy thì cũng sẽ có lúc làm bố mẹ không hài lòng. Những lúc đó, nếu có phê bình con, bạn cũng phải thật khéo léo tránh làm tổn thương con
Một trong những cách phê bình khá hay và hiệu quả mà các chuyên gia khuyên là nên: Khen điểm tốt - kể điểm xấu – khen điểm tốt… Cứ như vậy, lời phê bình của bạn sẽ không trở nên quá gay gắt. Ví dụ như con đánh bạn sau khi tranh nhau đồ chơi thì hãy nói với con rằng: Con của mẹ đã rất ngoan khi chơi cùng bạn, nhưng tại sao con lại đánh bạn thế? Con của mẹ luôn rất hoà đồng với các bạn mà, vậy chắc là có lý do nên con mới đánh bạn rồi. Con kể cho mẹ nghe xem nào? Đây là một trong những cách để trẻ có thể sửa đổi rất nhanh.
Đôi khi hãy biết bỏ qua
Dù mẹ có khéo léo đến đâu thì những đứa trẻ cũng không thể nào nghe lời răm rắp 100%. Vì vậy, hãy chấp nhận nếu như đôi khi con bạn lơ đễnh công việc vệ sinh cá nhân như đánh răng. Không ăn hết khẩu phần ăn, hay vừa ăn vừa chơi. Hãy bỏ qua và chấp nhận nó như một cách để bạn có thể tránh được những căng thẳng không đáng có.
Kết
Nuôi con đã khó, để dạy dỗ con còn khó hơn gấp nhiều lần. Làm cha mẹ, ai cũng yêu thương con, nhưng để yêu thương con đúng cách thì bản năng làm mẹ thôi chưa đủ. Bạn còn cần có sự hiểu biết, sự kiên trì, thời gian, sự phối hợp giữa những người lớn trong gia đình.
Bởi yêu thương đúng cách sẽ là liều thuốc tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách và tạo nên cả nhân cách sau này cho con nữa.
Cha mẹ cần làm gương, đừng chỉ ‘dạy’ suông, hãy làm 5 điều này mỗi ngày để con bạn học theo và ngày càng ngoan hơn.
Không phải ai cũng đều có khả năng ngay lập tức trở thành những ông bố bà mẹ biết chăm sóc và giáo dục con cái tốt. Cả cha mẹ và con cái đều cần thời gian, công sức và nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân mình. Và có một kinh nghiệm được chia sẻ, rằng khi bạn dạy cho trẻ em nhận ra các giá trị tích cực và có ý nghĩa của việc biết quan tâm chăm sóc cho người khác như cách chính bạn đang làm cho con mình, nó sẽ trở thành một nền tảng vững chắc mà chúng có thể dựa vào để xây dựng nhân cách sau này.
Một khi trẻ nhỏ nhận ra sức mạnh của việc quan tâm chăm sóc người khác, chúng sẽ bắt đầu đối xử với mọi người giống như cách chúng muốn người khác đối xử với mình. Bằng cách học những bài học cuộc sống giá trị này, con cái của bạn sẽ có được một cuộc sống thành công và hạnh phúc về sau.
Quan tâm nghĩa là biết ơn
Ảnh minh họa |
Khơi dậy lòng biết ơn của trẻ nhỏ sẽ hình thành một cá nhân biết cách quan tâm tới người khác trong tương lai. Khi trẻ học cách bày tỏ lòng biết ơn đối với những hành động tốt mà trẻ trải nghiệm trong cuộc sống, chúng cũng trở nên tử tế đối với người khác. Chúng cũng sẽ học được cách chia sẻ cảm xúc và sở thích để kết nối với mọi người. Bạn hãy dạy trẻ thông qua việc thể hiện sự biết ơn đối với những món quà chúng làm cho bạn và những cử chỉ lịch sự hằng ngày như chào hỏi người khác, hay giữ cánh cửa cho người đi sau mình. Rồi từ những ví dụ rất trực quan hàng ngày đó của chính bạn, hãy hướng dẫn con bạn thực hành điều này. Ngoài ra, cha mẹ cần phải diễn cảm thái độ một cách rõ ràng khi cảm ơn người khác, qua đó trẻ có thể nhìn thấy tận mắt sự chuyển giao tích cực của cảm xúc và sự biết ơn thật sự. Để có được lời cảm ơn chân thành, trẻ nhỏ cũng cần phải đi một chặng đường dài, và một khi những đứa trẻ luôn biết ơn cuộc sống và những người khác thì chúng có thể ảnh hưởng tích cực đến môi trường xung quanh mình.
Quan tâm có nghĩa là luôn nói sự thật
Ảnh minh họa |
Sự thành thật vốn là bản năng từ khi sinh ra của tất cả trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khả năng nói dối đã được hình thành khi trẻ em bắt đầu được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Do đó, điều quan trọng là bạn phải biết trân trọng sự trung thực của trẻ nhỏ và làm cho nó trở thành một giá trị cốt lõi. Sự trung thực làm tăng giá trị con người, và mặc dù trẻ em chưa nhận ra điều đó, nhưng chúng cũng phải học cách tôn trọng sự thật. Khi nuôi dưỡng sự chân thật, chính trực của con cái, cha mẹ cần phải bắt đầu từ chính bản thân mình.
