+Aa-
    Zalo

    "Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã bẻ gãy ý chí xâm lược của Pháp, buộc nước này phải ký Hiệp định Geneva và rút khỏi bán đảo Đông Dương.

    (ĐSPL) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã bẻ gãy ý chí xâm lược của Pháp, buộc nước này phải ký Hiệp định Geneva và rút khỏi bán đảo Đông Dương.
     

    Vị tướng già thăm lại chiến trường xưa.

    Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 55 ngày đêm và chia thành 3 đợt tiến công. Sau mỗi đợt, các đơn vị được tổ chức lại, bổ sung quân số và hậu cần.
    Đợt 1: Tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm
    Để bảo đảm nguyên tắc "trận đầu phải thắng", QĐNDVN đã bố trí một lực lượng mạnh hơn quân Pháp gấp 3 lần, nếu kể cả lực lượng dự phòng, gấp 5 lần.  
     

    Chỉ sau năm ngày chiến đấu, cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang.

    Lúc 17 giờ 5 phút chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, trận đánh bắt đầu. 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 mm, đồng loạt nhả đạn. Đến 23 giờ 30, chỉ huy Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn III/13e DBLE, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.
    Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập (Pháp gọi là Gabrielle) được giao cho Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ.
    Lúc 3 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tiến công. Đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15, QĐNDVN cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng lỗ chỗ vết đạn trên đỉnh đồi Độc Lập. Tiểu đoàn V/7e RTA bị xóa sổ, các sĩ quan binh sĩ sống sót đều bị bắt làm tù binh.
    Quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Pierre Langlais tổ chức phản công,  huy động 2 tiểu đoàn dù 8e BPC và 5e BPVN, tổng cộng 1.000 lính cùng 5 xe tăng, nhưng đang tiến quân thì bị nã pháo trúng đội hình nên buộc phải rút lui.
    Cũng sáng hôm đó, Charles Piroth, chỉ huy pháo binh cứ điểm, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh, đã tự sát trong hầm bằng một trái lựu đạn.
    Sáng ngày 17, đồn Bản Kéo xôn xao vì có tin Việt Minh sắp tiến công. Binh lính người Thái không còn nghe theo lời chỉ huy, ào ào chạy vào khu rừng. Trung đoàn 36 không cần nổ súng đã chiếm được Bản Kéo và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía bắc sân bay.
    Chỉ sau năm ngày chiến đấu, cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang.
    Tổng kết đợt 1, QĐNDVN đã tiêu diệt hoàn toàn 2 tiểu đoàn tinh nhuệ của Pháp, 1 tiểu đoàn và 3 đại đội ngụy quân bị bắt. Tổng cộng,  2.000 binh sĩ đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, 12 máy bay bị bắn rơi.
    Đợt 2: Đánh phân khu trung tâm
    Đợt 2 từ 30/3 đến 30/4/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh phân khu trung tâm đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm.

    Bản đồ các cứ điểm bảo vệ phân khu trung tâm ở lòng chảo Mường Thanh.

    Đây là đợt tiến công vào phân khu trung tâm chủ yếu nhằm chiếm dãy đồi phía đông khống chế cánh đồng Mường Thanh, với hơn một vạn quân. Hơn 30 cứ điểm ở đây được chia thành 4 trung tâm đề kháng mang tên những cô gái: Huguette, Claudine, Eliane, Dominique.
    18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.
    QĐNDVN đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1. Đại đoàn 308 đưa trung đoàn 102 từ phía tây sang phía đông, tiếp tục tiến công tiêu diệt A1 và phòng ngự tại C1.
    Các cuộc phản kích của Pháp ngày 31/3 đã hoàn toàn thất bại và  A1 đã trở thành "thành lũy cuối cùng"  của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, phía QĐNDVN đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng việc đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp.
    Những tuyến chiến hào dài khoảng hơn 100 km và việc đào công sự được thực hiện liên tục thường xuyên. Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, QĐNDVN đã xây dựng 2 loại đường hào: đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội với số lượng lớn và đường hào tiếp cận địch của bộ binh.
    Dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công của Pháp.
    Quân Pháp ngay từ ngày đầu tiên của trận đánh đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này nhưng không có phương sách nào để khắc chế. QĐNDVN vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ của quân Pháp.
    Suốt ngày đêm, từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đầu hào chỉ cách quân Pháp vài chục mét, bộ đội dùng ĐKZ bắn sập dần những lô cốt, ụ súng.
    Đối với quân Pháp, việc đi lấy nước dưới sông Nậm Rốm đã trở nên vô cùng nguy hiểm. Con số lính Pháp bị diệt trong thời gian này bằng súng bắn tỉa rất đáng kể. Chỉ trong vòng 10 ngày, các chiến sĩ bắn tỉa của Đại đoàn 312 diệt 110 lính Pháp.
    Quân Pháp sống trong những điều kiện cực kỳ khủng khiếp. Binh lính đào giếng nhưng chỉ thấy một thứ nước váng dầu đục ngầu. Rời công sự đi lượm dù hoặc lấy nước là làm mồi cho lính bắn tỉa.
    Vòng vây thu hẹp, tiếp tế trở nên cực kỳ khó khăn. Riêng trong ngày 26/4, 50 máy bay Pháp trúng đạn trên bầu trời Điện Biên Phủ và 3 chiếc bị bắn hạ, trong đó có một máy bay B-26 Invader và hai chiếc F6F Hellcat của hạm đội 11, do phi công Mỹ lái.
    QĐNDVN trong một tuần đã thu được 776 dù với đủ cả đạn, gạo, đồ hộp, sữa, dầu hỏa... Số hàng này Pháp đã phải dùng khoảng 30 chuyến C-47 Dakota để chuyên chở.
    Cuốn “Nhật ký chiến sự” của Jean Pouget ghi nhận: “Có tới 50\% kiện hàng rơi ngoài bãi thả. Ngày 6/4, hơn 10 khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được 2 khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9/4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế bằng thả dù, quân Pháp  chỉ thu được... 6 tấn. Ngày 18/4, hơn 30 tấn hàng ‘rơi lạc’ sang trận địa Việt Minh”.
    Đợt 3: Tổng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
    Đợt 3 kéo dài từ 1/5 đến 7/5/1954, QĐNDVN đánh dứt điểm dãy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại.
    Để chống lại hệ thống hầm ngầm kiên cố trên đồi A1, công binh Việt Nam đã đào đường hầm tới dưới hầm ngầm, đưa 1 tấn bộc phá vào rồi kích nổ.
     
    Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của QĐNDVN tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries.
    Ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba, quân Pháp đã mất thêm bốn cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía đông và 311A ở phía tây.
    Đêm 4/5, sau khi tiêu diệt 311A, Đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B '(Huguette 4)' ở phía trong,  đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Lili, tấm bình phong cuối cùng che chở cho sở chỉ huy De Castries ở hướng này.
    Cũng trong ngày 5/5, đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá bao gồm những gói 20 kg được đưa vào đặt dưới hầm ngầm Pháp. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối 6/5/1954.
    Đúng 20 giờ 30, khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, diệt phần lớn đại đội dù 2 đóng ở đây. Sáng ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Đúng 3 giờ chiều ngày 7/5, các đại đoàn được lệnh mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Vào lúc 5 giờ 30 chiều 7/5, Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries”.
    Cụm phân khu Nam Hồng Cúm mưu toan chạy sang Lào nhưng bị các đơn vị QĐNDVN đuổi theo, tất cả đã bị bắt. Gần 11.000 quân Pháp còn lại tại Điện Biên Phủ đã bị bắt làm tù binh.
    Kết quả trận đánh
    Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747- 2.293 người chết, 5.240- 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. Toàn bộ 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh…bị tiêu diệt. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Thiệt hại về phía Mỹ là 2 phi công chết và 1 bị thương.
    Hơn 11.721 quân lính của phía Pháp bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ.
    Về không quân, Pháp bị tổn thất 59 phi cơ bị phá hủy (38 chiếc đang bay, 21 trên đường băng). Ngoài ra còn có 186 phi cơ khác bị trúng đạn và hư hại ở các mức độ khác nhau. Phía Mỹ có 1 phi cơ C-119 bị bắn rơi. Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháo binh ở Điện Biên Phủ. Phía QĐNDVN thu giữ 3 xe tăng, 28 đại bác, 5.915 súng các loại cùng rất nhiều đạn dược, quân trang quân dụng.  
    Một ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lung-lay-dien-bien-chan-dong-dia-cau-a31952.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan