Câu nói của đứa con gái duy nhất như bóp nghẹn trái tim của chị. Thương con chịu nỗi đau của bệnh tật, chị chỉ mong kiếm đủ tiền cho con chữa bệnh bằng cách vật lộn với cái nghề nam nhi còn than mệt huống gì nữ.
Ghé thăm ngõ 216, Hà Huy Tập, TP Vinh (Nghệ An), khi chúng tôi hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Thanh, nhiều người lắc đầu cho biết: “2 mẹ con cái Thanh khổ lắm. Nghe đâu quê ở Đô Lương nhưng hai mẹ con lại dắt díu đưa nhau xuống đây ở trọ đấy. Mẹ đi làm phụ hồ cho người ta nhưng cũng bữa đực bữa cái vì con bé bị bệnh thiếu máu huyết tán thường lên cơn đau”.
Trong căn phòng đầy xi măng, sắt thép, em Nguyễn Thị Dung nằm co quắp trong góc giường, thỉnh thoảng lại nấc lên: “Mẹ ơi cứu con”. Nghe tiếng con, chị Thanh ném vội chiếc xe, cái xẻng đang làm việc chạy vội vào mà xoa bụng cho con. Vừa xoa chị vừa kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của mình.
Mẹ con chị Thanh đang trú tạm trong căn phòng trọ bụi bặm và chật hẹp. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con ở mảnh đất Giang Sơn Tây của huyện Đô Lương (Nghệ An), từ nhỏ chị đã thiệt thòi hơn chúng bạn vì cha mất sớm, mẹ lại đau ốm triền miên. Bước vào tuổi cập kê, chị đồng ý trao thân gửi phận cho một người đàn ông ngoại tỉnh. Trong cái nghèo, cái đói nhưng ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị luôn đầy ắp tiếng cười. Năm 1998, gia đình chị đón thêm một thành viên mới là cháu Nguyễn Thị Dung, niềm vui được nhân lên gấp bội. Những tưởng cuộc sống sẽ trôi qua êm đềm như thế nhưng nào ngờ đâu ông trời lại khéo trêu ngươi.
Năm 2008, sau một trận ốm, Dung thường xuyên đau yếu. Để cứu con, chị đã đi hết thầy này, sang thầy kia nhưng chữa mãi không khỏi. Thế là anh chị đành ôm con lên bệnh viện. Từ trạm xá, bệnh viện huyện cho đến bệnh viện tỉnh, bệnh tình của Dung vẫn chưa được xác định. Chắt bóp với miếng ăn của gia đình, bán ít tạ lúa, chị quyết đưa con ra Hà Nội khám. Sau nhiều lần làm xét nghiệm tại bệnh viện nhi Trung ương, cầm trên tay tờ thông báo kết quả chị như lịm đi: “Nguyễn Thị Dung mắc bệnh thiếu máu huyết tán”. Đã nghèo nay lại nghèo hơn, căn nhà nhỏ có gì vợ chồng chị bán hết, quần quật cả ngày chỉ mong kiếm đủ tiền cho con chữa bệnh.
Trong căn phòng đầy xi măng, sắt thép, em Nguyễn Thị Dung nằm co quắp trong góc giường, thỉnh thoảng em lại nấc lên: “Mẹ ơi cứu con”. |
Bố bỏ đi khi hay tin con bị bệnh
Thế nhưng cái nghèo dường như làm con người ta thay đổi, nhìn căn nhà trống trơn chỉ độc nhất chiếc giường khiến chồng chị Thanh chán nản, anh quyết định đi làm ăn xa rồi cũng biệt tích từ đó. Chị ôm con chờ chồng ngày này sang tháng khác.
Chờ mãi, hi vọng ngày anh về với mẹ con chị cũng lụi dần, chị tự dặn lòng mình phải mạnh mẽ, phải vì con mà sống. Những đêm nhìn con ngủ nước mắt chị chực trào ra. Quyết không để cho con mang bệnh, chị phải vay chỗ này, mượn chỗ nọ được ít tiền dồn cả vào bệnh tình của Dung.
Tiền cũng cạn dần nhưng căn bệnh thiếu máu huyết tán vẫn bám lấy khiến em không còn đủ sức khỏe để tiếp tục đến lớp như các bạn đồng trang lứa. Ước mơ đèn sách cũng khép lại khi em vừa bước vào lớp 4.
Sau nhiều lần xét nghiệm tại bệnh viện nhi Trung ương, cầm trên tay tờ thông báo kết quả chị như lịm đi: “Nguyễn Thị Dung mắc bệnh huyết tán” |
“Lúc đó con bé nhà tôi đau suốt, ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Cứ lúc nào con đau tôi lại đưa cháu vào viện, được mấy hôm nó đòi về đi học. Thế lại về được vài ba hôm, lại vào bệnh viện. Lúc nào ở lâu nó cứ hỏi tôi: “Bao giờ thì bác sĩ cho con ra viện hả mẹ. Hay mẹ xin các bác cho con về nhà để con đi học mẹ nhé". Con bé ham học lắm... nhưng giờ nó bệnh tật thế này rồi thì không biết phải làm sao nữa", chị Thanh tâm sự trong nước mắt.
Cuộc sống càng ngày càng vất vả đè nặng lên đôi vai chị. Để trang trải cuộc sống, chị đành gửi con cho ông bà ngoại để làm nghề ô sin cho một gia đình dưới thành phố Vinh. Số tiền ít ỏi kiếm được từ nghề giúp việc, chị gửi cả về cho mẹ (bà ngoại) để chăm sóc con mình.
Rồi cũng chỉ được một thời gian, Dung thường xuyên lên cơn đau nên chị Thanh phải bỏ việc về quê lo chạy chữa cho con và lại đi viện thăm khám. Khi mọi thứ đau khổ đang bấu víu lấy chị, bệnh thiếu máu huyết tán của Dung chưa khỏi thì bệnh khác đã ập tới. Một lần nữa chị Thanh lại nấc lên khi nghe bác sĩ thông báo bé Dung có lá lách to và gan to hơn bình thường và đề nghị chị nhập viện để cắt lá lách cho bé Dung.
Trong người không một xu dính túi, chị đành ôm con về quê tìm cách chạy chữa. Thương con, chị theo người em trai đi làm phụ hồ, cái việc mà nam nhi còn than mệt huống gì một người phụ nữ nhỏ nhắn như chị.
“Cứ nghĩ tới con thì dù có mệt mỏi tới mấy tôi cũng làm. Mấy ngày đầu làm về tay chân như rã rời không còn bước nổi. Nhưng sau cũng quen dần. Vất vả tới mấy tôi cũng làm chỉ mong kiếm đủ số tiền cho con bé phẫu thuật. Lúc đầu tôi để bé ở nhà nhưng cứ dăm, ba hôm lại phải về, nay tôi mang con bé xuống đây ở cùng. Lúc nào con bé đau còn chạy đi chạy lại cho thuận tiện. Với lại ở dưới thành phố bệnh viện cũng hiện đại hơn ở quê”, chị Thanh tâm sự.
Giữa thành Vinh tấp nập 2 mẹ con chị Thanh khép mình trong căn phòng nhỏ nơi công trường đầy cát bụi. Cảm thương cho hoàn cảnh của chị, chủ nhà nơi chị làm, đã thuê cho hai mẹ con một căn phòng nhỏ để chị có chỗ chui ra chui vào, có nơi cho bé Dung nằm nghỉ. Ban ngày, chị ra công trường phụ hồ cho người ta. Lo con bé ở nhà lúc lên cơn đau không ai hay biết chị mang theo con tới nơi làm việc.
“Đi mô tôi cũng đưa nó theo cùng, làm ngoài này còn con bé nằm trong kia. Khi con đau tôi còn biết mà chạy vào..." chị Thanh chia sẻ. |
“Đi mô (đâu - PV) tôi cũng đưa nó theo cùng, làm ngoài này còn con bé nằm trong kia. Khi con đau tôi còn biết mà chạy vào”. Chị làm quần quật cả ngày. Sáng chị Thanh làm hồ tới 9h lại vội vàng ra chợ mua đồ nấu ăn cho cả tổ thợ. Buổi trưa người ta nghỉ ngơi chị lại một mình rửa chén bát dọn dẹp bếp núc. Chiều lại tiếp tục công việc của một người thợ phụ hồ. Tối đến, chị lại trở về làm người phụ nữ của gia đình lo cho con từng thìa cơm viên thuốc. Vất vả là thế nhưng mỗi ngày chị cũng chỉ kiếm được 170.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó không đủ tiền thuốc men mỗi khi con bé lên cơn đau.
"Mỗi lúc con bé lên cơn đau, nớ cứ lăn bên này qua bên khác. Đau quá không chịu nổi nó lại hét lên “mẹ ơi cứu con”, nói mà lòng chị đau quặn thắt. |
“Mỗi lúc con bé lên cơn đau, nớ cứ lăn bên này qua bên khác. Đau quá không chịu nổi nó lại hét lên “mẹ ơi cứu con”. Lắm lúc nó còn bảo mẹ cho con chết đi đau thế này con không chịu được. Nhưng rồi hết cơn đau nó lại an ủi mẹ, Dung chơi ngoan, mẹ kiếm tiền cho Dung chữa bệnh nghe mẹ”, đưa tay lau vội dòng nước mắt chị Thanh chia sẻ.
Trên chiếc giường nhỏ Dung đang đau đớn vì bệnh tật hành hạ. Dù đã 17 tuổi nhưng trông em chỉ như đứa bé lên 5 - 6. Em nặng 24kg, thân hình gầy gò ốm yếu khiến ai nhìn vào cũng phải thương cảm. Cô bé ấy yếu lắm, hơi thở lâu lâu lại ngắt quãng đầy vẻ mệt mỏi. Đôi mắt em hướng về chúng tôi như muốn cầu xin một điều gì đó.
Dù đã 17 tuổi nhưng Dung chỉ như đứa bé lên 9 - 10. Em chỉ nặng 24kg. |
Căn bệnh thiếu máu huyết tán hiểm nghèo lại thêm lá lách to, gan to làm bụng em phình lên trông thấy. Làn da trắng trước đây được thay thế bằng màu vàng nhợt nhạt, khuôn mắt trắng bệch ra. Để duy trì sự sống, bệnh viện quy định mỗi năm Dung phải tới truyền máu 3 lần, mỗi lần số tiền máu cũng lên tới 6 - 7 triệu (1 lần) là quá lớn so với chị Thanh.
Thế nhưng thu nhập chính từ việc phụ hồ của chị cũng chỉ trăm hơn trăm kém, trong khi đó bệnh của bé ngày càng nặng, chị phải ở nhà lo cho con thì biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. Chính vì thế, mỗi năm Dung chỉ được truyền máu một lần, số máu truyền vào chẳng đủ cho thân hình em phát triển. “Tôi cố gắng lắm cũng chỉ đủ cho con bé truyền máu mỗi năm 1 lần thôi. Năm nay tôi được cho hộ nghèo nhưng cái thẻ bảo hiểm của con bé đến nay cũng chưa lấy được. Tôi đang chờ thẻ để đưa con bé vào viện truyền máu, chứ không có thẻ, tiền viện, tiền mua máu gánh không nổi nhà báo à”.
Chị Thanh mẹ cháu Dung bảo: “Năm ngoái con thiếu máu, tôi đưa cháu vào viện mua máu nhưng bệnh viện cũng hết... Giờ con sống chết chỉ biết nhờ vào trời đất phù hộ thôi". |
Sống nhờ vào máu của người khác khiến Dung cũng mệt mỏi. Em chia sẻ: “Năm ngoái người em thiếu máu, mẹ đưa em vào viện mua máu nhưng bệnh viện cũng hết. Em thuộc nhóm máu A chẳng có ai trùng nhóm máu, mẹ phải van xin khắp nơi. Nhiều lúc nhìn mẹ em chỉ ước mình mạnh khỏe để mẹ đỡ vất vả”.
7 năm quần quật đi làm thuê chị chỉ mong một ngày kiếm đủ số tiền 30 triệu cho đứa con gái duy nhất của mình phẫu thuật cắt lá lách để em có được chuỗi ngày bớt đau đớn. Thế nhưng, số tiền đó là quá lớn đối với chị lúc này. Gạt vội dòng nước mắt, chị Thanh nói: “Nhìn con bé lòng tôi đau lắm, làm được bao nhiêu thì dồn cả vào cho con rồi. Giờ tôi sức khỏe còn ổn định, còn làm được tý việc, nhưng không biết một mai sức khỏe yếu đi thì lấy gì cho con bé chữa bệnh. Nhiều đêm nước mắt cứ trào ra ướt đẫm trên gối, nhưng rồi tôi lại tự nhắn nhủ lòng mình phải cố lên để con được sống. Giờ thì 2 mẹ con an ủi nhau, dựa vào nhau mà sống thôi”.
Giấy xác nhận hoàn cảnh của gia đình chị Thanh |
Sức khỏe của Dung sẽ được phục hồi nếu em được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ lá lách và truyền máu theo đúng chu kỳ 3 tháng 1 lần. Nhưng nghĩ đến chi phí chữa bệnh quá lớn tới hàng chục triệu đồng khiến người mẹ nghèo chỉ biết ôm con mà khóc. Nhìn sang chúng tôi, đôi mắt chị Thanh rớm lệ: “Chẳng lẽ không còn cách nào cứu con chị sao hả em?”.
Mọi đóng góp giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Thanh Xóm Quang Trung, xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0949.875.273 |