Liên quan đến vấn đề bổ nhiệm cán bộ tại bệnh viện đa khoa Thanh Hóa, Giám đốc Sở Y tế, ông Trịnh Hữu Hùng khẳng định "sai quy trình".
Bổ nhiệm sai quy trình
Theo ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa việc bổ nhiệm cán bộ, cụ thể là trường hợp ông Lê Duy Nam (SN 1974) từ Phó trưởng Khoa Dược lên làm Trưởng Khoa dược và ông Nguyễn Văn Thắng làm Trưởng phòng Tài chính - Kế toán tại bệnh viện đa khoa Thanh Hóa là không đúng quy trình.
Theo đó, việc ông Nam và ông Thắng chỉ có bằng đại học tại chức không có bằng đại học chính quy theo tiêu chuẩn Quyết định 2235 do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 28/6/2017 khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Ông Hùng cho biết, sự việc trở nên phức tạp hơn khi văn bản ban hành thiếu sự rõ ràng và nhất quán. Cụ thể, khi nhận thấy việc bổ nhiệm cán bộ ở bệnh viện đa khoa chưa đúng, Sở Y tế đã có ý kiến, song UBND tỉnh giải thích việc bổ nhiệm này là hoàn toàn đúng quy trình.
Theo UBND tỉnh, tại Khoản a, Điều 5 của Quyết định 2235 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định về trình độ nhân sự được bổ nhiệm như sau: “Chuyên môn: Tốt nghiệp Đại học trở lên, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao phụ trách. Công chức, viên chức bổ nhiệm lần đầu, nếu tuổi đời dưới 45 tuổi, nói chung phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy (kể cả nhũng người đã tốt nghiệp sau đại học). Đối với những người đang công tác ở các huyện miền núi là người dân tộc thiểu số hoặc đã công tác 5 năm trở lên và cam kết tiếp tục công tác tại các huyện miền núi 5 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm thì chỉ yêu cầu tốt nghiệp đại học”.
UBND tỉnh Thanh Hóa giải thích là về trình độ nhân sự bổ nhiệm ở đây có sự “mở”, cụ thể là tỉnh dùng từ “nói chung”, nghĩa là ngoài “nói chung” thì vẫn có những trường hợp riêng.
Theo quan điểm của người đứng đầu Sở Y tế Thanh Hóa, việc quy hoạch nguồn ngay từ đầu đã không đúng quy trình thì việc bổ nhiệm sau đó hoàn toàn không có ý nghĩa.
Văn bản mâu thuẫn?
Trước đó, tại văn bản số 1664 ra ngày 13/11/2017, sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa nêu, việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý các khoa, phòng của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị trực thuộc sở Y tế không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Thanh Hóa mà thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các đơn vị này quyết định.
Nội dung của văn bản số 1664 nêu rõ: “Đối với các chức danh lãnh đạo quản lý các khoa, phòng của bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và các đơn vị trực thuộc sở Y tế nói chung thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở Y tế và không thuộc đối tượng áp dụng các quy định tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý ban hành kèm theo Quyết định số 2235 ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa”.
Theo nội dung trên thì việc thẩm quyền bổ nhiệm và xem xét lại quy trình bổ nhiệm nhân sự của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thuộc về Giám đốc đơn vị này và Sở Y tế Thanh Hóa mà không thuộc thẩm quyền của sở Nội vụ và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Quy đinh là vậy nhưng trong văn bản này lại có “mâu thuẫn”, phần đầu của nội dung trong văn bản nêu rõ “việc bổ nhiệm nhân sự của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không thuộc thẩm quyền của sở Nội vụ và UBND tỉnh”. Tuy nhiên, đến phần cuối văn bản, sở Nội vụ lại cho rằng việc bổ nhiệm của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là phù hợp với tình hình thực tế và vận dụng các quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa |
Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng, việc bệnh viện bổ nhiệm ông Nam và ông Thắng do sở Y tế Thanh Hóa “chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện” nên Giám đốc bệnh viện đã “vận dụng linh hoạt” khi bổ nhiệm, cụ thể áp dụng theo Quyết định số 2235.
Chỉ hai ngày sau khi sở Nội vụ ra văn bản 1664 thì ngày 15/11/2017 chỉ dựa trên văn bản 1664 của sở Nội vụ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 13973 với nội dung đồng ý với văn bản tham mưu của sở này.
Về vấn đề này, ông Trịnh Hữu Hùng cho biết, trong văn bản của Sở Nội vụ giải thích về những quy định trong văn bản 2235 của tỉnh, cho rằng có từ "nói chung" thì sẽ có những trường hợp thuộc diện "nói riêng", nghĩa là bổ nhiệm vẫn đúng.
"Theo tôi là do cách hiểu văn bản và thời điểm làm quy trình cho chức danh này là thời điểm chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì thế chấp nhận vẫn có thể chấp nhận được. Đó là lỗi ở trên. Cấp trên chẳng có văn bản cụ thể gì thì cấp dưới họ không biết căn cứ vào đâu thì cứ thế họ làm thôi. Kiểu tiền trảm hậu tấu, làm trước rồi báo cáo sau. Đúng, sai thế nào thì sau đó cấp trên lại mới xem xét để điều chỉnh, bổ sung", ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hùng thì khi quy hoạch nguồn không đúng thì quy trình bổ nhiệm đã sai ngay từ đầu.
Hoàng Giang(T/h)