Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, nguyên nhân xảy ra sạt lở đất, ngập lụt thời gian qua ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam “gắn chặt với tính dị thường và cực đoan của thời tiết”.
Các Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội
Những ngày qua, nghị trường Quốc hội nóng hơn bao giờ hết khi vấn đề xây dựng thủy điện nhỏ được đưa ra tranh luận. Sau khi mưa lũ, sạt lở liên tiếp gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và của ở các tỉnh miền Trung, thủy điện nhỏ được xác định là một phần nguyên nhân.
Cụ thể, những công trình thủy điện nhỏ không trực tiếp gây ra sạt lở, nhưng việc xây dựng thủy điện nhỏ khiến diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá nặng nề, gây mất cân bằng hệ sinh thái.
Trong phiên trả lời chất vấn ĐBQH ngày 5/11, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, nguyên nhân xảy ra sạt lở đất, ngập lụt thời gian qua ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam “gắn chặt với tính dị thường và cực đoan của thời tiết”.
Còn Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng “mưa lũ là do Trời, địa chất đứt gãy”.
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lại khẳng định “diện tích rừng tự nhiên những năm qua đang tăng chứ không giảm”.
Câu trả lời của 3 vị Bộ trưởng đã khiến cho dư luận một lần nữa phải đặt dấu hỏi về trách nhiệm người “Tư lệnh ngành” trong lĩnh vực các vị này phụ trách, trong đó có vấn đề xây dựng tràn lan các công trình thủy điện nhỏ.
TS Nguyễn Ngọc Chu - Viện Toán học (Viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam) |
Lỗi là do chúng ta mà ra!
Về vấn đề này, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Chu - viện Toán học (thuộc viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam) – người có những quan tâm đặc biệt đến câu chuyện xây dựng thủy điện nhỏ.
PV: Ông nhận định thế nào về cách các Bộ trưởng trả lời câu hỏi của ĐBQH liên quan đến xây dựng thuỷ điện nhỏ vừa qua?
TS. Nguyễn Ngọc Chu: Các Bộ trưởng: bộ Công Thương, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như vậy tôi thấy thực sự chưa làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu.
Đừng có đổ lỗi cho ông Trời, lỗi là do chúng ta mà ra! Những trận sạt lở sau lũ lụt vừa qua không phải thiên tai mà là nhân tai, tức tai họa do con người gây ra chứ không phải do tự nhiên.
Nói về thủy điện, thì riêng việc cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ ồ ạt thời gian qua đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị mất đi. Đồng thời, việc tiếp tay cho nạn trộm gỗ, phá rừng, các hành vi lợi dụng sơ hở để thực hiện mục đích phá rừng càng làm diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp.
Rừng tự nhiên bị tàn phá sẽ khiến hệ sinh thái mất đi sự cân bằng, mà khi rừng mất đi thì chức năng cản lũ cũng không còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Và nếu tình trạng này còn tiếp tục thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn nhiều.
PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
TS. Nguyễn Ngọc Chu: Không dự án thủy điện nào mà không lấn chiếm diện tích rừng, từ vài trăm héc-ta cho đến hàng chục ngàn héc-ta. Đã có hàng triệu héc-ta rừng bị hy sinh cho thủy điện.
Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31/12/2019, diện tích đất có rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha (146.000km2 ), trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tỉ lệ tính độ che phủ là 13,8 triệu ha, tỉ lệ che phủ khoảng 41,89% diện tích toàn quốc. Nhưng tôi cho đó là con số “tự động viên”. Vì không phải có cây thì gọi là rừng. Diện tích rừng đúng nghĩa của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều.
Nhìn bằng mắt thường và chụp ảnh vệ tinh thì khu rừng vẫn có màu xanh, nhưng đã mất đi các chức năng chính của rừng tự nhiên. Cây to bị đốn đi thì nước trút xuống, không ngấm thành nước ngầm, trôi đi, dẫn đến lũ lụt và sạt lở. Không có mạch nước ngầm thì toàn bộ môi trường sống bị ảnh hưởng, nhất là nước cung cấp trong mùa khô cho con người, cây trồng và động thực vật.
Cho nên, khi khu rừng tự nhiên bị đốn hết các cây cao to để lấy gỗ, thì diện tích rừng tuy vẫn được tính, nhưng khu rừng đó mất đi vai trò rừng tự nhiên. Còn các rừng mới trồng phải cần cả trăm năm mới có được phần nào vai trò của rừng tự nhiên.
PV: Về vai trò của thủy điện nhỏ, ông có đánh giá thế nào về những công trình xây dựng này?
TS. Nguyễn Ngọc Chu: Thủy điện là một nguồn năng lượng rất quý giá, khai thác đúng khoa học thì rất tốt nhưng hiện nay, chúng ta đã khai thác một cách bừa bãi, phản khoa học, chúng ta đang tàn phá thủy điện. Nếu trên một dòng sông chỉ xây dựng một nhà máy thủy điện với công suất nhất định, thì việc cắt lũ và ngăn dòng chảy rất tốt. Tuy nhiên, ở nước ta nói chung và ở miền Trung nói riêng thì việc xây dựng các thủy điện nhỏ quá ồ ạt, trên một dòng sông có đến 3 - 4 nhà máy thủy điện, thì thử hỏi việc cắt lũ, ngăn lũ, điều tiết lũ có ổn không hay càng làm cho việc lũ lên không có nơi thoát nước nhanh hơn.
Trong các dự án gây tàn phá rừng, thì thủy điện là “một con thú dữ”. Bởi, khác với các dự án khác, thủy điện không những phá rừng, mà còn đắp đập ngăn nước. Theo thống kê chưa đầy đủ thì các hồ thuỷ điện lưu giữ khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa nước trong cả nước. Các hồ chứa nước của thủy điện cắt được lũ trong mùa mưa nhỏ, nhưng tạo nên lũ lớn hơn vào mùa mưa lũ lớn. Các hồ chứa nước này ngăn cản sự tuần hoàn tự nhiên của nước, làm mất sự cân bằng sự phân phối nước trên bề mặt và dưới lòng đất, từ đó dẫn đến sự biến đổi toàn bộ hệ thống sinh thái.
Tôi phải nói rằng, thủy điện nhỏ không giúp giải bài toán năng lượng, nhưng lại buộc chúng ta phải phá rừng. Đó là điều cần phải nhìn một cách trực diện. Tôi không phản đối thủy điện, tôi phản đối việc làm thủy điện nhỏ một cách “quá quắt” như vậy.
Thuỷ điện Đắk Mi (Phước Sơn, Quảng Nam) xả lũ. |
Vốn nhỏ, lãi nhiều
PV: Xin ông nói rõ hơn về việc cắt lũ khi xây dựng thủy điện nhỏ ở khu vực miền Trung hiện nay?
TS. Nguyễn Ngọc Chu: Địa hình ở miền Trung rất dốc, nên việc xây dựng thủy điện nhỏ ở những khu vực này không thể đảm bảo việc cắt lũ. Nếu bình thường không ngăn đập thì nước sẽ ngấm xuống lòng đất khoảng 20 – 30mm, đến khi có lũ, nước dần dần thấm đều thì việc lũ lên nhanh khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc ngăn đập thì dẫn đến tình trạng đất đã ngấm đủ nước đã bão hòa, khi có mưa lớn, lũ về đất không thể thấm nước được nữa, dẫn đến lũ lên nhanh và cao hơn. Hơn nữa, thủy điện nhỏ có diện tích hạn hẹp, chỉ khoảng 10 triệu m3 , với lượng mưa như Hà Tĩnh, Quảng Nam... vừa qua thì sức chứa nước của hồ thủy điện nhỏ như lượng muối bỏ biển.
Còn nếu so sánh nhà máy thủy điện nào cắt được lũ, thì hãy nhìn nhà máy thủy điện sông Đà với diện tích hồ chứa 10 tỷ m3 , có thể giữ được 10m nước sông Hồng (về chiều cao), đó mới là thủy điện cắt được lũ.
PV: Có ý kiến cho rằng, quy trình thẩm định xây dựng các thủy điện nhỏ có vấn đề, quan điểm của ông thế nào?
TS. Nguyễn Ngọc Chu: Những năm 2000, việc xây dựng thủy điện nhỏ diễn ra ồ ạt, “nhà nhà làm thủy điện”, chỉ cần có tiền và nhìn thấy sông là họ đã xây dựng được thủy điện. Đặc biệt địa hình dốc như miền Trung chỉ cần đắp đập là có thể dễ dàng xây thuỷ điện nhỏ. Nhưng khu vực miền Trung, thủy điện lại không an toàn từ nghiên cứu đến xây dựng.
Các Bộ ngành làm quy trình thẩm định thì đúng đấy, chặt đấy, nhiều lớp nhưng “vẫn lọt”. Những công ty xây dựng thủy điện nhỏ họ có tiền, nhưng đều là những công ty thương mại, không phải tập đoàn lớn. Các công ty này hoạt động thế nào, ai kiểm soát họ khi xây dựng thuỷ điện? Đó mới là vấn đề.
Chúng ta đổ lỗi mất rừng là do kiểm lâm, nhưng thử ngẫm nghĩ lại việc phê duyệt xây dựng thủy điện sẽ đương nhiên phải phá một diện tích rừng. Lợi dụng tình trạng đó, nhiều đối tượng xấu, thậm chí là chính doanh nghiệp xây dựng thủy điện đó khai thác tràn lan quá với quy hoạch dẫn đến diện tích rừng mất đi rất lớn, đặc biệt là rừng tự nhiên – loại rừng có chức năng chống lũ, chống sạt lở rất tốt. Nếu xem xét thì nên xem xét trách nhiệm của những người quản lý cấp trên không sát sao trong việc này.
Các nhà quản lý nên chấm dứt việc phê duyệt xây dựng những nhà máy thủy điện nhỏ, tập trung phát triển rừng tự nhiên, nhân rộng trồng rừng tự nhiên phủ xanh đồi núi để giảm bớt những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trồng được nhiều rừng mới. Đó là những di sản quý giá mà thế hệ trước phải để lại cho thế hệ sau. “Của hồi môn” – không có gì quý hơn môi trường sống.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng lưu ý xem xét các dự án thủy điện nhỏ Trước đó, phát biểu tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý xem xét các dự án thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới những công trình nào xây dựng liên quan đến đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, phát triển phải gắn với tính bền vững và hiệu quả. "Phát triển con người gắn với văn hóa, môi trường là vấn đề lớn của đất nước, nên sắp tới đây sẽ trình Quốc hội vấn đề môi trường để khắc phục các bất cập trong phát triển. Người dân không chỉ hưởng vật chất mà tinh thần, môi trường sống rất quan trọng", Thủ tướng nói. | |
ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng bộ Công Thương về lợi - hại của thủy điện nhỏ Dẫn ví dụ việc xây dựng 25 dự án thủy điện ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 ha rừng của 26.000 hộ dân, ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản thích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao, có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện, như phá vỡ sinh kế và mất rừng. Theo bà Dung, việc xây dựng các công trình thủy điện còn gây ra động đất cường độ nhỏ và ảnh hưởng tới nguồn nước hạ lưu, làm thay đổi dòng chảy... Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Cho rằng thủy điện tiềm ẩn nguy cơ, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị thay thế bằng các năng lượng xanh, sạch như điện gió, điện mặt trời. "Tôi cũng không chống lại vấn đề làm thủy điện, nhưng phải làm thế nào đây để đất nước không thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề, và lưu ý cả Thủ tướng và Bộ trưởng bộ TN&MT đều thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế, và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng thì nên thực hiện theo đúng phương châm này. Đại biểu Dương Trung Quốc cũng tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi cho rằng, chúng ta mới chỉ bàn tới câu chuyện của ngày hôm nay mà chưa bàn tới 40 - 50 năm nữa, khi các dự án thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì nó sẽ trở thành những quả bom nổ chậm. “Nguồn lực nào quản lý nó?”, ông Quốc đặt câu hỏi, và cho rằng ngay từ bây giờ, khi xây dựng thủy điện, chúng ta phải thấy được kết cục của nó như thế nào. “Chắc chắn nó sẽ là một di sản sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo”, ông Quốc nói. Dẫn ví dụ nếu hàng vạn mét vuông pin điện mặt trời không dùng nữa sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm, ông Quốc kiến nghị bộ Công Thương, ngành TNMT phải quan tâm và có chế tài để đảm bảo có nguồn lực giải quyết những hậu họa như thế. |
Thu Huyền- Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ Hai (179)