(ĐSPL) - Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, các sỹ tử tiếp tục rơi vào vòng xoáy ôn thi với những áp lực nặng nề. Gánh nặng "vượt vũ môn" khiến không ít sỹ tử, phụ huynh học sinh lo lắng, bất an và tìm đến thuốc bổ, thuốc tăng cường trí nhớ… Đây chính là cơ hội để một số cửa hàng thuốc trục lợi khi giới thiệu một số loại thuốc không nằm trong danh mục của Bộ Y tế, được cho là có tác dụng tăng cường trí nhớ.
Đổ xô tìm mua thuốc tăng trí nhớ
Còn khoảng hai tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu, nhưng những ngày này nhiều học sinh đã bắt đầu khởi động "chiến dịch" tăng cường sức lực, trí lực cho mình. Một trong những phương pháp được phụ huynh, học sinh truyền tai nhau là sử dụng các loại thuốc tăng cường trí nhớ tức thời. Một số học sinh trường THPT N.T.H. (Tân Bình, TP.HCM) cho biết, các loại thuốc trên được bày bán rất nhiều tại các tiệm thuốc tây trên địa bàn thành phố.
|
Mùa thi, coi chừng "sập bẫy"... thuốc tăng cường trí nhớ. |
Em Triệu Hoàng Nam (SN 1996, ngụ P.9, Q.Gò Vấp), học sinh trường THPT N.T.H. cho biết, có thể tìm mua các loại thuốc này từ internet, hoặc các tiệm thuốc trong thành phố. Nam nói: "Học nhiều quá lại thêm việc ôn thi nữa nên em hơi mệt. Ban đầu, mẹ cho em uống thường xuyên thuốc bổ mắt nhưng thấy dạo này em hay thức khuya sợ trí nhớ em sụt giảm nên cho uống thuốc bổ não. Nói chung, em chưa thấy tác dụng gì khác lạ nhưng cứ nghĩ uống nhiều sẽ giúp mình nhớ lâu, nhớ được nhiều hơn".
Một nhân viên tại tiệm thuốc tây trên đường 3/2, Q.10 quảng cáo: “Thuốc tăng cường trí nhớ có rất nhiều loại, nhiều giá cả. Tuy nhiên, tác dụng chung của chúng là tăng cường trí nhớ, tăng hoạt động của hệ thống thần kinh, làm tinh thần tỉnh táo”.
Mặc dù các loại thuốc này không được khuyến khích sử dụng cho học sinh, sinh viên nhưng các tiệm thuốc tây đều khẳng định, những loại thuốc này có thể giúp học sinh, sinh viên tăng cường trí nhớ, hoạt động của thần kinh trong thời gian nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc căng thẳng. Và những lời khẳng định này càng làm tăng thêm "niềm tin" cho những người sử dụng.
Chị Phạm Phương Lan Anh (39 tuổi, ngụ P.8, quận Tân Bình) cho biết: "Trước đây không riêng gì cháu nhà tôi mà bản thân tôi cũng bị suy nhược thần kinh trầm trọng do căng thẳng trong công viêc, cuộc sống. Tôi được bạn bè giới thiệu mua thuốc Ginkgo biloba (một loại thuốc tăng cường trí nhớ-PV) tôi cảm thấy trí nhớ thay đổi hẳn và không có tác dụng phụ nào hết".
Cũng theo chị Anh, không riêng gì các em học sinh, sinh viên, nhiều phụ huynh học sinh cũng tin vào việc các loại thuốc tăng cường trí nhớ. Trong khi các em học sinh đổ xô tìm mua, đặt hàng các loại thuốc trên mạng internet, phụ huynh học sinh lại tìm mua tại các tiệm thuốc tây. Hiện nay, trước mùa thi, thuốc tăng cường trí nhớ trở thành một loại biệt dược được các em học sinh, sinh viên săn đón, sử dụng mà không nghĩ đến sự nguy hiểm tiềm ẩn của loại thuốc này.
