Có những hiện tượng trong đời sống chúng ta đã trở thành quá đỗi tự nhiên đến nỗi ít ai dừng lại và đặt ra câu hỏi tại sao. Tuy nhiên một khi đã chú ý đến thì chúng lại biến thành những vấn đề hóc búa đến kì lạ. Hãy cùng đi tìm lời giải đáp cho một số những câu hỏi hóc búa liên quan đến cơ thể chúng ta dưới đây.
1. Tại sao tay lại đổ mồ hôi khi căng thẳng?
Chúng ta biết rằng, tuyến mồ hôi được bố trí khắp nơi trên cơ thể. Tuyến mồ hôi được chia làm hai loại: một loại tiết ra chất chứa các axit béo và protein, thường đi kèm với mùi cơ thể có tên là Apocrine và tuyến Eccrine - tiết chủ yếu là muối, chất điện giải và nước - không hề có mùi.Tuyến Eccrine được cơ thể sử dụng như một hệ thống làm mát : tiết mồ hôi để làm giảm nhiệt độ của bản thân. Khi chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, hệ thống thần kinh giao cảm trở nên quá tải. Đó là hệ thống điều khiển những chức năng cơ bản của cơ thể như nhịp tim, độ co dãn đồng tử, phản xạ đỏ mặt hay cả nhiệt độ cơ thể.Khi bị kích thích quá mức, hệ thống này làm tăng nhiệt độ cơ thể và từ đó kích thích tuyến mồ hôi khiến tay bạn trở nên “ướt át”. |
|
2. Tại sao chúng ta tè ra quần khi sợ hãi?
Nếu vì quá sợ hãi mà trót tè ra quần thì bạn cũng đừng quá xấu hổ bởi đó là lỗi của hệ viền. Đây là phần của não kiểm soát phản ứng “đánh hay chạy”, tấn công và biểu lộ cảm xúc, chức năng tự động, hành vi cũng như những mặt liên quan đến nội tiết trong cơ thể.Kiểm soát bàng quang thực sự là một thao tác tinh vi của não. Có một khu vực của não tên là trung tâm tiểu tiện của cầu não, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về áp lực nước ở bàng quang và đưa ra quyết định “giải thoát” áp lực đó. Tuy nhiên để tránh việc ta đi tiểu mỗi khi bàng quang đầy, vỏ não trước trán có thể gửi đi một tín hiệu ức chế hoạt động này. Khi bị căng thẳng, những tín hiệu này lại có thể bị ghi đè bởi tín hiệu điện từ hệ viền và bàng quang không bị khống chế nữa mà tự “giảm áp lực”.
3. Tại sao chúng ta bị nôn khi chóng mặt?
Nguyên nhân của hiện tượng chóng mặt thường là sự kích thích dữ dội lên bộ máy tiền đình ở hai tai giữa. Và bằng cách nào đó những tín hiệu này kích thích cơ thể tạo ra phản ứng nôn mửa.Một cách giải thích khác được đưa ra là khi bị chóng mặt, cơ thể sẽ tưởng nhầm rằng chúng ta đã bị đầu độc. Và như một biện pháp thải độc, não sẽ kích thích dạ dày, khiến chúng ta nôn. 4. Tại sao chúng ta thích hát và hát hay hơn khi tắm dưới vòi hoa sen?
Đối với nhiều người, tắm là khoảng thời gian tự do, thoải mái nhất trong ngày. Cùng với nước ấm, không gian nhỏ, an toàn thì hát là một hoạt động tự nhiên giúp bạn thư giãn. Hơn nữa, âm thanh trong phòng tắm có độ vang tốt hơn nên khiến cho giọng hát của bạn cảm tưởng như hay và chuyên nghiệp hơn. Chính vì vậy mà nhiều người biến thành ca sĩ và thích hát líu lo dưới vòi hoa sen của mình.
5. Tại sao chỉ có một bên mũi bị ngạt?
Chúng ta thường gặp phải tình trạng ngạt mũi khi bị cảm lạnh. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra ở cả hai bên cánh mũi cùng một lúc.Lý do đó chính là sự hoạt động luân phiên của hai cánh mũi. Ít người biết rằng, trong một khoảng thời gian nhất định, chỉ có một bên cánh mũi đảm nhiệm việc lưu chuyển phần lớn không khí. Sau vài giờ, hệ thống thần kinh sẽ đưa tín hiệu “đổi bên” và cứ thế hai cánh mũi thay phiên nhau làm việc. Chính vì thế mà hiện tượng ngạt mũi sẽ chuyển qua chuyển lại giữa hai bên mũi của bạn.
6. Tại sao chúng ta lại bị nôn nao sau khi say rượu?
Buổi sáng sau một đêm uống rượu quá nhiều chúng ta thường có giác chóng mặt, nôn nao, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh... Đó là do rượu đã khiến cơ thể ta bị mất nước trầm trọng.Đồng thời, tác nhân này cũng làm nở các mạch máu, dẫn đến hiện tượng bạn bị đau đầu. Cùng với đó, rượu làm tăng axit trong dạ dày, kích thích khả năng dạ dày tự làm sạch, khiến chúng ta nôn mửa. Tất cả tạo nên một cảm giác khó chịu vào ngày hôm sau. Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-giai-cac-hien-tuong-co-the-gay-kho-hieu-cho-con-nguoi-a87741.html