+Aa-
    Zalo

    Lý giải việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận lời thăm Seoul

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyến thăm Seoul của ông Kim Jong-un sẽ là chiến dịch tuyên truyền thành công nhất khiến Triều Tiên giống như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bình thường.

    Chuyến thăm Seoul của ông Kim Jong-un sẽ là chiến dịch tuyên truyền thành công nhất khiến Triều Tiên giống như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bình thường.

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung tại nhà khách Paekhwawon, Bình Nhưỡng hôm 19/9. Ảnh: Reuters.

    Ngày 19/9, sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới thăm Seoul trước khi hết năm nay, trong trường hợp không có biến động gì đặc biệt. 

    Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Seoul. "Chuyến thăm sẽ là bước ngoặt mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên", ông Moon Jae-in nói.

    Nếu chuyến thăm Seoul của ông Kim diễn ra theo đúng kế hoạch, lãnh đạo Triều Tiên sẽ hiện thực hóa mong muốn của người cha quá cố Kim Jong-il.

    Khi ông Kim Jong-un đến Singapore để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6, lãnh đạo Triều Tiên đã tham quan khu vực trung tâm thành phố, chụp ảnh selfie với các quan chức địa phương. Nhiều người dân hiếu kỳ chờ đợi tại khách sạn ông đến thăm để được nhìn thấy lãnh đạo Triều Tiên.

    Sau khi trở về từ hội nghị này, các hoạt động trước công chúng của ông Kim tập trung vào việc cải thiện kinh tế và việc làm của người dân. Thay vì khoe về sức mạnh quân sự, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp trong một chuyến thị sát nhà máy mỹ phẩm.

    "Khán giả mục tiêu cho chuyến thăm Seoul của ông Kim nhiều khả năng là người dân của ông ấy hơn là thế giới bên ngoài. Ông muốn cho mọi người thấy ông đã ra quyết định đúng đắn và quốc gia đang đi đúng quỹ đạo. Đó là lý do tại sao ông ấy chấp nhận rủi ro lớn như vậy", ông Kim Dong-yup, giáo sư tại Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam đánh giá.

    Tháng 12 năm ngoái, đặc phái viên hàng đầu Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố Triều Tiên là một "quốc gia hạt nhân yêu hòa bình".

    "Chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là chiến dịch tuyên truyền thành công nhất khiến Triều Tiên giống như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bình thường", ông Kim Jae-chun, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Sogang nhận xét.

    Trên thế giới có 8 quốc gia đã thử nghiệm hoặc đang sở hữu vũ khí hạt nhân. 5 trong số đó được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân xem là "các quốc gia có vũ khí hạt nhân", bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ba nước không ký hiệp định này nhưng đã thử hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Ngoài ra, Israel được cho là có vũ khí hạt nhân nhưng không thừa nhận.

    Ngày 20/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đăng Twitter tán dương kết quả hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều lần thứ ba: "Ông Kim Jong-un đã đồng ý cho phép thanh sát hạt nhân, phá hủy vĩnh viễn cơ sở thử nghiệm và phóng tên lửa trước sự hiện diện của chuyên gia quốc tế. Trong khi chờ đợi, sẽ không có thử nghiệm tên lửa hay hạt nhân nào nữa. Hài cốt của những người hùng sẽ tiếp tục được trở về Mỹ. Bên cạnh đó, Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đệ trình đấu thầu chung để đồng tổ chức Thế vận hội 2032. Điều này thật thú vị".

    Triều Tiên đã tiến hành một số thử nghiệm tên lửa tại Sohae nhưng cũng sử dụng nhiều địa điểm khác, bao gồm sân bay Bình Nhưỡng. Hình ảnh vệ tinh hồi tháng 8 cho thấy Triều Tiên đã tháo dỡ một bãi thử nghiệm động cơ, phù hợp với cam kết của ông Kim Jong-un với ông Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 ở Singapore.

    NGUYỄN QUỲNH (Theo ABC News)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-giai-viec-nha-lanh-dao-kim-jong-un-nhan-loi-tham-seoul-a244891.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan