Tờ Guardian dẫn dữ liệu phân tích của công ty Kpler chuyên theo dõi lưu lượng hàng hải và tàu chở dầu cho biết, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã mua hơn một nửa lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2023.
Đóng vai trò là cửa ngõ chính cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho EU, Tây Ban Nha và Bỉ trở thành khách hàng lớn thứ hai và thứ ba của Nga, chỉ sau Trung Quốc.
“Các nước EU hiện mua phần lớn nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng của Nga, mang đến một trong những nguồn thu quan trọng nhất của Điện Kremlin”, ông Jonathan Noronha-Gant - nhà vận động cấp cao về nhiên liệu hóa thạch của tổ chức chống tham nhũng Global Witness chia sẻ.
Dòng khí đốt của Nga chảy qua đường ống châu Âu giảm xuống mức thấp nhất lịch sử kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, để bù đắp cho sự thiếu hụt, các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Nga, đã tăng mạnh và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt nào của EU.
Theo Global Witness, các nước EU đã mua 22 triệu m3 khí tự nhiên hóa lỏng của Nga trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2023, tăng 7m3 so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Noronha-Gant nêu quan điểm: “Việc mua khí đốt của Nga có tác động tương tự như việc mua dầu từ Moscow. Cả hai đều giúp tăng doanh thu cho Moscow. Mặc dù lên án cuộc xung đột nhưng các nước châu Âu lại đang rót tiền vào túi Nga”.
Trong khi đó, Tây Ban Nha và Bỉ cho biết những con số nói trên không phản ánh sức mua trong nước. Trên thực tế, các cảng của họ là cửa ngõ chính để cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho các quốc gia khác trong khối.
EU đã áp lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu và than của Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ngoài ra, EU cũng cấm các thực thế Nga dự trữ khí đốt trong khối và cấm hầu hết các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Moscow.
Mối lo ngại về tình trạng mất điện vào mùa Đông khiến người dân ở nhiều quốc gia châu Âu được yêu cầu giảm nhiệt độ sưởi ấm xuống 1 độ C. Việc chiếu sáng vào ban đêm ở các tòa nhà công cộng trên toàn EU, bao gồm cả tháp Eiffel, cũng bị dừng lại. Một số thành phố tắt đèn đường sau nửa đêm nhằm tiết kiệm năng lượng.
XEM THÊM: Triều Tiên diễn tập tấn công hạt nhân chiến thuật
Hồi tháng 1/2023, Đức thông tin nước này không còn phụ thuộc vào Nga về mặt năng lượng do đã đảm bảo được nguồn cung từ các nơi khác trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ và Na Uy.
Trong khi đó, Tây Ban Nha cho biết với tình hình hiện tại, hành động thống nhất và chặt chẽ là điều cần thiết để giảm sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga. Bên cạnh đó, nước này cho rằng tình trạng nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên tăng lên có lẽ là do các thương nhân lưu trữ tại các cơ sở ở Tây Ban Nha và Bỉ.
Theo thông tin trên Guardian, các cảng Zeebrugge và Antwerp của Bỉ đóng vai trò là cửa ngõ tới 18 thị trường, bao gồm cả Pháp và Đức, nơi phần lớn khí hóa lỏng tự nhiên được xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy chỉ 2,8% lượng khí đốt tiêu thụ tại Bỉ là từ Nga. Trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, Bỉ đã xuất khẩu toàn bộ trữ lượng khí đốt của nước này sang các quốc gia láng giềng.
Nguồn tin Tây Ban Nha cho hay, việc hạn chế nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga chỉ có thể thực hiện được nếu có thỏa thuận trước của châu Âu.
“Cho đến khi thỏa thuận như vậy có hiệu lực, chúng tôi đã yêu cầu các nhà khai thác không gia hạn hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng với Nga. Các nhà khai thác truyền thống lớn đã nói với Tây Ban Nha rằng họ không tăng, cũng không gia hạn các thỏa thuận.
Nếu đúng như vậy, rất có thể điều đang xảy ra là các thương nhân khác đã quyết định lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng ở EU để thuận tiện cho họ - chủ yếu ở Bỉ và Tây Ban Nha – nhờ cơ sở hạ tầng tái hóa khí và dỡ hàng thuận tiện ở các cảng này”, nguồn tin cho hay.
Hồi tháng 3/2023, EU đã kêu gọi các nước thành viên và công ty tư nhân ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga. “Tôi nghĩ chúng ta có thể và nên loại bỏ hoàn toàn khí đốt từ Nga càng sớm càng tốt”, ông Kadri Simson - Ủy viên năng lượng của khối nói.
Đinh Kim(Theo Guardian)