+Aa-
    Zalo

    Lối sống xa xỉ bậc nhất của quốc vương Brunei: Máy bay dát vàng, gara chứa hàng ngàn siêu xe

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đức vua Sultan Hassanal Bolkiah nổi tiếng với lối sống vương giả, bộ sưu tập xe hơi đồ sộ trị giá tới 9 tỷ USD và các sở thích, thói quen xa xỉ khác.

    Đức vua Sultan Hassanal Bolkiah nổi tiếng với lối sống vương giả, bộ sưu tập xe hơi đồ sộ trị giá tới 9 tỷ USD và các sở thích, thói quen xa xỉ khác.

    Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah. Ảnh: EPA

    Tại quốc gia châu Á nhỏ bé Brunei, quốc vương Sultan Hassanal Bolkiah không chỉ là người lãnh đạo tối cao của hoàng gia mà còn giữ chức vụ Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng ngoại giao và thương mại, Bộ trưởng quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội, Tổng thanh tra cảnh sát Hoàng gia và thậm chí là hiệu trưởng của trường đại học quốc gia .

    Ông Sultan sinh ngày 15/ 7 /1946, là con trai của Quốc vương Omar Ali Saifuddien III.

    Trong những năm 1966 - 1967, Quốc vương khi đó còn đang là thái tử, từng được huấn luyện làm sĩ quan tại Học viện quân sự Hoàng gia Sandhurst tại Anh.

    Đến ngày 4/10/1967, sau lễ thoái vị của vua cha, Thái tử Hassanal Bolkiah từ Anh về nước chính thức kế vị ngai vàng.

    Với khối tài sản cá nhân ước tính trị giá 27,7 tỷ USD, đức vua Sultan là một trong số những người giàu có nhất hành tinh.

    Brunei có số dân ước tính gần 430.000 người, nơi mà sự giàu có xuất phát từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Tài sản khổng lồ của đức vua Sultan được cho là tăng thêm 147 USD mỗi giây, nhờ những tài sản liên quan tới dầu mỏ.

    Lối sống xa hoa bậc nhất

    Cung điện Instana Nurul Iman. Ảnh: Getty

    Vua Sultan sống trong một dinh thự hoàng gia lớn nhất thế giới: Cung điện Instana Nurul Iman, một dinh thự rộng lớn gồm 1800 phòng trên bờ sông Brunei, trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.

    Cung điện được thiết kế gồm 5 bể bơi, phòng tiệc đủ chứa 5000 khách, một nhà thờ Hồi giáo đồ sộ, khu nuôi ngựa có điều hòa. Đặc biệt, toàn bộ cung điện được trang trí bằng các đồ vật làm từ vàng và kim cương.

    Bên cạnh đó, vua Sultan còn là một tín đồ xe hơi nổi tiếng và bộ sưu tập xe hơi sang trọng của ông trị giá 9 tỷ USD, bao gồm các hãng Rolls Royces, Ferraris, Bentley, Lamborghinis, Aston Martins và Jaguars.

    Vào những năm 1990, hoàng gia Brunei được cho là nắm giữ gần một nửa số Rolls-Royce trên toàn thế giới. Năm 2011, quốc vương Brunei lập kỷ lục Guiness với bộ sưu tập Rolls Royce lớn nhất thế giới. Con số này được cho là đã lên tới 500 chiếc tính tới năm 2018.

    Một trong những báu vật của bộ sưu tập siêu xe nổi tiếng này là chiếc Roll Roys Phantom VI, được chế tạo riêng, tối ưu hóa về khí động học cùng thiết kế cửa "cắt kéo" độc đáo. Ông gọi chiếc siêu xe được thiết kế riêng của mình là Rolls-Royce Cloudesque.

    Quốc vương Brunei có sở thích sưu tập xe hơi. Gara dưới lòng đất tại cung điện của ông chứa gần 1.000 chiếc xe từ các thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: netdna-cdn.com.

    Ông Sultan còn sở hữu những chiếc máy bay tư nhân đắt tiền, bao gồm một chiếc Airbus trị giá 138 triệu USD, một chiếc Boeing 767 trị giá 251 triệu USD và một chiếc Boeing 747 trị giá 431 triệu USD. Những chiếc máy bay này cũng được trang trí bằng vàng.

    Huấn luyện viên cầu lông của vua Sultan có mức lương 2 triệu USD/năm và đây cũng là số tiền mà đức vua chi trả cho việc châm cứu, mát xa.

    Khi ông Sultan muốn cắt tóc, ông sẽ sử dụng máy riêng để đón nhà tạo mẫu tóc yêu thích của mình tới Brunei. 

    Quốc vương cũng cho xây sở thú riêng, nơi có 30 con hổ Bengal. Ông từng đưa nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới tới xem trình diễn tại sở thú này khi họ tới thăm Brunei. 

    Những bữa tiệc triệu đô 

    Phòng tiệc tại cung điện. Ảnh: AP

    Để thực sự hiểu được quốc vương Sultan giàu có như thế nào, hãy nhìn vào lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của ông vào năm 1996.

    Ông Sultan đã bỏ ra tới 36,9 triệu USD trong hai tuần lễ kỷ niệm sinh nhật, bao gồm một trận đấu polo và một buổi dạ tiệc xa hoa với trứng cá muối beluga trong thực đơn. Ông thậm chí đã trả cho Michael Jackson 25,8 triệu USD để biểu diễn tại ba buổi hòa nhạc, đánh dấu việc bản thân bước sang tuổi 50.  

    Vua Sultan cũng từng chi hàng triệu USD cho 3 đám cưới của mình. Năm 1965, ông kết hôn với em họ Raja Isteri Pengiran Anak Hajah Saleha, người đã sinh cho ông sáu đứa con, trong đó có Thái tử Al-Muhtadee. Hôn nhân đa thê là hợp pháp ở Brunei nên Quốc vương đã tái hôn, nhưng bà Raja vẫn là vợ và Nữ hoàng. 

    Vua Sultan cưới người vợ thứ hai Hajah Mariam, từng làm tiếp viên hàng không của hãng hàng không quốc gia vào năm 1982.

    Vua Sultan kết hôn với em họ Raja Isteri Pengiran Anak Hajah Saleha. Ảnh: Getty

    Tuy nhiên, năm 2003, quốc vương ly dị bà Hajah khi họ đã có bốn người và tước bỏ danh hiệu hoàng gia của cô. Bà Azrinaz Mazhar, người vợ thứ ba sinh thêm hai đứa con cho Quốc vương, cũng đã ly hôn vào năm 2010.

    Khi Thái tử Al-Muhtadee Billah, người thừa kế lớn nhất của đức vua, kết hôn năm 2004, ca sĩ Whitney Houston đã được trả 10,1 triệu USD để hát tại buổi tiệc chiêu đãi.

    Hằng năm, giá trị của mỗi món quà mà ông Sultan thường xuyên dành tặng các con có thể bằng cả gia tài của một người bình thường. Một số nguồn tin cho biết, mỗi năm vua Sultan chi ít nhất 17 triệu USD để mua quà cho gia đình.

    Brunei "lột xác" ngoạn mục 

    Đọc tới đây, nhiều người tự hỏi, tại sao một ông vua có lối sống xa hoa như ông Sultan lại có thể trị vì hơn 50 năm? Sự thật là vị quốc vương này rất được lòng dân chúng.

    “Ông lấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời!”  Đây là câu trả lời của hầu hết người dân Brunei khi được hỏi về quốc vương Sultan. Với họ, sự giàu có của Hoàng gia Brunei hay nhà vua không đi ngược lại sự thịnh vượng và bình yên chung của đất nước. Những điều ông mang lại cho thần dân của mình đều là những điều tốt nhất cho người dân Brunei. 

    Sự kiện đầu tiên đánh dấu quá trình thay da đổi thịt của Brunei dưới triều đại vua Sultan là năm 1984, quốc gia này đã chính thức tách khỏi Anh quốc, tuyên bố độc lập. 

    Khoảnh khắc vua Sultan lên ngôi. Ảnh: Strait Times

    Quốc vương Sultan thấu hiểu lợi thế của đất nước mình là tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu lửa và khí đốt. Tuy nhiên, ông cũng hiểu được rằng cái gì dùng mãi cũng sẽ hết nên đã sớm xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế hiệu quả dựa vào khai thác tài nguyên một cách hợp lý.

    Tới những năm 2000, Brunei dần có những bước tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Trong giai đoạn từ 1999-2008, Brunei trở thành nước công nghiệp hóa mới. Brunei có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore).

    Tại đất nước này, hầu như mọi thứ đều miễn phí, từ y tế, giáo dục, đường sá cho đến các loại thuế. Chính phủ Brunei cho người dân vay tiền không tính lãi để mua sắm siêu xe hoặc bất cứ gì họ thích.

    Brunei không bị đe dọa bởi nạn thất nghiệp cũng như lạm phát. Quốc gia này từ lâu đã được mệnh danh là “Abode of Peace” ( Xứ sở bình yên).

    "Trái tim ông ấy giành cho người dân. Ông ấy có ý thức rất lớn về trách nhiệm của bản thân. Bất kỳ lúc nào có thiên tai, quốc vương luôn đảm bảo người dân nhận được mọi sự viện trợ cần thiết", Ali Molhakim Awang Piut, một sinh viên cho biết. “Tôi chưa bao giờ thấy vị vua nào thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, cùng người dân đạp xe”.

    Sự tôn kính, tin tưởng gần như tuyệt đối của dân chúng chính là lý do giúp Quốc vương Sultan Hassanal Bolkiah tại vị vững chắc trên ngai vàng suốt hơn 50 năm.

    Mộc Miên (Theo Strait Times, Insider, news.com.au)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-song-xa-xi-bac-nhat-cua-quoc-vuong-brunei-may-bay-dat-vang-gara-chua-hang-ngan-sieu-xe-a300750.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan