+Aa-
    Zalo

    Ly kỳ bức ảnh "Hoàng Long thiên tả hội" và chuyện rồng về trong ngày Đại lễ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cách đây 5 năm, ngay trong ngày tổ chức Đại lễ nghìn năm Thăng Long, bên tượng đài Lý Thái Tổ bỗng xuất hiện một đám mây sắc vàng, có hình rồng uốn lượn.

    (ĐSPL) - Cách đây 5 năm, ngay trong ngày tổ chức Đại lễ nghìn năm Thăng Long, bên tượng đài Lý Thái Tổ bỗng xuất hiện một đám mây sắc vàng, có hình rồng uốn lượn.

    Nhờ linh cảm đặc biệt, “nhà rùa học” - PGS Hà Đình Đức đã nhanh chóng chụp lại được khung cảnh kỳ diệu trên. Sau khi bức ảnh được công bố đã gây sửng sốt cho nhiều người xem. Không ít người liên tưởng đến câu chuyện vua Lý Công Uẩn chọn đất đóng đô và cho đó là sự thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

    >> Sự thật về “khả năng tiên tri” của Hồ Gươm

    Linh cảm lạ và chuyện hội tụ linh khí ngàn năm

    Cách đây 5 năm, bên bờ hồ Hoàn Kiếm ở phía vườn hoa Lý Thái Tổ, một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ xảy ra. Trong lúc tất cả đang chuẩn bị nghi thức cho buổi lễ đặc biệt, trên bầu trời xuất hiện đám mây rất lạ. Người đã phát hiện ra điều đặc biệt này là PGS Hà Đình Đức và chính ông là người duy nhất chụp lại được khoảnh khắc trên.

    Bức ảnh “Hoàng Long thiên tải hội” ghi lại khoảnh khắc kỳ lạ tại Hồ Gươm ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

    Sau đó ông Đức đã chia sẻ bức ảnh với nhiều người, tất cả đều ngạc nhiên về hình ảnh của đám mây màu vàng hình con rồng đang uốn lượn trên đầu. Từ đó, nhiều người truyền tụng nhau câu chuyện rồng về ngày đại lễ thể hiện một sự trùng khớp đến kỳ diệu trong ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long.

    Để tìm hiểu sâu hơn bức ảnh kỳ lạ và nổi tiếng này, chúng tôi đã tìm gặp PGS Hà Đình Đức. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc đầy ắp những tư liệu về Hồ Gươm và cụ rùa, PGS Hà Đình Đức vui vẻ chia sẻ về bức hình “Hoàng Long thiên tả hội”. Nhìn ánh mắt của ông cùng cử chỉ nâng niu bức hình trong tay khi kể về cơ duyên ông chụp được nó, chúng tôi nhận ra, bức hình là một trong những kỷ vật thiêng liêng nhất được ông giữ gìn như một báu vật của cuộc đời.

    “Trước đây vua Lý Công Uẩn nhìn thấy rồng bay. Rồng của vua Lý cũng là mây. Giờ đây tôi chụp được bức ảnh đám mây hình rồng vàng ngay buổi lễ tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là một điều kỳ diệu và rất thiêng liêng”, PGS Hà Đình Đức không giấu được niềm tự hào khi nói về bức ảnh này.

    Cũng theo “nhà rùa học”, cái tên “Hoàng Long thiên tả hội” – Ngàn năm gặp lại rồng vàng là do nhà Hán học Nguyễn Tá Nhí đặt cho. Theo đó, khi ông chia sẻ bức hình trên, nhà Hán học Nguyễn Tá Nhí đã vô cùng kinh ngạc. Gần như ông bị chinh phục bởi hình ảnh rõ nét về hình tượng con rồng vàng ẩn trong mây và đó là lý do để ông đặt tên cho bức ảnh là “Hoàng Long thiên tả hội”. Ông Hà Đình Đức cũng rất thích tên gọi này.

    Theo ông Hà Đình Đức, cái tên “Hoàng Long thiên tả hội” đã thể hiện đầy đủ về nội dung của bức ảnh. Và như để chứng minh cho lời nói của mình, “nhà rùa học” khẳng định: “Không chỉ tôi và ông Nguyễn Tá Nhí mà ngay cả nhà sử học Dương Trung Quốc và nhiều người khác nữa cũng tỏ vẻ kinh ngạc và cho rằng còn nhiều điều bí ẩn liên quan đến Thăng Long, Hà Nội và Hồ Gươm mà chúng ta chưa thể cắt nghĩa một cách rõ ràng”.

    Quả đúng như lời ông nói. Khi được xem bức ảnh trên, cảm giác của chúng tôi rất bất ngờ, hình ảnh đám mây rồng vàng rất rõ nét và sống động. Hình đầu rồng đầy đặn và đầy quyền uy. Kể về khoảnh khắc chụp được bức ảnh, ông Đức nhớ lại: “Tôi dự buổi lễ khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ vào sáng ngày 1/10/2010 với tư cách là đại biểu của UBND TP. Hà Nội. Tôi đang chú tâm vào lễ khai mạc thì khoảng 7h35, bỗng có một linh cảm ập đến. Tôi ngước lên bầu trời. Khi đó bầu trời không nắng, chỉ một màu mây xám, lắc rắc vài hạt mưa. Trong chớp mắt, tôi thấy nền trời xuất hiện áng mây màu vàng kỳ lạ phía trên tượng đài vua Lý Thái Tổ. Vài phút sau, khoảng 7h41, đám mây vàng rực rỡ trên nền trời xám chuyển thành hình rồng vàng uốn lượn vờn bay rất rõ. Tôi vội đưa máy ảnh lên và đã kịp thời bấm máy!”.

