(ĐSPL) - Những năm gần đây, đề tài cổ trang đang là mảnh đất đầy hứa hẹn với các nhà làm phim Việt. Tính từ năm 2010 cho tới nay đã có trên 20 bộ phim (cả truyền hình và điện ảnh) được đầu tư dàn dựng. Thế nhưng có thực tế là mỗi khi những bộ phim này “trình làng” lại gây nên những tranh cãi khá ồn ào. Tiếc rằng, phần lớn trong số đó là những lời chê bai, chỉ trích.
Bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long". |
Kịch bản dễ dãi và sơ sài
Nếu nhìn vào tổng danh sách khoảng hơn 60 bộ phim cổ trang mà điện ảnh nước nhà thực hiện được (tức là những bộ phim lấy bối cảnh từ thời Pháp thuộc đổ về trước) sẽ thấy có nhiều phim đã nhận được một số giải thưởng điện ảnh cao quý. Tuy nhiên, chưa một bộ phim nào trong số đó được trao giải thưởng kịch bản xuất sắc. Nói như vậy để thấy, kịch bản phim cổ trang của chúng ta vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.
Bộ phim Mỹ nhân (ra mắt năm 2015 và được đầu tư kinh phí lên tới 16 tỉ đồng) nói về cuộc chiến của hai người phụ nữ trong cung (giai đoạn Trịnh – Nguyễn) để tranh giành sự sủng ái của nhà vua. Tuy nhiên khi ra mắt, bộ phim đã bị khán giả chê lên chê xuống vì câu chuyện lan man rời rạc, chi tiết thiếu thuyết phục. Doanh thu 500 triệu của bộ phim đã nói lên tất cả sự thất bại của nó.
Trong khi đó, bộ phim Mỹ nhân kế (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, ra mắt năm 2013) thực sự gây ấn tượng mạnh với khán giả vì doanh thu phòng vé lên tới hơn 50 tỉ đồng. Phim nói về số phận éo le của 4 cô kỹ nữ kiêm sát thủ ở Đường Sơn quán. Tuy nhiên, ở phần đầu bộ phim, ê – kíp đã làm tốt phim khá chất lượng nhưng càng về sau, nội dung càng tỏ ra nhạt nhòa khi không đẩy các tình huống lên được cao trào, không đi sâu vào nội tâm, những bí mật của các nhân vật vốn là điều có thể khai thác được lại bị phơi bày ra rất giản đơn. Kịch bản phim được cho là có quá nhiều tình tiết phi lý và diễn biến xung đột cũng bị chắp vá, rất nghiệp dư.
Bộ phim cổ trang đình đám thời gian qua - Tấm Cám: Chuyện chưa kể - cũng nhận phải “gạch đá” khi kịch bản bị cho là quá dễ dãi. Khán giả có thể dễ dàng đoán được diễn biến phim, tình tiết không có điểm nhấn, càng về cuối mạch phim càng yếu và giải quyết xung đột bằng cuộc chiến hai quái vật đã làm hỏng mạch logic của phim. Thậm chí ngay cả phim được đánh giá rất cao là Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, ra mắt năm 2010) cũng nhận phải sự phàn nàn khi cố nhồi nhét quá nhiều sự kiện khiến bộ phim mất đi điểm nhấn.
Thế nhưng trao đổi với PV báo ĐS&PL, đạo diễn Ngô Quang Hải lại cho rằng: “Tôi tin Việt Nam không thiếu kịch bản hay bởi nước ta có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến với rất nhiều sự kiện, vấn đề hấp dẫn”. Thế nhưng đa phần các bộ phim cổ trang vẫn thất bại, theo đạo diễn này là: “Nhiều đạo diễn không dám chọn làm phim cổ trang vì tất cả đòi hỏi sự chính xác, hấp dẫn từ kịch bản, phục trang, diễn xuất, bối cảnh đến phông văn hóa của người làm phim. Nhưng hiện chúng ta có quá ít người có kinh nghiệm làm về đề tài này. Hơn nữa việc pha trộn giữa yếu tố lịch sử và yếu tố điện ảnh vẫn gặp nhiều khó khăn nên nó dễ gây tranh cãi. Với một thể loại phim yêu cầu cao như vậy, chỉ cần sơ sẩy ở một khâu nào đó đều có thể khiến bộ phim thất bại”.
Bao giờ cho đến… chuyên nghiệp
Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn cũng như phê bình phim đều thừa nhận vai trò tối quan trọng của ê-kíp làm phim. Họ chính là người tìm kịch bản, dựng bối cảnh, lựa chọn trang phục... Nhưng rõ ràng đây là công việc không hề đơn giản và không phải ê-kíp nào cũng được đào tạo chuyên nghiệp. Thành ra nhiều bộ phim khi ra đời không có người xem, tiêu biểu như: Anh chàng vượt thời gian, Cuộc chiến với chằn tinh, Mỹ nhân...
Việc thiếu các thành phần chính trong ê - kíp làm phim thảm hại tới mức, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long, một bộ phim được đầu tư với số tiền lên tới 100 tỉ đồng nhưng phải đi thuê đạo diễn, biên kịch người Trung Quốc, bối cảnh cũng chủ yếu quay ở Trung Quốc. Thành ra khi bộ phim được công chiếu, khán giả đã phản ứng dữ dội khi cho rằng, đây là phim Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam. Ngay cả khi những đạo diễn gốc Việt về nước làm phim thì tình hình cũng không khá hơn bao nhiêu. Những bộ phim như: Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ, Lửa phật của Dustin Nguyễn... cũng không gây được nhiều tiếng vang.
Thế nên lời than thở của nhà thiết kế trang phục Cù Minh Khôi cũng có thể hiểu được khi anh cho rằng: “Ê-kíp làm phim ở ta luôn bị giới hạn về thời gian và chi phí nghiên cứu nên khó chiều lòng được hết khán giả. Thực tế để làm được một bộ phim cổ trang thì chi phí lớn hơn rất nhiều lần so với những phim thể loại khác và độ rủi ro cũng cao hơn rất nhiều. Trong khi chúng ta hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về phim trường, bối cảnh, tư liệu lịch sử... Làm phim một cách gói ghém thì tất nhiên vấp phải sạn là đương nhiên”.
Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc hãng Phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Một bộ phim cổ trang không thể thành công khi chỉ nhờ có kịch bản hay, trang phục đẹp mà bên cạnh đó sự diễn xuất của diễn viên cũng là một yếu tố tạo nên dấu ấn cho phim. Nhưng cũng không ít diễn viên trong phim cổ trang có lời thoại sống sượng, cách diễn thiếu tự nhiên, gượng gạo, chưa hóa thân được vào nhân vật. Công việc khó khăn nhất của người đạo diễn là lựa chọn kịch bản phim và diễn viên. Nếu thất bại một trong hai yếu tố đó thì chắc chắn phim đó khó thành công”.
Đạo diễn Vương Đức. |
Thực tế cho thấy, việc đào tạo chuyên sâu về diễn xuất cho phim cổ trang ở ta chưa được chú trọng. Thành ra từ khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ, khí chất... của người diễn viên khi nhập vai vào phim cổ trang đều toát lên vẻ đẹp rất... hiện đại. Nhiều diễn viên được lấy từ các đoàn kịch kết hợp chứ không hề được đào tạo công phu, bài bản. Chẳng nói đâu xa, bộ phim được quảng bá rầm rộ thời gian qua là Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng đang nhận phải nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng.
Cụ thể diễn xuất nhân vật Tấm của Hạ Vi bị cho là thua xa so với Lan Ngọc, Ngô Thanh Vân, thậm chí còn thua cả nhóm diễn viên không chuyên từ nhóm 365. Hạ Vi bị lên án vì diễn xuất khô cứng, lời thoại ít biểu cảm và uyển chuyển, không tạo được cảm xúc. Thậm chí, những cảnh diễn tình cảm, xúc động cùng hoàng tử Hiếu Long (Isaac thủ vai) làm khán giả thấy buồn cười hơn là đồng cảm với nhân vật. Ngoài ra phân đoạn “ngã cây” của Tấm với biểu cảm vô hồn, không cảm xúc còn trở thành đề tài bàn tán, chế ảnh khắp cộng đồng mạng.
PHẠM THIỆU - NGUYỄN THẮM
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]tgSKfbFVrS[/mecloud]