Thuốc dành cho... bệnh nhân tâm thần?
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng, bác sỹ lại tỏ ra lo ngại. Các bác sỹ thuộc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM khẳng định không có thuốc nào làm tăng trí thông minh mà chỉ có thuốc hỗ trợ, điều hòa các chức năng của trí tuệ. Khi dùng thuốc cũng có thể gặp các triệu chứng toàn thân (mệt mỏi), tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng), khi dùng liều cao có thể gây rối loạn giấc ngủ.
|
Áp lực mùa thi khiến học sinh tìm đến "thần dược" tăng cường trí nhớ. |
Đặc biệt là khi sử dụng các loại thuốc này cần phải theo sự hướng dẫn của các bác sỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, với mục đích tăng cường trí nhớ tức thời, các sỹ tử hiếm khi sử dụng các loại thuốc trên theo toa của bác sỹ mà chỉ tùy tiện đặt mua trên mạng, hoặc tại các tiệm thuốc tây.
Theo khảo sát tại các cửa hàng thuốc tây trên địa bàn thành phố, các loại thuốc được sỹ tử "chỉ mặt đặt tên" gọi là thuốc tăng cường trí nhớ ngoài một số sản phẩm của đông y có tác dụng hỗ trợ thần kinh, phần còn lại đều dùng cho người có bệnh về thần kinh chứ không hề dành cho học sinh ôn thi. Các loại thuốc được nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn như: Ritalin, Amphetamine, Bicimax... đều được chỉ định điều trị các rối loạn thần kinh. Các bác sỹ cho biết, nếu sử dụng các loại thuốc trên một cách thiếu hiểu biết với liều lượng cao có thể bị kích thích quá mức, run rẩy, sốt cao, tăng huyết áp, tim đập nhanh kích động, tăng phản xạ, lú lẫn mê sảng, thậm chí bị loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi.
Thậm chí, các bác sỹ thuộc bệnh viện Tâm thần TP.HCM còn khẳng định, hầu hết những thuốc nằm trong danh mục thuốc "hướng thần" đều có khả năng gây nghiện nếu người sử dụng không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, dùng không đúng chỉ định của các bác sỹ chuyên khoa. Do đó, việc sử dụng các loại thuốc tăng cường trí nhớ tùy tiện với mục đích kích thích não bộ, hệ thần kinh để học bài mau thuộc, nhớ bài lâu, thông minh, sáng tạo hơn như một số học sinh, sinh viên lầm tưởng là hết sức nguy hiểm.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Nhân, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội đưa ra lời khuyên: "Thay vì tìm mua các loại thuốc chưa được khẳng định là có tác dụng tăng cường trí nhớ thì chúng ta nên sử dụng các loại rau củ quả, thực phẩm, những bài thuốc cổ truyền có khả năng tăng cường vitamin tốt cho hệ thần kinh. Ngoài ra, chúng ta nên có một chế độ học tập, rèn luyện thể dục thể thao hợp lý để đảm bảo sức khỏe não bộ hơn là trông chờ, lệ thuộc vào các loại thuốc tây, nếu không cẩn trọng sẽ rơi vào thảm cảnh tiền mất tật mang".
Không nên phụ thuộc vào thuốc Bác sỹ Hồng Thanh (công tác tại một trung tâm tưvấn sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM) cho biết: "Các loại thuốc vừa được nêu trên không dùng để duy trì, tăng cường trí nhớ. Học sinh không nên sử dụng các loại thuốc này. Tốt nhất, để tăng cường trí nhớ cho học sinh trong những ngày thi, phụ huynh nên cho các em uống vitamin, cho các em tập thể dục thường xuyên, luyện tập, đưa ra một chế độ học tập, nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý như ăn, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, sử dụng các chất gây nghiện, kích thích,... Bên cạnh đó, phụ huynh cần quan tâm và tạo tâm lý thoải mái cho các em học tập". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-thi-coi-chung-sap-bay-thuoc-tang-cuong-tri-nho-a28801.html