    PGS Hà Đình Đức.

    Chính vì bức hình này mà ông Đức luôn đặt câu hỏi, phải chăng 1.000 năm trước, khi dừng thuyền rồng ngắm hình sông thế đất, cảnh trời để chọn kinh đô mới, vua Lý Thái Tổ cũng đã thấy một hình ảnh tương tự(!?). Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết: “Mùa thu, tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), vua dời đô từ thành Hoa Lư sang thành Đại La, thuyền tạm đỗ cuối thành, có rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự, do đó đổi gọi là thành Thăng Long”.

    Sau khi chụp được bức ảnh này, PGS Hà Đình Đức đã đưa đi đăng ký quyền tác giả và được công nhận. Điều này cho thấy, bức ảnh “Hoàng Long thiên tả hội” – Ngàn năm gặp lại rồng vàng không phải là sản phẩm của kỹ thuật số.

    Giải mã hình ảnh vua Lê, kiếm thần

    Cả cuộc đời nghiên cứu về Hồ Gươm và cụ Rùa, PGS Hà Đình Đức đã ghi nhận được rất nhiều điều kỳ lạ xung quanh địa danh này.  Và cũng chính tại đây, chuyên gia nghiên cứu về cụ Rùa Hồ Gươm đã tự chụp hoặc được bạn bè tặng những bức ảnh lạ lùng đến khó tin. Ông chia sẻ với chúng tôi nhiều bức hình ghi lại những khoảnh khắc rất khó để lý giải. Trong đó, có nhiều bức hình gợi cho người xem về lịch sử và những sự tích gắn với Hồ Gươm. Có bức hình gợi cho chúng ta liên tưởng đến kiếm thần, có bức hình gợi liên tưởng đến thần Kim Quy ngậm gươm và đặc biệt có bức hình mà theo PGS Hà Đình Đức gợi cho ông về hình ảnh vua Lê Thái Tổ. Nói về bức ảnh độc đáo này, PGS Hà Đình Đức cho rằng đây là bức ảnh ông được tặng.

    Theo đó, PGS Hà Đình Đức kể, trước đây ông được ông Hoàng Hoa Mai - nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thanh Hóa tặng một bức vẽ chân dung vua Lê Lợi. Và đến dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, một vị khách ở  Đà Nẵng ra thăm và dự Đại lễ đã chụp hình Tháp rùa Hồ Gươm bằng điện thoại. Thế nhưng, bất ngờ, khi xem hình ấy, vị khách đó thấy trên bức hình có xuất hiện bóng người. Khi nhìn nghiêng còn thấy rõ người đó tóc búi cao, đầu đội khăn xếp, mặc áo màu đỏ. Biết PGS Hà Đình Đức là người gắn bó với Hồ Gươm, người khách nọ đã gửi hình tặng. Xem ảnh, PGS Hà Đình Đức cũng giật mình khi bóng người trong hình có vóc dáng giống y hệt bức chân dung vua Lê Lợi mà họa sỹ Hoàng Hoa Mai đã tặng ông trước đó.

    Nói về vấn đề này, PGS Hà Đình Đức cho rằng, nhiều người có thể đặt nghi vấn về độ xác thực của các bức hình trên nhưng với “nhà rùa học” thì ông tin là có một sự màu nhiệm nào đó rất khó để lý giải. Có thể đó là một sự trùng lặp nhưng là một sự trùng lặp kỳ diệu.       

    Những bức hình mang màu sắc tâm linh khó lý giải

    Liên quan đến các bức hình ghi lại những cảnh tượng thiên nhiên kỳ lạ xuất hiện trong các ngày đại lễ, tại nước ta đã ghi nhận không ít bức ảnh và xem nó như một sự trùng lặp đầy màu nhiệm. Trước hết phải kể đến bức hình “Bát đế vân du” được nhà nhiếp ảnh Hoàng Tuấn Đại chụp vào đúng ngày Lễ hội Đền Đô (tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) năm 2003 (15/3 Âm lịch – ngày vua Lý Công Uẩn đăng quang).

    Những người dự lễ hội tại đây đã chứng kiến một hiện tượng dải mây hình rồng vàng từ phía Thăng Long – Hà Nội bay về tỏa bóng mát lên nóc đền một lúc rồi tản ra, đúng lúc dân làng Đình Bảng bắt đầu lễ rước “Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô ra Thăng Long” theo nghi lễ cổ truyền.

    Đây không phải là bức hình kỳ lạ đã được chụp ở Đền Đô có hình ảnh tương tự. Theo đó, các bức ảnh “Hoàng Long linh hiển”, “Bát đế hiển linh”, “Tiếng vọng cội nguồn” được nhà giáo Nguyễn Đức Thìn chụp tại Đền Đô trong nhiều năm đều có nội dung tương tự mỗi khi tổ chức các lễ nghi đặc biệt ở ngôi đền này.

    TRINH PHÚC - ANH ĐỨC

    Xem thêm video: Người dân đổ xô đi xem "cụ" Rùa leo lên bờ hồ Gươm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-ky-buc-anh-hoang-long-thien-ta-hoi-va-chuyen-rong-ve-trong-ngay-dai-le-a92581.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan