Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra với bất kỳ ai: Người lớn, trẻ nhỏ, người già, sản phụ... Biểu hiện trên phụ nữ mang thai cũng có các điểm lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng như mọi đối tượng khác.
Hiện nay tại Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng dịch. Thời tiết giao mùa là lúc các loại bệnh như sốt phát ban, tay chân miệng... hoành hành, người già, trẻ con, mẹ bầu là những đối tượng cần chú ý hơn cả.
Theo thông tin từ Báo Phụ nữ TP.HCM, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ít nhất hai thai phụ đã bị hỏng thai, tử vong sau khi mắc sốt xuất huyết. Các chuyên gia đã xây dựng hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết riêng cho nhóm đối tượng này, Bộ Y tế sẽ sớm bổ sung vào phác đồ chính thức.
Bị sốt xuất huyết giai đoạn nào khi mang thai nguy hiểm nhất
Nhiều mẹ bầu không may mắc sốt xuất huyết luôn trong tình trạng lo lắng bởi có khả năng mắc bệnh bất cứ khi nào. Được biết, bà bầu thời điểm bị sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là ở giai đoạn đầu của thai kỳ hoặc trong các tuần cuối trước khi lâm bồn. Giai đoạn này thai nhi dễ bị những biến chứng không mong muốn.
Hơn nữa, khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ cũng yếu, dễ bị virus tấn công. Không chỉ vậy, bệnh này hoàn toàn có thể lây từ mẹ sang con.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, sản phụ mắc sốt xuất huyết ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi vì tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai và băng huyết. Đó là những biến chứng thường gặp và đáng ngại nhất. Tuy nhiên, sốt xuất huyết không gây dị tật thai nhi.
Nguy cơ tiền sản giật, sảy thai thường xảy ra khi mắc sốt xuất huyết ở những tháng đầu thai kỳ. Ở cuối thai kỳ, sản phụ tăng nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân. Đặc biệt lo ngại khi chuyển dạ, sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh, nguy cơ tử vong cả mẹ và con.
Do đó, khi bị sốt xuất huyết, thai phụ nên đi khám ở các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, nhập viện khi cần thiết.
Biến chứng nguy hiểm trong thời gian mang thai và sinh nở
- Giảm tiểu cầu: Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, giảm tiểu cầu mức độ nặng có thể dẫn đến một số biến chứng khi sử dụng những kỹ thuật y khoa giúp bà bầu đẻ không đau trong quá trình sinh.
- Sinh non, em bé nhẹ cân: Sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng.
- Sảy thai: Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu tiên làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
- Xuất huyết: Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao; Tiền sản giật khi mang thai.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết cần phải làm gì?
Theo thông tin từ Vietnamnet, phụ nữ mang thai khi bị sốt xuất huyết cần được chăm sóc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ, tránh chuyển nặng nhanh chóng, bất thường.
- Tăng cường uống nước. Ăn lỏng dễ tiêu, giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giảm cảm giác chán ăn.
- Chú ý đến tình trạng sốt vì sốt có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Khi sốt trên 38 độ C cần hạ sốt bằng Paracetamol 10-15mg/kg cân nặng, chườm ấm, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát.
- Khi sốt dưới 38 độ C chưa cần dùng thuốc, chỉ cần chườm ấm, uống nhiều nước, mặc thoáng mát.
- Sản phụ gần ngày dự sinh mắc bệnh cần được nhập viện để bác sĩ theo dõi, tránh xảy ra tình huống đáng tiếc với cả mẹ và thai nhi.
- Cần đến các cơ sở y tế uy tín ngay khi có triệu chứng để được chẩn đoán sớm.
- Điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi thai phụ nên không tự ý mua thuốc, sử dụng thuốc trong thời gian mang thai.
- Trẻ sơ sinh có mẹ được chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết cần được theo dõi chặt chẽ để hạn chế nguy cơ lây truyền.
Phòng sốt xuất huyết cho mẹ bầu
Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết với bà mẹ mang thai, các bác sĩ khuyến cáo chị em nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi,… để đuổi và diệt muỗi.
Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh.
Các bác sĩ cảnh báo, khi mang bầu, sức đề kháng của người phụ nữ sẽ giảm xuống cho nên dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng như cúm, Rubella, thủy đậu,… Để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con, khi có biểu hiện sốt, chị em có thai cần đi khám ngay, đặc biệt, nếu nghi ngờ sốt xuất huyết phải nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Như Quỳnh(T/h)