+Aa-
    Zalo

    Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn tại tòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng thời điểm PVN góp vốn vào OceanBank chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật tổ chức tín dụng...

    Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng thời điểm PVN góp vốn vào OceanBank chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật tổ chức tín dụng, do vậy việc chỉ cho sở hữu tối đa 15% không phải là điều bắt buộc phải thi hành, PVN chưa cập nhật đầy đủ luật, nếu có cảnh báo thì đã không thực hiện việc góp vốn này.

    Chiều 19/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án Cố ý làm trái và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN. 

    Tiếp tục phần xét hỏi, lần lượt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và bị cáo Đinh La Thăng bước lên bục khai báo trả lời thẩm vấn.

    Hồ sơ điều tra - Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn tại tòa

    Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời thẩm vấn (Ảnh Thành Long).

    Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai ký vào các văn bản thỏa thuận góp vốn vì bị cáo thấy OceanBank làm ăn rất tốt, lợi nhuận năm 2009 và 2010 đều ở mức cao.

    Nói đến đây, Nguyễn Xuân Sơn xin HĐXX ít phút để giải thích về việc PVN góp vốn vào OceanBank thêm 100 tỷ đồng vào ngày 17/5/2011 (lần 3), tăng vốn OceanBank lên 4.000 tỷ để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% là trái với Luật các TCTD có hiệu lực từ năm 2011.

    Bị cáo cho biết, ban đầu OceanBank có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, nhưng do thị trường thay đổi nên đã giảm xuống 4.000 tỷ đồng. Luật các TCTD năm 2011 có hiệu lực là thời điểm nhạy cảm, đó là thời điểm chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Bị cáo nghĩ rằng việc chỉ cho sở hữu tối đa 15% không phải là điều bắt buộc phải thi hành, PVN chưa cập nhật đầy đủ luật, nếu có những cảnh báo thì đã không thực hiện việc góp vốn này.

    Có thể là do thời điểm nhạy cảm, các bị cáo không ý thức được vi phạm pháp luật. Bị cáo thấy rằng việc này không phải là nguyên nhân làm mất 800 tỷ đồng vì ngân hàng lúc đó hoạt động hiệu quả. PVN đã nhận cổ tức 2 lần trong 1 năm, đó là lịch sử của PVN vì khi đó OceanBank lợi nhuận rất cao.

    Bị cáo Sơn mong HĐXX xem xét việc truy tố bị cáo làm trái dẫn tới làm mất 800 tỷ đồng cho có tình có lý.

    Hồ sơ điều tra - Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn tại tòa (Hình 2).

    Bị cáo Đinh La Thăng (Ảnh Thành Long).

    Tiếp theo, bị cáo Đinh La Thăng đứng lên trả lời thẩm vấn. Bị cáo Thăng thừa nhận tham gia ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank.

    “Bị cáo thống nhất chủ trương PVN mua cổ phần OceanBank xuất phát từ lý do PVN không được thành lập ngân hàng Hồng Việt, để giải quyết hậu quả, OceanBank tiếp nhận toàn bộ bộ máy, con người, vật chất của Ban trù bị. Hai bên phối hợp báo cáo các cơ quan thẩm quyền hoàn thành thỏa thuận. Theo thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008, PVN góp vốn tối đa 20% vốn điều lệ của OceanBank. Thỏa thuận được ký trên tờ trình của TGĐ và báo cáo trực tiếp của Nguyễn Xuân Sơn. Nhưng thỏa thuận này không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý”, bị cáo Thăng nói.

    “Biên bản này ký và chỉ có hiệu lực khi HĐQT thông qua, nếu không thì biên bản không có giá trị. Đây là chủ trương chung của PVN và đã diễn ra mấy tháng trước đó. Trước khi ký với OceanBank, PVN đã khảo sát một số ngân hàng khác. Trước khi ký, bị cáo không báo cáo HĐQT PVN", bị cáo Thăng nói thêm.

    Cũng theo bị cáo Thăng khai, trước đó, Nguyễn Ngọc Sự có báo cáo OceanBank là ngân hàng yếu kém, tính thanh khoản thấp. OceanBank có quy mô vốn thấp, vì vậy chỉ tăng vốn thì PVN mới có điều kiện tham gia. Khi vốn điều lệ tăng lên thì khả năng huy động vốn tăng lên và tính thanh khoản cũng tăng lên. Bị cáo Sơn trực tiếp báo cáo HĐQT và HĐQT trực tiếp cho ý kiến.

    Trong lần góp vốn lần đầu, Bị cáo Thăng khai ký Nghị quyết 7289 ngày 01/10/2008. Trước đó, bị cáo ký văn bản báo cáo xin Thủ tướng phê duyệt và đề nghị NHNN xem xét ủng hộ. Việc đầu tư này là đầu tư ra ngoài ngành của công ty mẹ, theo quy định của pháp luật cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

    Khi ban hành Nghị quyết 7289, cũng như các văn bản khác, bị cáo đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Thực tế sau khi Thủ tướng đồng ý vào tháng 10/2008 thì cuối tháng 12/2008, PVN chính thức góp vốn vào OceanBank. Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ.

    Không có quy định nào của pháp luật là ký Nghị quyết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và thực tế PVN đã thực hiện đúng quy định này.

    Theo điều lệ của PVN, Nghị quyết bắt buộc các tổ chức cá nhân phải thực hiện theo Nghị quyết này. Trên thực tế sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì PVN mới quyết định chuyển tiền vào OceanBank.

    Trả lời câu hỏi của Chủ tọa về việc vì sao biết OceanBank yếu kém nhưng bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch HĐQT vẫn chỉ đạo góp vốn vào ngân hàng này. Bị cáo Đinh La Thăng trình bày: OceanBank có thanh khoản kém, quy mô hoạt động nhỏ vì vốn nhỏ, còn khi tăng vốn lên thì thanh khoản sẽ tăng và hiệu quả cũng tăng lên. OceanBank cũng có cung cấp các số liệu.

    Hơn nữa, đây là ngân hàng niêm yết trên TTCK, do đó có rất nhiều cách để đánh giá vì có các báo cáo công khai. Đây là ngân hàng có chất lượng tín dụng trung bình khá. PVN góp vốn là do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát nên PVN gương mẫu thành lập ngân hàng để giải quyết hậu quả.

    “Những ngân hàng lớn khác như các cô gái xinh đẹp đã có chồng rồi, trong bối cảnh đó PVN lựa chọn OceanBank”, bị cáo Thăng đưa ra hình ảnh so sánh.

    Chủ trương góp vốn vào OceanBank là từ chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế đa ngành. Với vai trò là đơn vị đi đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên PVN đã chủ trương thành lập ngân hàng và sau đó là góp vốn vào OceanBank. Cũng theo bị cáo Thăng thì khoản đầu tư vào OceanBank là rất hiệu quả, từ 2009-2012 đều chia cổ tức cho cổ đông.

    Theo truy tố của VKS: Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

    Như vậy, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank.

    Đến thời điểm ngày 01/01/2011, Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào OceanBank.

    Hậu quả, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại ngân hàng OceanBank.

    Tư Viễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-khai-cua-bi-cao-dinh-la-thang-nguyen-xuan-son-tai-toa-a223053.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan