(ĐSPL) - Đó là ý kiến của TS. Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi đánh giá về đề xuất luật hóa việc "chạy chức, chạy quyền".
Theo TS. Đương, mua quan bán tước bị coi là hành vi phạm tội. Giờ luật hóa, cho phép công khai việc này thì khác nào thừa nhận một hành vi phạm tội, thừa nhận một việc làm nguy hiểm?
TS. Đỗ Văn Đương. |
Có ý kiến cho rằng, từ thực tế công cuộc chống tham nhũng ở nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn nên đề xuất luật hóa cho phép việc “chạy chức, chạy quyền” giống như một "giải pháp" kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, TS. Đương lại không đồng tình khi cho rằng: "Đây là ý kiến không đúng và cần xem xét lại. Bởi lẽ, việc "chạy chức, chạy quyền" là một hành vi nguy hiểm cho xã hội".
"Chế độ của chúng ta hiện nay dựa trên nền tảng là nhân dân và nhân dân sẽ cử những người con ưu tú của mình vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc ngầm “chạy chức, chạy quyền” vốn là một hành vi trái pháp luật và chúng ta đang bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để chống nó. Không chỉ vậy, hành vi “chạy chức, chạy quyền” còn được coi là hành vi phạm pháp. Giờ luật hóa, cho phép công khai việc này thì khác nào thừa nhận một hành vi phạm tội, thừa nhận một việc làm nguy hiểm? Nếu cho phép "chạy chức, chạy quyền" thì những người có nhiều tiền nhưng năng lực kém đều có thể làm lãnh đạo hết à? Những bài học lịch sử từ các cụ để lại vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta tham khảo", ông Đương nhấn mạnh.
Đại biểu Đỗ Văn Đương còn cho biết thêm: "Vấn đề đặt ra là tại sao họ phải "chạy chức, chạy quyền"? Phần nhiều bởi họ không có năng lực, nên phải dùng tiền để bù đắp những thiếu hụt đó. Vì vậy điều quan trọng nhất là trừng trị, xử lý nghiêm những người vi phạm chứ không thể có chuyện việc gì không làm được là luật hóa nó lên để dễ bề kiểm soát. Quản lý không được mà đi thừa nhận nó thì quá nguy hiểm cho xã hội".
Theo ông Đương, "chạy chức, chạy quyền" là hình thức dùng tiền để lôi kéo, dụ dỗ người khác ủng hộ cho mình, bất kể mình có tài năng hay không. "Việc làm này thì không đất nước nào trên thế giới đồng ý cả. Điều dễ nhận thấy là tội nhận hối lộ để "chạy chức, chạy quyền" bị các nước trên thế giới xử lý rất nghiêm chứ không hề có chuyện họ cho phép công khai", vị TS luật nhấn mạnh.