Với mẫu viết Thư Upu Lần Thứ 46 Năm 2017, hãy thử làm cố vấn cho Tổng thư ký LHQ, và nêu lên những vấn đề toàn cầu bạn cho rằng cần phải xử lý triệt để. Cùng đọc qua những bài mẫu được đề cập dưới đây và hãy thử viết xem sao.
Chủ để năm nay được LHQ đưa ra cho cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017: Hãy hình dung, nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên hợp quốc mới, bạn sẽ cố vấn cho ngài ấy vấn đề nào của thế giới cần xử lý đầu tiên và giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?
Biểu tượng UPU - Ảnh: Wiki. |
Là cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học dưới hình thức lá thư do Liên mình Bưu chính Quốc tế (gọi tắt là UPU) phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNESCO) và một số tổ chức chuyên môn khác của Liên Hợp Quốc (tùy theo chủ đề hằng năm) tổ chức thường niên dành cho Thiếu niên trên toàn Thế giới.
Việt Nam tham gia cuộc thi từ năm 1969, với nhiều thành tích, cũng như huy chương vàng, bạc và đồng, kể đến như Hồ Thị Hiếu Hiền (Việt Nam)- một trong những thí sinh đoạt giải Nhất Quốc tế - Huy chương vàng năm 2016 vừa qua.
Hồ Thị Hiếu Hiền - thí sinh đoạt giải Nhất Quốc tế. - Ảnh: Wiki. |
Dưới đây là những bài Mẫu viết Thư Upu Lần Thứ 46 Năm 2017 được chọn lọc gửi đến độc giả, giới thiệu dưới đây tập trung vào vấn đề được chọn là nạn đói nghèo.
Bài viết chỉ có giá trị tham khảo về cách thức hành văn, lựa chọn đề tài... Bạn đọc lưu ý chỉ nên vận dụng, ngoài ra cần sáng tạo, sử dụng mọi kiến thức và kỹ năng để có được bài dự thi của chính mình.
BÀI THAM KHẢO SỐ MỘT:
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Thưa ngài António Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc!
Trước hết, tôi xin chúc mừng ngài đã chính thức nhậm chức TTK Liên Hợp Quốc. Đây quả là một chức vụ vinh quang nhưng cũng đầy nặng trách nhiệm và ưu tư.
Là một cố vấn bên cạnh ngài, tôi hiểu ngài muốn bắt tay ngay lập tức vào việc giải quyết các vấn đề nóng của thế giới mà LHQ có trách nhiệm.
Thưa ngài Antonio Guterres,
Trong 10 năm ngài giữ vai trò người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn, tôi biết ngài đã có những nỗ lực không mệt mỏi để giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột, nghèo đói và thiên tai. Ngài vẫn cho rằng nghèo đói là vấn nạn lớn nhất của thế giới hiện nay và phải giải quyết nó cho triệt để thì mới có cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề khác.
Năm 2015, sau khi Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hết hạn, chúng ta đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn từ nay đến 2030, trong đó hai mục tiêu quan trọng nhất được đề cập đến chính là xóa nghèo, xóa đói.
Hiện nay trên thế giới vẫn còn có 836 triệu người sống ở mức nghèo. Cứ 5 người có 1 người sống với dưới 1,25 USD/ngày. Bên cạnh đó, hiện cứ 9 người thì có 1 người không có đủ thức ăn. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là đến năm 2030 sẽ xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi; xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.
Xóa đói giảm nghèo rõ ràng là mục tiêu bao trùm của SDGs bên cạnh các mục tiêu về giáo dục, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường…
Thưa ngài,
Hiện nay tình trạng đói nghèo đặc biệt cao ở hai khu vực là châu Á và châu Phi. Đây là những khu vực có nền kinh tế kém phát triển, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nhiều, và có lịch sử phải trải qua nhiều biến động, chiến tranh.... Để tiến tới xóa đói, giảm nghèo ở các khu vực này, mà trước hết là tình trạng đói nghèo cùng cực, tôi cho rằng việc đầu tiên là phải phát huy được tối đa các nguồn lực tại chỗ, để mỗi người dân là một đại sứ trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Ở Việt Nam - đất nước tôi, nhiều năm qua, chính phủ đã không ngừng nỗ lực giảm tỉ lệ đói nghèo trong nhân dân. Theo tiêu chí cũ, từ 1993, Việt Nam còn 58% hộ nghèo thì đến 2015, giảm còn 4,45%, nếu theo chuẩn nghèo đa chiều tỷ lệ này tương đương với 9,92%. Việt Nam đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ trong bối cảnh toàn thế giới hiện vẫn còn trên 1 tỷ người nghèo, chủ yếu là ở vùng nông thôn.
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam là không thể phủ nhận khi chủ động đưa vấn đề xóa đói giảm nghèo vào các chính sách của Nhà nước, đồng thời vận động, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Song, ở đất nước Việt Nam cũng tồn tại những mô hình hỗ trợ đói nghèo cực kỳ thú vị và hữu ích, mà tôi xin được chia sẻ với ngài dưới đây.
Cuối năm 2011 - 1 nhà báo của Việt Nam - ông Trần Đăng Tuấn có thành lập một dự án nhỏ để giúp các em học sinh ở một vùng dân tộc có thêm những bữa ăn có thịt. Dự án này đã lớn mạnh nhanh chóng ngoài dự kiến ban đầu của những người khởi xướng và Quỹ trò nghèo vùng cao với chương trình trọng tâm "Cơm có thịt" đã ra đời!
Quỹ này hoạt động với lời kêu gọi đơn giản "Chương trình "CƠM CÓ THỊT" - Để nhiều em bé được ăn cơm ngon hơn, mặc áo ấm hơn… cần nhiều người chung tay, mỗi người một chút, ít thôi nhưng đều đặn!" Quỹ sẽ hỗ trợ tiền để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn tại lớp tại các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Khởi điểm ban đầu là mang đến cho các em nhỏ vùng khó khăn những bữa cơm có đủ dinh dưỡng - xóa đói, quỹ đã dần tiến tới hỗ trợ xây dựng phòng học, ký túc xá, bếp ăn, đồ dùng, vật dụng học tập cần thiết cho học sinh, các phương tiện nâng cao đời sống tinh thần của học sinh, giáo viên vùng cao.
Thưa ngài, chỉ 4 năm sau khi ra đời, chương trình Cơm có thịt đã góp phần xóa đói thiết thực cho hàng ngàn học sinh nghèo trên khắp Việt Nam. Số tiền quyên góp cho dự án đã lên tới vài triệu USD. Đặc biệt, đây là một dự án có sức lan tỏa lớn. Từ Việt Nam, Cơm có thịt đã có mặt tại Australia, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc...và nhiều đất nước khác. Với tiêu chí hoạt động công khai tài chính, tôi tin rằng Cơm có thịt sẽ còn tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt vai trò của mình.
Hàng năm, Liên Hợp Quốc vẫn có các chương trình cứu đói cho nạn nhân ở nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khó khăn. Liên Hợp Quốc cũng có nhiều hoạt động, ký kết, thỏa thuận với các quốc gia để cùng nhau bắt tay xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cần có thêm các chương trình tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn nữa; với những chiến dịch hỗ trợ thực sự hữu ích tăng cường khả năng hỗ trợ tự xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương, quốc gia. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực sự sâu sát, không ngần ngại sát cánh bên các dự án đang đạt hiệu quả cao hoặc sắp được triển khai mà xác suất thành công lớn ngay tại các địa phương thì kết quả chúng ta mong muốn cũng sẽ gần hơn.
Khó khăn của mỗi nơi thì chính nội tại sẽ là hiểu rõ nhất. Như ông Trần Đăng Tuấn vì đến tận nơi mà biết rõ lũ trẻ nghèo vùng cao cần nhất thịt và gạo để bữa cơm đủ no, đủ dinh dưỡng. Các nạn nhân đói nghèo ở Ấn Độ có thể cần hỗ trợ để có việc làm; các nạn nhân tại một số nước châu Phi có thể lại cần nước nhất. Một cách tiếp cận đa chiều và cần thật sâu sát, với những nghiên cứu và định hướng chiến lược nhằm tăng cường năng lực ở cấp địa phương, coi đây là những nhân tố chính trong các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững của mỗi quốc gia là rất cần thiết.
Chúng ta cũng nên hỗ trợ Chính phủ các nước đo lường các kết quả đạt được; dùng những ảnh hưởng đặc biệt của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ những chương trình đang có tác động tốt tới việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện các chỉ tiêu phát triển con người; nghiên cứu khả năng nhân rộng ở những khu vực phù hợp.
Tôi hy vọng rằng, đói nghèo cùng cực sẽ chấm dứt. Tỉ lệ đói nghèo sẽ giảm dần không chỉ ở đất nước tôi mà còn ở nhiều quốc gia khu vực kém phát triển khác trên thế giới; tiến tới một thế giới bình đẳng hơn, các quyền con người được đảm bảo hơn, mỗi cá nhân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; và chúng ta sẽ có một thế giới hòa bình, an lành hơn!
Chúc ngài sức khỏe
Mrs. Phạm
Việt Nam, ngày 11 tháng 1 năm 2017
Huyền Thanh
Nguồn: VOV. |
Xin gửi đến bạn đọc một Mẫu viết Thư Upu Lần Thứ 46 Năm 2017 lấy chủ để Ô nhiễm đất đang huỷ diệt con người. Hãy cùng tham khảo qua bài viết thư sau nhé.
BÀI THAM KHẢO SỐ 2:
Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá khi nó là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu đất đai dân cư xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng.
Chính vì thế, đất đai đóng vai trò quyết định cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay cùng với ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm đất đai đang trở thành tình trạng đáng báo động ở rất nhiều quốc gia.
Nhất là khi ô nhiễm đất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, việc phòng chống ô nhiễm đất có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Có thể nói, ô nhiễm môi trường đất được xem là tất cả các hiện tượng làm nhiễm bẩn môi trường đất bởi các chất gây ô nhiễm. Ô nhiễm đất hiện nay chủ yếu do các chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra môi trường mà không thông qua bất cứ biện pháp xử lý nào gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đất.
Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do các chất thải công nghiệp và các hoạt động nông nghiệp như dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách thái quá, sau khi thấm vào trong đất, chất ô nhiễm sẽ ở lại và lưu tồn trong đất.
Có lẽ, mỗi chúng ta ai cũng biết, đất bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm trong đất. Đó là chưa kể, đất bị ô nhiễm sẽ xâm nhập vào tầng nước ngầm, con người sử dụng nước khác gì sử dụng những chất độc hại trong đất.
Ô nhiễm kim loại nặng trong đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay, rất nhiều vùng đất bị nhiễm chất asen, nó chính là chất gây ung thư da, ung thư bàng quang, ung thư phổi; chì gây tác hại đến hệ thần kinh (đặc biệt là trẻ em), gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất.
Đặc biệt, tại một số nước, mức độ ô nhiễm đất đã đến mức báo động. Các bãi tro xỉ thô của các nhà máy nhiệt điện hay các bãi thải sau khai thác của khu vực khai thác khoáng sản tại các quốc gia có thế mạnh về khoáng sản chứa một loạt kim loại nặng có hại như asen, chì, kẽm, nikel, đồng, mangan, cadmi, crom và selen. Đây là những nguồn gây ô nhiễm đất và là nguyên nhân của một loạt các bệnh có liên quan.
Ở đất nước Việt Nam của chúng tôi, theo báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã kết luận về mức độ nguy hiểm cho sức khỏe người dân tại các làng nghề chuyên nghề tái chế chì khiến đất bị ô nhiễm nặng.
Nhất là ở đất nước của chúng tôi còn những địa phương từ những năm 70 của thế kỷ trước làm nghề thu mua ắc quy cũ hỏng về tháo dỡ để lấy chì. Họ đun nấu bằng dụng cụ thô sơ, bình ắc quy thải bỏ ngay trong khuôn viên gia đình. Khói từ những lò đun nấu phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến không khí, đất, nước và sức khỏe con người.
Cuối năm 2014, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã xét nghiệm mẫu đất, nước, không khí, thực phẩm nuôi trồng trên những làng nghề này và kết quả cho thấy nơi đây bị nhiễm độc chì rất nặng.
Nước bề mặt tại các con kênh, rạch quanh làng có nồng độ chì cao gấp hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn. Tới mức, ngay cat loại rau rất quen thuộc trong bữa cơm Việt của chúng tôi là rau muống cũng nhiễm chì cao hơn tiêu chuẩn 1,3 lần. Có những thôn có 335 trẻ thì 317 em được lấy mẫu xét nghiệm chì thì kết quả cho thấy 207 cháu (65%) bị nhiễm độc chì, cần phải điều trị thải độc...
Chính điều đó đã lí giải sự xuất hiện của hàng loạt các làng ung thư cướp đi hàng trăm sinh mạng. Chính ô nhiễm gây ra các bệnh nguy hiểm đã khiến bao số phận lâm vào đường cùng, cảnh lá già khóc thương lá xanh lìa cành khiến bao người không cầm được nước mất. Hình ảnh cả nhà đều chịu chung số phận mang tên “ung thư” đã trở nên chẳng hiếm hoi gì ở những làng nhiễm chì trên đất nước chúng tôi.
Con người, chính con người vì những mục đích trước mắt mà hủy hoại môi trường. Có lẽ, chính bản thân họ cũng không thể tưởng tượng tác hại của nó lại ghê gớm tới thế.
Tôi rất mong Ngài Antonio Guterres sẽ có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đất vì một thế giới trong sạch và đầy tươi đẹp hơn.
Chúc Ngài thật nhiều sức khỏe!
Ms. Thanh
Việt Nam, ngày 12 tháng 2 năm 2017.
Và cuối cùng là một bài viết thư của em học sinh vô cùng xuất sắc được chọn làm Mẫu viết Thư Upu Lần Thứ 46 Năm 2017 xin gửi đến độc giả.
Nguồn: Facebook |
BÀI THAM KHẢO SỐ 3:
Việt Nam, ngày 11 tháng 12 năm 2016
Ngài António Guterres kính mến!
Lời đầu tiên học trò xin kính chúc ngài được dồi dào sức khoẻ, đạt được nhiều thành công mới trên cương vị Tổng thư ký LHQ!
Ngài António đáng kính, đứng trước nỗi đau của nhân loại không ai mà không cảm thấy xót xa cho số phận con người vẫn mãi quẩn quanh trong cái vòng “sinh – lão – bệnh – tử”. Mong muốn sống một cuộc đời tự do, bình yên và hạnh phúc là ước muốn của mọi thần dân trên hành tinh này. Vậy tại sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó?
Thưa ngài António!
“Tất cả dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do”. Đây là những lời bất hủ trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Ấy vậy mà ngày nay loài người trên thế giới vẫn còn phải chịu cảnh nước mất, nhà tan, gia đình ly tán, cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, chiến trận liên miên, đói ăn, đói uống, bệnh tật hoành hành, … sinh mạng rẻ mạt như những can dầu bán đi. Học trò nghĩ rằng chính ngài cũng đau xót lắm!
Đứng trước những vấn đề nan giải của thế giới hiện nay như:
- Cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm ở Syria;
- Khủng bố, IS và đánh bom liều chết;
- Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine;
- Thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và I-ran;
- Chương trình hạt nhân của Triều Tiên;
- Vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường;
- Vấn đề di cư và kiểm soát biên giới;
- Xây dựng khối đoàn kết trong nội bộ LHQ;
- Thâm hụt ngân sách LHQ.
- …
Học trò cũng bối rối và lấy làm lo lắng cho tương lai của mọi người trên trái đất này. Khi lòng tham đã được đẩy lên cao độ thì tình người chỉ là tờ giấy mỏng manh. Cuộc mua bán, tranh cướp này đến bao giờ mới chấm dứt được đây? Học trò biết rằng ngài được mệnh danh là “nhà bảo trợ không mệt mỏi cho những người tị nạn” – đây là một điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng trong tư cách đạo đức của ngài. Chính vì điều này mà học trò tình nguyện tham mưu cho ngài, đồng hành cùng ngài trên những bước đường chông gai phía trước.
Thưa ngài António!
Người ta thường nói: “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” – đó là 3 điều cần có để đi tới thành công. Để ngài giải quyết những vấn đề mà thế giới đang đối mặt, thì 3 điều trên càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng dẫu cho gặp “thiên thời”, thuận “địa lợi” mà không được “nhân hoà” thì chẳng thế nào thành công được. Do vậy điều tiên quyết là chúng ta cần phải có “nhân hoà”. Vậy “nhân hoà” là gì? Nhân hoà là mọi người hoà hảo, đoàn kết với nhau, không ai tranh giành hơn thua, mọi người đều vì nhau mà sống chan hoà, hợp đạo lí. Thầy của học trò từng dạy:
“Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”
Vì thế trong những vấn đề trên, vấn đề xây dựng lại khối đoàn kết LHQ là cần thiết nhất. Ngài cần phải tìm ra được những điểm khác biệt giữa 5 uỷ viên thường trực LHQ. Từ đó phân tích từng điểm một, làm cho những điểm khác đó trở nên giống nhau, xích lại gần nhau, tạo ra được điểm chung đồng thuận giữa 05 người này. Làm cho 5 người này trở thành anh em, bạn hữu, đồng chí cùng nhau quyết tâm xây dựng một thế giới an ninh, thịnh vượng. Để cho nhân loại hoà hợp bỏ qua những khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc, ngôn ngữ … xoá tan đi mọi hận thù, buông bỏ những tham vọng bá chủ,… để hiểu nhau, cùng nhau sống hạnh phúc dưới nền hoà bình vĩnh cửu. Tạo ra một trái đất đáng sống nhất vũ trụ.
Nếu được như thế nhân loại sẽ nhớ đến ngài như một vị Thánh, vị Bồ tát, chúa Giê su, hay một đấng cứu thế vĩ đại. Hãy đem lại hạnh phúc cho mọi người cũng là đem lại hạnh phúc cho chính mình vậy, ngài Antonio nhé!
Cuối thư xin chúc ngài cùng gia đình một mùa Noel ấm áp, an lành và hạnh phúc. Mong cho thế giới dưới bàn tay của ngài sẽ là một thế giới nhân hoà, ấm no và bình đẳng.
Trân trọng,
Kỳ Nam
(Tổng hợp)