Do ảnh hưởng của lũ lụt, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa nước chạm nóc nhà, có 3 người mất tích do sạt lở đất và lũ cuốn trôi.
Sáng 1/9, báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết lũ thượng nguồn sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Hạ lưu sông Mã, sông Bưởi, sông Cầu Chày đang lên chậm.
Ngày 31/8, nước sông Mã ở Thanh Hóa dâng cao, tại các huyện Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ đã vượt báo động 3. Ảnh: VnExpress |
Mực nước lúc 5h ngày 1/9 tại huyện Cẩm Thủy là 21.36 m (trên báo động 3 là 0,86 m), tại Lý Nhân là 12,4 m (trên báo động 3 là 0,4 m).
Ngày và đêm nay, lũ hạ lưu sông Mã, sông Bưởi lên chậm và duy trì ở mức đỉnh; sông Cầu Chày tiếp tục lên chậm; sông Chu xuống chậm.
Một góc ngập lụt ở huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Vietnamnet |
Để đảm bảo an toàn, các huyện miền núi (Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá thước, Cẩm Thủy) đã chủ động sơ tán 4.604 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp và các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đến nơi an toàn.
Các huyện, thành phố có đê sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn đã chủ động sơ tán 4.249 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông.
Về thiệt hại, toàn tỉnh có 3 người mất tích (huyện Mường Lát 2 người bị đất đá vùi lấp, huyện Cẩm Thủy có 1 học sinh 16 tuổi bị lũ cuốn). Có 123 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 4.584 nhà bị ngập; 11 điểm trường bị ngập, 6 điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở đất, 2 nhà bán trú bị vùi lấp do sạt lở đất. 3 cầu treo bị đổ sập. 2,5 ha lúa ở tỉnh này bị cuốn trôi, 963 ha lúa bị ngập; 1.300 con gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Đến thời điểm này, ngành chức năng đang cùng chính quyền, nhân dân các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Vũ Đậu (T/h)