(ĐSPL) – Theo số liệu từ nhóm ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện đang xếp vị trí 78 trong tổng số 189 quốc gia, kém xa Malaysia (18) và Thái Lan (26) nhưng vẫn cao hơn Trung Quốc (90).
Hôm 29/10 vừa qua, nhóm ngân hàng thế giới bao gồm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC, Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương - MIGA… đã phát đi báo cáo thường niên về chỉ số Môi trường kinh doanh thuận lợi (Doing Bussiness) lần thứ 12.
Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát từ 189 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới với nhiều chỉ số đánh giá như đăng ký tài sản, vay vốn, xin phép xây dựng, thực hiện hợp đồng, khởi sự kinh doanh, kết nối điện, bảo vệ nhà đầu tư, giải quyết phá sản…
Theo báo cáo này từ nhóm ngân hàng thế giới, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 của Việt Nam chỉ đứng thứ 78 – tụt 6 hạng so với vị trí 72 năm 2014 (theo cách tính mới), kém xa Malaysia (18) và Thái Lan (26)... Tuy nhiên, thứ hạng này của Việt Nam vẫn cao hơn so với Trung Quốc (90).
Các nước cùng khu vực Đông Nam Á, Singapore vẫn xứng đáng vị trí trung tâm tài chính hàng đầu thế giới khi xếp vị trí đầu tiên, ngoài Malaysia, Thái Lan thì các nước còn lại xếp vị trí khá khiêm tốn: Indonesia (114) Campuchia (135) và Lào (148).
Báo cáo cũng cho thấy, một số chỉ tiêu Việt Nam đạt thứ hạng khá cao như như đăng ký tài sản (33), vay vốn (36), xin phép xây dựng (22), thực hiện hợp đồng (45)… Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ bù đắp so với các chỉ tiêu khác như khởi sự kinh doanh (125), kết nối điện (135), bảo vệ nhà đầu tư (117) giải quyết phá sản (104).
Cụ thể báo cáo thống kê, thời gian nộp thuế ở Việt Nam đứng thứ 173 thế giới với 872 giờ và tổng mức thuế phải nộp lên tới 40,8\% lợi nhuận; thời gian để được kết nối điện là 115 ngày; xin cấp phép xây dựng cần 114 ngày, giải quyết thủ tục phá sản cần tới 5 năm và doanh nghiệp cần trung bình 872 giờ mỗi năm để nộp thuế.
Giải thích về việc Việt Nam liên tục tuyên bố cải cách nhiều năm nay nhưng vẫn bị tụt hạng trên báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Minh Thảo - Phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng có thể các nước đều cải cách và tốc độ cải cách của Việt Nam chậm hơn. Ngoài ra, báo cáo sử dụng số liệu có độ trễ khoảng hai năm.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng công nhận có nhiều cải cách mà các cơ quan chức năng Việt Nam tính toán giảm được thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp nhưng nhóm đánh giá của Ngân hàng Thế giới không công nhận như trường hợp Bảo hiểm xã hội gần đây.
Riêng về cải cách thuế, mới đây Văn phòng Chính phủ đã công bố kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Theo đó Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2014, ngành thuế cần giảm thời gian thực hiện thủ tục khai, nộp của doanh nghiệp còn không quá 300 giờ một năm. Đến năm 2015, con số này phải đạt ngang mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ, đồng thời số lần nộp cũng được yêu cầu giảm tối thiểu bằng với mức trung bình khu vực.