(ĐSPL) - Cho rằng phương án "Đánh nhanh, thắng nhanh" không chắc thắng, Tổng chỉ huy chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn phương án "Đánh chắc, tiến chắc".
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Trước đó, ngày 14/1/1954 tại hang Thẩm Púa, Bộ chỉ huy chiến dịch đã phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "Đánh nhanh, thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là ngày 20/1/1954.
Nhiệm vụ thọc sâu giao cho Đại đoàn 308. Đại đoàn chủ lực này sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, thọc thẳng tới sở chỉ huy của de Castries. Các đại đoàn 312, 316 nhận nhiệm vụ, đột kích vào hướng đông, nơi có những cao điểm trọng yếu. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong vòng 3 ngày đêm bằng “tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu” này đã được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc.
Do một đơn vị trọng pháo QĐNDVN vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày đến 17 giờ ngày 25/1. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị phía Pháp biết được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thêm 24 giờ, chuyển sang 26/1/1654.
Suốt ngày 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và quyết định cho lui quân do ba khó khăn rõ rệt:
Thứ nhất, cho đến thời điểm đó, bộ đội chủ lực chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm. Ví dụ tại trận Nà Sản bộ đội đã không thành công và bị thương vong nhiều.
Thứ hai, đây là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập.
Thứ ba, QĐNDVN từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh và xe tăng chi viện.
Tướng Giáp cho rằng phương án "Đánh nhanh, thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên và không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "Đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy QĐNDVN sáng 26/1 không đi đến ý kiến thống nhất, tuy không ai dám chắc rằng trận này sẽ thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó. Ông kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Ông quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.
Trong vòng gần 2 tháng sau đó, QĐNDVN tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn xung quanh núi rừng Điện Biên Phủ. Sau đó, lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Về chiến thuật tác chiến bộ binh, từ những kinh nghiệm thu được ở Hòa Bình, Nà Sản, Bộ chỉ huy QĐNDVN chủ trương tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng, từng cứ điểm từ ngoài vào trong, thu hẹp phạm vi chiếm đóng cho tới lúc Pháp không còn sức kháng cự. Không sử dụng lối đánh xung phong trực diện mà dùng cách đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm địch. Cách "đánh bóc vỏ" này cần một thời gian chuẩn bị và chiến đấu dài ngày. Bộ binh được đường hào che chắn và có được vị trí tiến công gần nhất có thể, sẽ hạn chế tối đa thương vong khi tấn công.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần, diễn ra trong mùa mưa và phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi rồi kéo lại vào các vị trí mới. QĐNDVN đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với một nỗ lực rất lớn.
Sau này khi tổng kết về chiến thắng của QĐNDVN tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất được với nhau rằng một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là QĐNDVN đã huy động được rất lớn nguồn nhân lực để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, một việc mà người Pháp cho rằng người Việt Nam không thể nào làm nổi.
Trong hồi ký, Tướng Navarre cũng khẳng định: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu, thì chắc chắn ông ta đã thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó”.
Mời độc giả xem tiếp “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-dich-dien-bien-phu-doi-phuong-an-tac-chien-a31797.html