Hàng loạt chuyến bay bị huỷ
Đối với nhiều khách du lịch sử dụng dịch vụ hàng không Mỹ, họ đang trải qua một mùa hè của sự bất mãn. Các chuyến bay lần lượt "bốc hơi" khỏi lịch trình, một số chuyến bị huỷ vào phút chót do các hãng hàng không không đủ khả năng cung cấp dịch vụ. Chỉ trong 2 ngày 2 và 3/7 (giờ địa phương), hơn 1.500 chuyến bay đã bị huỷ.
Sự bất tiện này xảy ra vào đúng thời điểm người Mỹ chuẩn bị bước vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 4/7.
Trong đó, Delta Air Lines đã buộc phải cắt giảm khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày so với lịch trình vào tháng 7 để "giảm thiếu tối đa sự gián đoạn này" và đã phải từ chối khởi hành vào ngày 4/7 do hãng này đang chứng kiến lượt hành khách "cao chưa từng thấy kể từ trước đại dịch".
Trong khi đó, Air Canada cho biết họ sẽ hủy tới 10% các chuyến bay trong tháng 7 và tháng 8, tương đương với khoảng 150 chuyến mỗi ngày.
Tại các sân bay, hình ảnh hành khách phải xếp thành hàng dài ra khỏi cửa nhà ga hoặc cắm trại ở sảnh khởi hành ngày càng trở nên quen thuộc vì sự chậm trễ của công tác an ninh, làm thủ tục và nhập cảnh.
Nhiều hành khách bày tỏ sự bối rối vì được yêu cầu tới sớm trước giờ bay để làm thủ tục nhưng lại được yêu cầu không nên có mặt quá sớm. Trong tuần qua, Sân bay Schipol của Amsterdam (Hà Lan) đã phát thông báo: "Vui lòng lưu ý rằng các bạn chỉ được chào đón tại sảnh khởi hành 4 giờ trước chuyến bay của mình".
Một vấn đề khác gây ra sự hỗn loạn và về hành lý. Những hình ảnh ghi lại tại sân bay Heathrow ở London (Anh) cho thấy những đống túi hành lý khổng lồ đã trở thành biểu tượng cho trải nghiệm đáng thất vọng của nhiều người đi máy bay khi cố gắng lấy lại tài sản đã mất hoặc phải chờ đợi nhiều ngày để được nhận lại hành lý.
Không thể giải quyết trong ngắn hạn
Nhìn chung, đi lại bằng máy bay vốn là một cơn ác mộng và tại thời điểm này, đây thậm chí là một canh bạc. Và điều đáng nói là mùa cao điểm du lịch chỉ mới bắt đầu.
Rõ ràng là biện pháp cải thiện sẽ khó có thể được đưa ra một cách nhanh chóng. Trong tuần qua, hãng hàng không Đức Lufthansa đã gửi email cho hành khách lưu ý rằng tình hình "khó có thể cải thiện trong ngắn hạn", nói thêm rằng mọi thứ sẽ chỉ ổn định lại khi tới mùa đông.
Ngay cả khi vấn đề chủ yếu liên quan đến sân bay, điều đó cũng sẽ vẫn dẫn đến việc các chuyến bay bị hoãn và hủy bỏ. Hãng hàng không Hà Lan KLM gần đây đã buộc phải huỷ tất cả các chuyến bay từ châu Âu đến Amsterdam vì sân bay quá tải.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là vấn đề về nhân sự.
Trong hầu hết mọi trường hợp, vấn đề được đặt ra là có quá nhiều nhân sự kinh nghiệm đã rời đi trong đại dịch - bị sa thải hoặc tự nguyện nghỉ việc - và các hãng hàng không, sân bay và các bộ phận quan trọng khác của hệ thống hàng không đã không thể thuê đủ người để lấp đầy chỗ trống này.
Một vấn đề đặt ra là về trình độ. Các hãng hàng không và các sân bay đều hiểu rằng một người cần phải được đào tạo đầy đủ mới có thể nhận được tấm thẻ an ninh để lên máy bay hoặc làm việc tại sân bay.
Ở Anh, một thực tế khác được đặt ra là họ không thể thu hút được nhân lực từ Liên minh châu Âu sau Brexit.
Addison Schonland, đối tác tại công ty báo cáo và phân tích hàng không AirInsight, nhận xét các lĩnh vực có khả năng bị ảnh hưởng bao gồm "bất kỳ bộ phận nào của hệ thống du lịch hàng không có nhân viên".
Ông Schonland nói: "Sa thải thì rất dễ dàng, nhưng tìm một người khác đảm bảo trình độ mới là khó. Các hãng hàng không Mỹ nói riêng cũng nổi tiếng là những nhà tuyển dụng không đáng tin cậy, do chu kỳ bùng nổ và phá sản, cộng với công việc đòi hỏi những người có kỹ năng và đang thử việc. Những người này hiện đang có nhiều cơ hội khác hấp dẫn hơn".
Minh Hạnh (Theo CNN)