(ĐSPL) - Càng cận ngày Tết cổ truyền tâm trạng người thân của các bệnh nhi ung thư càng nặng nề, cảm giác mất mát, những kí ức vỡ vụn, hụt hẫng trong lòng và nỗi nhớ da diết...
Còn chưa đầy 1 tuần nhà nhà lại đón Tết cổ truyền, đối với người Việt Tết cổ truyền là dịp để đoàn viên, xum vầy, bên nhau sau một năm làm việc, học tập hăng say. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng may mắn được vui vẻ hạnh phúc bên nhau đón tết, đâu đây trong góc bệnh viện K Tân Triều vẫn nghe tiếng khóc nỉ non của các bệnh nhi, các gia đình có con mắc bệnh ung thư đang điều trị hoặc đã ra đi vĩnh viễn...
Chị Phạm Thu trao phần quà trị giá 3 triệu đồng cho bệnh nhi Cao Văn Quang 5 tuổi bị ung thư gan nhưng khi nhập viện gia đình chỉ có 1 triệu đồng đóng viện phí. |
Cùng chung nỗi đau với các gia đình bệnh nhi ung thư
Có biết bao người con ra đi mãi mãi... và để lại cho những người thân, nhất là người làm cha, làm mẹ những nỗi đau không thể nào nguôi ngoai.
Chị Phạm Thu – Thanh Trì – Hà Nội, trải qua nỗi đau mất con vì căn bệnh ung thư quái ác, chị hiểu rõ hơn bất kỳ ai nỗi mất mát lớn lao. Tình mẹ con như cắt từng khúc ruột, nhưng gạt đi nỗi đau chị chọn cách sống chung với nó và chiến đấu cùng những bệnh nhi mắc căn bệnh này.
Mỗi ngày trôi qua, chị Thu ở lại trong bệnh viện để cùng chia sẻ, lắng nghe, động viên, chị đau cùng nỗi đau của các cháu và gia đình. Tuần nào cũng thế, hôm chị nấu cháo, hôm lại rán chả, thịt xiên... chị mang vào cho các cháu khoa nhi, viện K Tân Triều. Có khi phát hiện trường hợp bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chị lại cùng các thành viên kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các cháu kịp thời, góp phần nhỏ bé tấm lòng thơm thảo tới bệnh nhi ung thư. Có bệnh nhi bị bệnh viện trả về chị lại tranh thủ cùng các thành viên vào tận nơi thăm hỏi, động viên khi thì Hòa Bình, Phú Thọ lúc lại Nghệ An, Hà Tĩnh... từ bao giờ các bệnh nhi và gia đình các cháu đã nhắc tới chị như người thân trong nhà.
Chị nói làm như vậy vừa có ích cho đời mà chị cũng phần nào tự an ủi nỗi mất mát của chính mình. Tuy nhiên, gần giáp tết, nỗi lòng chị lại thêm khắc khoải khôn nguôi, chị nhớ Duy Trung – đứa con trai bé bỏng đã ra đi khỏi vòng tay chị mãi mãi ở cái tuổi 13 ấy. Nhưng thay vì nói tới lòng mình, chị Thu lại chia sẻ về nỗi đau của các cha mẹ khác cùng chung nỗi đau mất con như chị.
“Sáng nay chuẩn bị đi làm mình nhận được điện thoại của bố cháu Tuấn (22 tuổi, K phổi di căn xương, Vĩnh Phúc). Nghe giọng anh nghẹn ngào trong điện thoại: "Cô Thu ơi, tôi nhớ cháu Tuấn quá mà chẳng biết làm sao nên tôi lại gọi điện cho cô. Cứ đi làm việc này việc kia thì đỡ hơn chứ ở nhà tôi không thể chịu được. Cháu Tuấn là con trai trưởng nam, cháu đich tôn của dòng họ nhà tôi. Vợ chồng tôi giờ tuổi già rồi cũng không biết làm sao nữa..."
Nhớ lại 3 tháng trước đây, anh khóc trong điện thoại báo tin đứa con trai yêu quý nhất của anh đã mất. Nuôi con vất vả 22 năm, con trai anh rất to cao, khỏe mạnh, ngoan hiền. Cháu đã có công việc bắt đầu đi làm kiếm tiền được vài tháng. Vậy mà chưa đầy 2 tháng từ khi Tuấn phát bệnh vợ chồng, gia đình anh đã mất cháu mãi mãin. Cháu Tuấn bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối vào xương, đau đớn khắp người và không thể đi lại được. Anh chị đã rất suy sụp khi biết bệnh của con,dồn tất cả tình cảm để gắng sức chăm con những ngày cuối và khóc rất nhiều. Tuy cháu đã mất 3 tháng nay nhưng mình hiểu nỗi đau, vết thương trong lòng anh chị và gia đìn sẽ không bao giờ lành. Hứa với bố mẹ cháu rằng Tết này em sẽ về quê thắp hương cho cháu và chuyện trò động viên anh chị thì giọng anh mới khá hơn chút. Thương lắm những người cha, người mẹ đã đi gần hết cuộc đời mà chịu những nỗi đau đớn tột cùng đến vậy” – Chị Thu chia sẻ.
Từ bao giờ chị đã trở thành người thân của các gia đình có bệnh nhi mắc ung thư, trở thành nơi chia sẻ những nỗi niềm.
Tết về lòng mẹ thêm đau
Càng gần những ngày Tết cổ truyền tâm trạng người thân của các bệnh nhi ung thư đang điều trị hoặc có con đã ra đi mãi mãi đều mang nỗi đau chung: cảm giác mất mát, những kí ức vỡ vụn, hụt hẫng trong lòng, và nỗi nhớ da diết...
Chị Thu tham gia tổ chức hoạt động phát hòa Noel cho các cháu bị ung thư |
Đã trải qua cảm giác đau đớn tột cùng nên chị rất thấu hiểu những cung bậc cảm giác đó khó chịu đến như thế nào.
“Nhiều lúc mình phát điên muốn hét thật to, muốn buông bỏ đi một nơi thật xa để ko còn ai biết đến mình, thậm chí chả thiết sự tồn tại của bản thân mình để làm gì nữa. Có khi thấy cuộc sống quá vô nghĩa và luôn đặt câu hỏi tại sao và mình đã làm gì mà con mình, bản thân mình và gia đình mình phải chịu đựng nỗi mất mát quá sức đến như vậy... Mọi lời động viên từ mọi người thực sự chẳng có nghĩa lí gì, chẳng thể che lấp đi được nỗi đau luôn hiện hữu đó.”
Rồi chị tự dằn vặt bản thân với trăm ngàn lý do cho sự thật là đứa con trai đã ra đi nhưng rồi chị lại bình tâm động viên các gia đình có con em đang mắc căn bệnh quái ác này.
“Bản thân không còn cơ hội bên con nữa vậy nên mình rất mong muốn các bố, các mẹ tĩnh tâm hơn, suy nghĩ tích cực hơn, chấp nhận được sự thật đau buồn này và phải đối mặt với sự thật. Sự trốn tránh, sự đổ lỗi, sự trách cứ, sự kêu ca phàn nàn, những suy nghĩ tiêu cực... không phải là giải pháp tốt để làm xóa đi nỗi đau này được. Rất mong muốn các bố, các mẹ nghị lực hơn, bản lĩnh hơn tìm ra được cách riêng phù hợp với bản thân mỗi người, biến những đau thương, mất mát thành hành động thiết thực, đúng đắn để làm nhiều việc tốt, việc thiện...”
[poll3]852[/poll3]
Tết cổ truyền càng tới gần, mỗi người lại bồn bề với những giang dở, tiếc nuối và cả hi vọng khát khao kèm thất vọng đong đầy. Nhưng với chị Thu có lẽ một cái năm tay thật chặt, một cái ôm siết mạnh từ con trai bé nhỏ là quá đủ, tuy nhiên điều này chị mãi mãi không còn được nhận nữa.
Chúc cho chị thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc thiện nguyện, chúc các bệnh nhi có thêm nhiều nghị lực để chiến đấu tới cùng với căn bệnh quái ác này. Để mỗi sớm mai thức dậy sẽ không thấy những giọt nước mắt vương bờ mi đêm muộn từ những người làm cha mẹ.