+Aa-
    Zalo

    Lý giải nguyên nhân thuốc giải BAT trong vụ ngộ độc cá ủ chua lại có giá hơn 8.000 USD.

    (ĐS&PL) - Thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là loại thuốc quý hiếm, có giá thành cao (hơn 8.000 USD/lọ) được nhập về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào năm 2021. Hiện tại hai lọ cuối cùng đang ở Quảng Nam - nơi ghi nhận 10 trường hợp ngộ độc.

    Nói về công dụng và độ quý hiếm của loại thuốc BAT này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng đơn vị Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy trả lời với báo VietNamnet cho biết: “Loại thuốc có tên BAT (Botulism Antitoxin Heptavalent), chai 50ml, quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ”.

    ly giai nguyen nhan thuoc giai bat trong vu ngo doc ca u chua lai co gia hon 8 000 usd 1
    Thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent. Ảnh: BVCC

    Về công dụng mà thuốc mang lại, bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin, độc tố Botulinum có 7 type gồm A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có 3 loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả 7 type Botulinum. 

    Khi có nạn nhân ngộ độc cấp, nếu chờ tìm ra type vi khuẩn mới chọn thuốc giải phù hợp sẽ rất mất thời gian. Nhiều cơ sở y tế phải chuyển mẫu đến đơn vị có năng lực để thực hiện xét nghiệm. Việc chờ đợi có thể ảnh hưởng đến sự sống người bệnh.  

    Vì thế, thuốc BAT rất hữu hiệu với tình huống ngộ độc Botulinum, sử dụng cho bất kỳ type nào. Tuy nhiên, BAT chỉ có một công ty tại Canada sản xuất, quý hiếm và đắt đỏ trên toàn thế giới. 

    ly giai nguyen nhan thuoc giai bat trong vu ngo doc ca u chua lai co gia hon 8 000 usd 2
    Quy trình bảo quản thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent vô cùng nghiêm ngắt. Ảnh: Báo Thanh Niên

    Năm 2020, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngộ độc Botulinum rải rác khắp các địa phương, vùng miền nhưng không có thuốc giải. Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ và chuyển 2 lọ thuốc từ Thái Lan về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, tiếp tục viện trợ 10 lọ cho nước ta. 

    Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập về 6 lọ BAT từ Canada (trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu). 

    Năm lọ điều chuyển ra Quảng Nam vào ngày 18/3 là số thuốc cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy và phía Nam. Một số chuyên gia bày tỏ việc quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn các ca ngộ độc Botulinum, vì sẽ rất khó khăn để tìm thuốc giải. 

    ly giai nguyen nhan thuoc giai bat trong vu ngo doc ca u chua lai co gia hon 8 000 usd 2
    Cần đến 2 đo nhiệt độ để đảm bảo thuốc không bị hỏng hóc. Ảnh: Thanh Niên

    Liên quan đến sức khỏe của 3 bệnh nhân được truyền thuốc giải độc Botulinum ông Hùng cho biết, sức khỏe của cả ba bệnh nhân đã có cải thiện bước đầu. Trong đó, hai ca được cai máy thở. 

    Hiện tại trong 5 lọ mang đến Quảng Nam thì mới chỉ dùng 3. 2 lọ còn lại chưa sử dụng và lưu tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đây là phương án đề phòng nếu xuất hiện thêm bệnh nhân ngộ độc Botulinum trên địa bàn. 

    Theo dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa dược - Bệnh viện Chợ Rẫy, nhà sản xuất thuốc BAT (Canada) khuyến cáo thuốc được bảo quản âm sâu ở nhiệt độ từ -77oC đến -17oC.

    Do đó, vấn đề đảm bảo nhiệt độ trong quá trình vận chuyển thuốc từ Canada về Việt Nam là rất nghiêm ngặt. Có 2 máy đo nhiệt độ theo dõi suốt quá trình vận chuyển thuốc BAT.

    Sau khi thuốc BAT nhập kho Bệnh viện, tất cả quá trình giao nhận, kể cả nhiệt độ đều phải báo cáo ngay về cho nhà sản xuất.

    Chỉ riêng chiếc thùng chứa trong quá trình vận chuyển thuốc BAT cũng trị giá 1.200 USD. Chính vì thế nên giá của loại thuốc này luôn đắt đỏ, báo Thanh Niên thông tin.

    Thùy Dung(t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-giai-nguyen-nhan-thuoc-giai-bat-trong-vu-ngo-doc-ca-u-chua-lai-co-gia-hon-8-000-usd-a569588.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan