(ĐSPL) - "Tôi được biết là các cơ quan quản lý đã vào cuộc kiểm tra, thanh tra và chúng tôi cũng đang chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng", Đinh Thị Mỹ Loan cho biết.
Trong suốt 12 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam được nhà nước cấp phép giấy tờ đăng ký kinh doanh dưới hình thức bán buôn. Nhưng trên thực tế, tại các siêu thị này vẫn ngang nhiên triển khai chương trình bán lẻ. Điều này gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Trước vấn đề này, trả lời trên tờ Infonet, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam xác nhận: Hiện tượng này đã và đang diễn ra tại Metro Việt Nam.
Theo đó, bà Loan cho rằng: Bên cạnh việc triển khai dịch vụ bán buôn như đã đăng ký đầu tư kinh doanh, thì Metro Việt Nam vẫn song song triển khai hoạt động dịch vụ bán lẻ. Tuy là bán buôn, nhưng Metro Việt Nam vẫn bán lẻ thông qua hình thức để người mua hàng thoải mái, không kiểm tra và làm hóa đơn dưới hình thức hộ kinh doanh có thẻ cho các cá nhân mua bán.
Tuy là bán buôn, nhưng Metro Việt Nam vẫn bán lẻ thông qua hình thức để người mua hàng thoải mái, không kiểm tra và làm hóa đơn. |
"Chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp về việc này, và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã có ý kiến chính thức gửi các cơ quan quản lý Nhà nước, yêu cầu thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh của Metro. Tôi được biết là các cơ quan quản lý đã vào cuộc kiểm tra, thanh tra và chúng tôi cũng đang chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng", Đinh Thị Mỹ Loan cho biết thêm.
Trước thương vụ mua lại Metro của tý phú Thái Lan, nhiều người lo ngại rằng hàng hóa Thái Lan sẽ thống lĩnh thị trường Việt, để làm rõ vấn đề này, trả lời trên VTV, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú cho biết: "Tôi cho rằng đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Bởi vì chúng ta đang khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, mà nếu không có quy định như một số nước như nếu thâm nhập vào thị trường nước ngoài, tối đa mặt hàng anh được bán là bao nhiêu phần trăm và bao nhiêu phần trăm hàng nội địa thì phải có quy định cụ thể. Như vậy, sẽ khuyến khích được sản xuất trong nước và giữ được hàng Việt. Vấn đề này chúng ta nên tham khảo và có những kiến nghị cụ thể".
Trước thực tế người Việt ngày nay đang có xu hướng ưa chuộng hàng Thái Lan, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: "Phải nói rằng Thái Lan có ý định thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ rất lâu rồi, từ hội trợ, từ phát triển du lịch, từ việc tổ chức các đại lý hàng Thái khắp cả nước. Thậm chí, có những dãy phố có tới hàng chục cửa hàng bán hàng Thái. Chúng ta phải nhìn nhận sự thậm nhập này là một các chuyên nghiệp, mạnh mẽ, từng bước và khâu phân phối là khâu cuối cùng. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần có chính sách phù hợp để đảm bảo cân bằng thị trường trong nước".
Việc 12 năm đầu tư tại Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam liên tục kêu lỗ và chưa từng đóng một đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo lẽ thường, khi lỗ doanh nghiệp phải co cụm tuy nhiên Metro thì ngược lại, liên tục phát triển đến nay đã có đến 19 trung tâm siêu thị trải từ Bắc vào Nam. Chính điều này khiến dư luận đặt nghi vấn Metro chuyển giá trốn thuế.
Để làm rõ nghi vấn có hay không việc chuyển giá của công ty, tờ VTV dẫn lời bà Trần Thị Lệ Nga - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.TPHCM, nơi quản lý hoạt động thuế của Metro cho biết: "Từ khi công ty Metro Việt Nam hoạt động đến nay, cơ quan thuế bao gồm Tổng cục thuế, Cục thuế đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại công ty đến hết năm 2011.
Qua số liệu báo cáo của công ty đã được cơ quan kiểm toán, Kiểm toán cũng như qua tình hình kiểm tra chấp hành pháp luật thuế của cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh của công ty, đến nay, kết quả kinh doanh của công ty vẫn lỗ. Tức là doanh thu chưa bù đắp được các giá vốn và chi phí do công ty bỏ ra dẫn đến kết quả kinh doanh bị lỗ".
Nói về khoản thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Metro Việt Nam cho tỷ phú người Thái Lan - Dhanin Chearavanont, Chủ tịch kiêm CEO của C.P Group, bà Trần Thị Lệ Nga cho rằng: "Thông tin về việc chuyển nhượng vốn là quyết định của nhà đầu tư được thực hiện ở nước ngoài và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng tại Việt Nam, đến thời điểm này chưa thực hiện một thủ tục pháp lý nào có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi công ty Metro Việt Nam có thực hiện việc chuyển nhượng vốn thì phải làm các thủ tục tại các cơ quan đã cấp phép đầu tư cho mình như Sở Kế hoạch và Đầu tư để thay đổi về chủ đầu tư hay thay đổi về chuyển nhượng vốn. Theo quy định về mặt thuế, khi có phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn, công ty phải lập hóa đơn giá trị gia tăng".