Trẻ nhỏ sẽ nhận ra hành vi xấu và không trung thực, vì vậy bằng cách làm gương tốt cho con mình, các em sẽ áp dụng những điểm tích cực đó một cách nhanh nhất mà không cần bạn phải dùng tới vũ lực, uy hiếp. Khi cố gắng hướng con bạn tới sự trung thực, bạn cũng sẽ dạy cho trẻ biết rằng chúng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, đó sẽ là cách tốt nhất để xây dựng niềm tin và sự tự tin trong mắt của người khác.
Quan tâm nghĩa là lịch sự
Ảnh minh họa |
Cách chúng ta đối xử với người khác sẽ ảnh hưởng tới đánh giá của họ về chúng ta. Hãy để các bé hiểu được rằng, để luôn được ghi nhận là ngoan ngoãn, chúng phải lịch thiệp. Điều này cho phép trẻ có thể diễn tập qua các tình huống xã hội khác nhau theo cách tốt nhất có thể và ảnh hưởng tích cực đến những người mà chúng tương tác cùng. Đưa trẻ đi thăm ông bà thường xuyên sẽ dạy cho chúng cách tôn trọng những người cao tuổi. Đồng thời bạn cũng nên hướng dẫn trẻ thử sử dụng sự quả quyết của mình khi đối phó với hành vi xấu, chứ không chỉ giải quyết, sửa chữa hậu quả, để cho trẻ thấy rằng các tình huống xung đột có thể được giải quyết một cách lịch sự và chu đáo.
Quan tâm nghĩa là thấu hiểu và rộng lượng với người khác
Ảnh minh họa |
Thời thơ ấu của trẻ nhỏ là giai đoạn bắt đầu phát triển nhiều kỹ năng quan trọng, đồng thời tình cảm của các bé cũng được bồi đắp cho phong phú hơn. Kỹ năng cảm xúc có giá trị nhất chính là sự thấu hiểu, cảm thông với người khác. Trẻ sẽ học được cách kiên nhẫn trong các mối quan hệ và biết suy xét những cảm giác của người khác trong mọi tình huống. Để nâng cao mức độ cảm thông của trẻ nhỏ, bạn hãy chia sẻ cảm xúc với con của mình và truyền cảm hứng cho con để chúng có thể làm được như vậy một cách tự nhiên nhất.
Một điều quan trọng là hãy để trẻ nhỏ nhận thức được cảm xúc của bạn một cách rõ ràng nhưng không áp lực, nóng nảy, oán trách hay phán xét khi chúng làm điều xấu, đồng thời khuyến khích trẻ bày tỏ thái độ của mình với những trường hợp tương tự. Bởi vì khả năng cảm thông với người khác không phải là để chỉnh sửa hay thay đổi hành vi, quan điểm của người khác mà chính là phải bằng sự khoan dung, độ lượng để tiếp thu, ghi nhận và chuyển hóa những điều chưa đúng của người khác.
Quan tâm chính là chia sẻ
Ảnh minh họa |
Khi trẻ em chơi với bạn bè, chia sẻ kẹo bánh, hoặc món đồ chơi yêu thích của chúng, đó chính là cách đơn giản nhất để học cách chia sẻ lợi ích và kết nối với người khác. Để truyền cảm hứng cho việc chia sẻ giữa các em, bạn hãy tạo cho chúng những nhiệm vụ chỉ có thể giải quyết được bằng cách hợp tác với nhau. Điều này sẽ dạy cho trẻ cách làm việc chung với người khác, và cách làm thế nào cũng như khi nào thì cần phải yêu cầu sự trợ giúp từ phía người khác. Khi giúp trẻ phát triển lòng quảng đại, bạn cũng cần giúp trẻ nhận thức được những người kém may mắn hơn. Hãy khuyến khích con bạn thực hiện những hành động chia sẻ như tham gia quyên góp quần áo cho các tổ chức từ thiện. Thông qua đó, không chỉ dạy cho trẻ biết thương yêu những người kém may mắn mà cũng chính là bước đầu hình thành cho trẻ biết cách buông bỏ đối với vật chất và sau này là cả những nỗi muộn phiền và cám dỗ, bởi buông bỏ là điều hết sức quan trọng trong cuộc sống.
Là cha mẹ, bạn phải đảm bảo rằng việc dạy trẻ phát triển các kỹ năng và các giá trị có ý nghĩa là nhiệm vụ của mình, là một ưu tiên hàng đầu.
Con bạn có trở thành một cá nhân giàu lòng trắc ẩn nhưng đủ mạnh mẽ và tự chủ để vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống hay không chính là từ sự dạy bảo của bạn từ tấm bé, chính là từ hình ảnh của bạn trong mắt chúng. Và cuối cùng, điều tuyệt vời nhất là các bé sẽ chăm sóc và quan tâm tới người khác như cách bạn chăm sóc và quan tâm tới chúng.
Tổng hợp