+Aa-
    Zalo

    Mùa thi ở châu Á hay cuộc chạy đua quyết liệt của các bậc phụ huynh?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với một nền văn hóa coi trọng giáo dục và khoa cử, không ngạc nhiên khi mùa thi ở mỗi quốc gia Đông Nam Á đều trở thành cuộc đua của các bậc phụ huynh.

    Với một nền văn hóa coi trọng giáo dục và khoa cử, không ngạc nhiên khi mùa thi ở mỗi quốc gia Đông Nam Á đều trở thành cuộc đua của các bậc phụ huynh.

    Giáo dục là một lĩnh vực được coi trọng và quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới nhưng sẽ hiếm có nơi nào phụ huynh đầu tư và ganh đua với nhau khốc liệt như tại khu vực Đông Nam Á – nơi một tấm bằng giỏi hay một bảng điểm đẹp đôi khi là giấc mơ đổi đời hay thậm chí là danh dự của cả gia đình, dòng họ.

    Cuộc đua bắt đầu ngay từ bậc mẫu giáo…

    Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Kết nối Trẻ em (EACD) tại Singapore, 99% trẻ em dưới 7 tuổi tại đây đều dành ít nhất một năm để học lớp mẫu giáo – nơi các bé sẽ học trước chữ cái, toán học cơ bản và các bộ môn nghệ thuật. Trái ngược với những lời quảng cáo về các hoạt động vui chơi ngoại khóa, hầu hết các bé đều phải học đọc và làm tính cộng thành thạo sau nửa năm.

    Bà Liu, một giáo viên tại hệ thống trường mẫu giáo NTUC hàng đầu Singapore trả lời phỏng vấn trên tờ NST: “Các phụ huynh đều yêu cầu chúng tôi phải dạy trước kiến thức. Đó là nhu cầu chung”.

    Các em bé trong một lớp phụ đạo tại trường mẫu giáo ở Singapore - Ảnh: TODAYOnline

    Quốc gia láng giềng Malaysia cũng có tình trạng tương tự, thậm chí là căng thẳng hơn bởi hệ thống giáo dục quốc gia này cho phép các học sinh xuất sắc học vượt lớp. Một số em đã vào Đại học khi mới 16 tuổi. Điều này khiến các phụ huynh tranh nhau đưa con em tới trung tâm phụ đạo, mong biến con thành “thần đồng”.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, chị Mae Liew (Selangor, Malaysia) – một phụ huynh có con gái đã hoàn thành bậc trung học cơ sở ở tuổi 15, tự hào khoe bảng điểm xuất sắc và thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia của con. Chị Mae Liew cho biết đã mời gia sư riêng tới kèm từ khi con gái chỉ mới 5 tuổi. Khi được hỏi về các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, chính bản thân bà mẹ này lại tỏ ra ngần ngại khi tâm sự do học vượt lớp nên cháu không có nhiều bạn cùng trang lứa.

    … cho đến những kỳ thi kịch tính

    Sau quá trình ganh đua với nhau và đầu tư cho các lớp học phụ đạo, các gia sư dạy kèm từ bậc mẫu giáo, mùa thi chuyển lớp hay đặc biệt hơn, thi tuyển Đại học, Cao đẳng luôn là sự kiện có tính chất đặc biệt quan trọng với các bậc phụ huynh.

    Một cuộc biểu tình phản đối áp lực thi cử tại Hong Kong vào năm 2013 sau nhiều vụ tự tử của các thí sinh - Ảnh: Albert Chan

    Ở Hong Kong, kỳ thi tuyển vào Đại học (DSE) đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, sinh viên cả trước và sau khi đã trải qua.

    Tại kỳ thi năm 2013, có đến 71 học sinh tự sát do không chịu nổi áp lực từ cha mẹ và căng thẳng do quá tải đã làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng sức khỏe tinh thần của những thí sinh. Một số cuộc biểu tình tại nơi công cộng không làm thay đổi tình hình.

    Đầu năm 2018, Hongkongfp dẫn lời một sinh viên trước kỳ thi tâm sự: “Những ai không thi đỗ chắc chắn sẽ làm xấu mặt gia đình, sẽ bị phân biệt đối xử, sẽ trở thành kẻ vô dụng”.

    Nếu các gia đình ở thành phố mơ ước con em giành được học bổng du học nước ngoài để có danh tiếng thì phần lớn phụ huynh ở nông thôn lại mong muốn các em đỗ đại học hàng đầu để đổi đời. Mỗi mùa thi ở Việt Nam, không khó để bắt gặp những câu chuyện gia đình ở quê sẵn sàng bán cả gia súc, ruộng vườn cho con đi học ở thành phố để có tương lai tốt đẹp. Điều tương tự cũng diễn ra ở Thái Lan, nơi những học sinh thủ khoa sẽ được trường học vinh danh bằng cách treo ảnh trước toàn trường.

    Áp lực và kỳ vọng rất lớn đôi khi trở thành sự ganh tỵ giữa các bậc phụ huynh hay thậm chí là danh dự của một gia đình. Có hàng trăm lý do cho cuộc chạy đua bất tận ấy song một bảng thành tích liệu có phải là tất cả?

    Và những “hy vọng của cha mẹ” sẽ ra sao?

    Giữa mù mịt những kỳ thi, những lớp học thêm và vô số kiến thức, các em học sinh có thực sự hiểu mục đích quan trọng nhất của giáo dục là gì? Ngoài hiểu biết văn hóa tốt, một con người bước chân vào đời còn cần có kỹ năng mềm để kết nối, trí óc nhạy bén để giải quyết hàng trăm vấn đề không có trong sách, sự tự tin để đối mặt với khó khăn.

    Thiếu những điều đó, tấm bằng đẹp đôi khi không mang đến điều gì khác ngoài thất nghiệp – tình trạng chung của rất nhiều cử nhân tại Đông Nam Á.

    Ở Việt Nam, một kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nữa lại đến với rất nhiều ước mơ và hi vọng của các gia đình, của các học sinh. Nhưng cánh cổng trường Đại học chắc chắn không phải con đường duy nhất dẫn các em đến thành công cũng như yêu thương của cha mẹ xin đừng trở thành áp lực đè nặng trên những tâm hồn mới bước vào đời.

    Thu Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-thi-o-chau-a-hay-cuoc-chay-dua-quyet-liet-cua-cac-bac-phu-huynh-a235299.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan