(ĐSPL) - Để chiến dịch không kích phát huy hiệu quả, Mỹ cần tranh thủ sự hỗ trợ của người Kurd ở Syria, một lực lượng vốn bị Washington ruồng bỏ.
|
Các nữ dân quân người Kurd từng khiến cho các chiến binh thánh chiến IS kinh hồn bạt vía ở miền bắc Syria. |
Trong một bài viết cho CNN, nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề Arập và Hồi giáo Barak Barfi của New America Foundation cho rằng chính phủ Mỹ không thể dựa vào Quân đội Syria Tự do “vừa bạc nhược vừa vô tổ chức”, mà phải dựa vào người Kurd ở Syria, để đánh bại “Nhà nước Hồi giáo”.
“Nhà nước Hồi giáo” chính là lực lượng chiến đấu mạnh nhất ở miền bắc và miền đông Syria, trong khi các đối thủ cạnh tranh của tổ chức khủng bố này đều đã bị suy yếu trong những tháng gần đây. Lữ đoàn thánh chiến Ahrar al-Sham bị suy yếu nghiêm trọng, khi Qatar cắt tài trợ và chỉ huy của lữ đoàn này bị chết. Các phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” đã đánh đuổi Mặt trận al-Nusra (Jabhat al-Nusra) có liên hệ với al-Qaeda khỏi căn cứ địa Deir al-Zour ở miền đông Syria, trong khi Lữ đoàn Tawhid đã mất sức chiến đấu, kể từ cái chết của chỉ huy lữ đoàn năm ngoái.
Trong khi đó, Washington đặt hy vọng vào các đơn vị của Quân đội Syria Tự do (FSA) và đã công bố một chương trình huấn luyện 5.000 quân nổi dậy “ôn hòa” ở Jordan và Saudi Arabia.
Việc trang bị cho Quân đội Syria Tự do (FSA) thực ra có vấn đề ngay từ đầu. Các nguồn tin ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong mùa hè vừa qua, một lữ đoàn của FSA đã tìm cách bán tên lửa chống tăng TOW (do Mỹ cung cấp) cho các lực lượng Jabhat al-Nusra với giá mỗi quả 25.000 USD.
Trên thực tế, việc ném tiền, vũ khí và huấn luyện các đơn vị FSA sẽ không giúp đánh bại được “Nhà nước Hồi giáo”.
Các lữ đoàn của FSA thường chạy theo lợi ích vật chất và địa vị xã hội. Trong chiến đấu, các lực lượng FSA tỏ ra bạc nhược và “mạnh ai, nấy chạy”, không hề quan tâm đến hợp đồng tác chiến, chứ nói gì đến số phận của các đơn vị bạn. Thậm chí, mùa hè năm 2013, Lữ đoàn 11 của FSA đã chạy sang hàng ngũ Jabhat al-Nusra. Do khó khăn về hậu cần, các lữ đoàn chiến đấu của FSA hiếm khi vượt quá “lãnh địa” của họ ở các tỉnh Aleppo và Idlib. Ngoài ra, các khu vực do FSA kiểm soát đều mất ổn định, dân chúng bị sách nhiễu nặng nề và không được đảm bảo về an ninh.
Trong khi đó, khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan (PYD) lại khá yên bình. PYD cai trị thành phố Qamishli và các làng mạc xung quanh ở miền bắc Syria. Không giống như ở Aleppo, nền kinh tế ở Qamishli không bị sụp đổ và người dân cũng không phải chặt phá rừng để lấy củi sưởi ấm. Trái ngược với Raqqa do “Nhà nước Hồi giáo” kiểm soát, các tín đồ Cơ đốc giáo không bị đuổi ra khỏi thành phố Qamishli, mà còn được bảo vệ khá chu đáo.
Hơn nữa, sự sợ hãi cố hữu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc khu tự trị của người Kurd ở Syria cung cấp một nơi ẩn náu an toàn cho người Kurd chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ như các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã được chứng minh là vô căn cứ. Đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan (PYD) đã đảm bảo hòa bình trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và chính Ankara đã đáp lại bằng cách gặp gỡ các nhà lãnh đạo của PYD.
|
Tài sản lớn nhất của PYD chính là sự sẵn sàng chiến đấu chống các lực lượng “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria” (ISIS) trước đây và “Nhà nước Hồi giáo” (IS) hiện nay. |
Tài sản lớn nhất của PYD chính là sự sẵn sàng chiến đấu chống các lực lượng “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria” (ISIS) trước đây và “Nhà nước Hồi giáo” (IS) hiện nay. Rất lâu trước khi các lữ đoàn của FSA quay súng đánh lại các chiến binh thánh chiến ISIS, các tay súng của Đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan đã chiến đấu chống lại nhóm khủng bố này. Và trong khi các đơn vị của FSA nhận được vũ khí từ Washington như Lữ đoàn Hazm và Sư đoàn 13 đã lên án các cuộc không kích của Mỹ, PYD lại hoan nghênh chiến dịch không kích chống IS hiện nay.
Tuy nhiên, Washington vẫn xa lánh và từ chối công nhận Đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan vì đảng này “có quan hệ” với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ, một tổ chức bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê vào danh sách khủng bố từ năm 1997.
Tác giả bài viết Barak Barfi kết luận: Trong một đất nước mà Mỹ có rất ít đồng minh như ở Syria, một sự thay đổi chính sách của Washington có thể mang lại kết quả ngoài mong đợi. Nếu chỉ dựa các lực lượng bạc nhược “trên bảo dưới không nghe” của Quân đội Syria Tự do, phương Tây sẽ không thể nào đánh bại được “Nhà nước Hồi giáo”. Hợp tác với các lực lượng của Đảng Liên minh Dân chủ Kurdistan có thể giúp Washington đạt được mục tiêu cuối cùng là “tiêu diệt” tổ chức khủng bố mang danh nhà nước này.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luc-luong-nao-giup-my-danh-bai-is-o-syria-a54539.html