Muốn bán cổ phần tại 4 công ty
Báo Người lao động đưa tin, Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) do ông Dương Ngọc Minh làm Chủ tịch HĐQT mới đây vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc thoái vốn góp tại các công ty thành viên. Mục đích là để huy động nguồn vốn để thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay của công ty.
Theo tờ trình, HVG sẽ thoái toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (mã chứng khoán: AGF, vốn điều lệ AGF là 281 tỷ đồng). Phương thức thực hiện là HVG sẽ tìm đối tác phù hợp để bán toàn bộ số cổ phiếu sở hữu. Hiện tỷ lệ sở hữu tại AGF của HVG là 79,58%.
Tiếp đó, HVG sẽ thoái hết 50,38% cổ phần đang sở hữu tại Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (mã chứng khoán: VTF, vốn điều lệ 1.045 tỷ đồng).
Thêm nữa, HVG sẽ bán sạch cổ phần tại Công ty CP Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long (vốn điều lệ: 80 tỷ đồng). Tỷ lệ sở hữu của HVG tại doanh nghiệp này là 89,99%.
Cuối cùng, HVG sẽ thoái 85% vốn tại Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á - vốn điều lệ 360 tỷ đồng (chủ sở hữu kho lạnh Hùng Vương). Phương thức thực hiện là bán toàn bộ công ty hoặc sẽ bán kho lạnh.
Theo HVG, toàn bộ số tiền thu về được từ việc thoái vốn trên sẽ dành cho việc thanh toán các khoản nợ hiện tại của doanh nghiệp.
Công ty CP Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu là 32 tỷ đồng. Ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu.
Ông Dương Ngọc Minh một thời nổi tiếng với biệt danh "vua cá tra" cùng với khẩu hiệu "Think of fish, eat panga!" (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra).
Khối nợ nghìn tỷ của Công ty CP Hùng Vương
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, tháng 1/2007, HVG trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 120 tỷ đồng và nâng lên 250 tỷ để hợp nhất các công ty con và đầu tư kho lạnh tại KCN Tân Tạo, TPHCM với công suất 12.000 tấn kho.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, đến 2009, vốn điều lệ của HVG đã tăng lên gần 600 tỷ đồng và là nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra có mô hình sản xuất chế biến khép kín hàng đầu Việt Nam về quy mô hoạt động, kim ngạch xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Cũng trong năm 2009, công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM với mã cổ phiếu HVG.
Từ năm 2009, công ty đã sở hữu 7 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu sang 27 nước EU và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc... HVG còn sở hữu hệ thống kho lạnh lớn nhất Việt Nam (thời điểm đó) với sức chứa 42.000 tấn tại KCN Tân Tạo, cùng hơn 150 ha diện tích nuôi trồng đảm bảo 50% nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của HVG.
Với tham vọng chiếm 25 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, từ trước đó, HVG đã tư rất mạnh vào các vùng nuôi cá nhằm tự cung cấp về nguồn cung cấp nguyên liệu cá da trơn cho các nhà máy chế biến thủy sản.
HVG mua lại Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Việt Đan với công suất cả trăm ngàn tấn/năm, mua cổ phần Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) để trở thành cổ đông chiến lược, mua cổ phần Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán: FBT) từ SCIC, tăng sở hữu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã chứng khoán: AGF) lên 51.
Ngoài ra, HVG còn góp vốn mua cổ phần của Công ty CP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Tắc Vân - một doanh nghiệp chuyên về chế biến tôm mực xuất khẩu tại Cà Mau. HVG còn lấn sân sang bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài.
Tuy nhiên, tham vọng của HVG lại bị lụi tàn, khi đến 2015, có những quý HVG chứng kiến doanh thu tăng nhưng lãi vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng. Vị trí của HVG trong ngành cũng tụt giảm. Trong khi Minh Phú lên vị trí số 1, Vĩnh Hoàn số 2 thì Hùng Vương tụt xuống thứ 10.
Từ vị trí top 10 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, ông Dương Ngọc Minh ra khỏi top 50 và phải gánh nặng nợ nần.
Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, HVG có số nợ phải trả hơn 7.134 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) là hơn 3.000 tỷ đồng. Lúc đó, số lỗ lũy kế của HVG đã lên tới 1.743 tỷ đồng.
Vân Anh(T/h)